Giá xăng giảm mạnh giúp kiềm chế lạm phát tháng 10

Nhật Hạ - 10:20, 31/10/2023

TheLEADERMặc dù có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ ghi nhận chỉ số giá tăng và chỉ có 2 nhóm giảm, nhưng CPI tháng 10 chỉ tăng nhẹ 0,08%.

Một số địa phương thực hiện tăng học phí và giá gạo trong nước tăng mạnh theo giá xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2023 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước, theo Tổng cục Thống kê.

Trong mức tăng này, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm giảm.

Giá xăng giảm mạnh giúp kiềm chế lạm phát tháng 10

Cụ thể, nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,25% (làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm), trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 2,54% do một số địa phương thực hiện tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn và một số trường đại học, cao đẳng công lập, dân lập, tư thục cũng tăng học phí năm học 2023 - 2024 để bảo đảm chi thường xuyên.

Bên cạnh đó, giá vở, giấy viết các loại tháng 10 tăng 0,11% so với tháng trước; giá bút viết tăng 0,16%; giá văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,2%.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,27% (làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm) do giá gas tăng 4,72%; giá nước sinh hoạt tăng 0,48%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,29%.

Ở chiều ngược lại, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,09% do giá thép giảm; giá điện sinh hoạt giảm 0,79% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi vào mùa mưa, thời tiết mát; giá dầu hỏa giảm 0,58% chủ yếu do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 02/10/2023, 11/10/2023 và 23/10/2023.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21%, tập trung chủ yếu ở mặt hàng chăm sóc cơ thể; đồ trang sức; đồng hồ đeo tay; dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ về hỉ.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,15% do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và tỷ giá USD tăng.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,12% do chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06%, trong đó lương thực tăng 0,9% ; thực phẩm giảm 0,14%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,21%.

Ở mặt hàng lương thực, giá gạo tăng 1,14% do giá xuất khẩu tăng, nhu cầu tại các thị trường châu Á và châu Phi cao hơn; đặc biệt là sau khi Indonesia thông báo sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia đến cuối năm 2023 mà Việt Nam và Thái Lan là hai nguồn cung gạo chính.

Còn ở mặt hàng thực phẩm, giá thịt lợn giảm 1,41% (làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm).

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng như thiết bị gia đình có động cơ; ổn áp điện; máy xay sinh tố, ép hoa quả; nồi cơm điện; lò vi sóng; tủ các loại…

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, tăng chủ yếu ở nhóm thuốc chống dị ứng và các trường hợp quá mẫn và nhóm thuốc giảm đau; thuốc hạ sốt; chống viêm không steroid và thuốc điều trị gút và các bệnh xương do thời thiết thay đổi thất thường, số người dân mắc bệnh tăng cao.

Trong khi đó, 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giảm gồm nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,11% chủ yếu giảm ở nhóm thiết bị điện thoại.

Nhóm giao thông giảm 1,51% (làm CPI chung giảm 0,15 điểm phần trăm) chủ yếu do giá xăng giảm 4,59%; giá dầu diezen giảm 0,73% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 02/10/2023, 11/10/2023 và 23/10/2023.

Giá xăng giảm mạnh giúp kiềm chế lạm phát tháng 10 1

Lạm phát cơ bản tháng 10/2023 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm nay, lạm phát cơ bản tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,2%).

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 10 tháng năm nay giảm 13,24% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,55% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.