Xuất hiện rủi ro lạm phát

Phương Anh - 15:14, 12/10/2023

TheLEADERTrong khi tăng trưởng của Việt Nam chứng kiến một số tin tốt, lạm phát liên tục nhích lên làm gia tăng lo ngại, theo HSBC.

HSBC trong đánh giá mới nhất về kinh tế Việt Nam nhận định, các rủi ro lạm phát đã xuất hiện trở lại. Đà lạm phát đã tăng nhanh trong hai tháng qua, đẩy tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm trước tiến gần hơn đến mức trần 4,5%.

Cụ thể, giá thực phẩm đã tăng khoảng 3% so với tháng trước trong hai tháng liên tiếp, đẩy lạm phát so với cùng kỳ năm trước vượt quá 10%.

Trong khi thương mại của Việt Nam được hưởng lợi từ giá gạo cao hơn, giá cả quốc tế đã đẩy giá hàng hóa thiết yếu trong nước tăng cao.

Không chỉ vậy, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động gần đây trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Chi phí vận tải lần đầu tiên trong một năm đã ngưng giảm so với cùng kỳ năm trước trong khi giá khí đốt trong nước cũng tăng đáng kể.

Rủi ro lạm phát xuất hiện
Đà lạm phát tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mặc dù những diễn biến gần đây được đánh giá sẽ khó đẩy mức lạm phát bình quân vượt trần 4,5%, nhưng tình thế toàn cầu như trên gây ra rủi ro đáng kể.

Theo đó, HSBC đã điều chỉnh dự báo lạm phát hàng quý và nâng nhẹ dự báo lạm phát bình quân từ 3,2 lên 3,4% cho năm 2023.

Cùng với đó, tổ chức này không còn dự báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Nguyên nhân là bởi các điều kiện trước đây đảm bảo cho việc cắt giảm lãi suất thêm đã không còn, quá trình phục hồi đang diễn ra trong khi lạm phát và áp lực ngoại tệ đang gia tăng.

HSBC dự kiến, NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2024, trừ khi có các cú sốc từ bên ngoài.

“Mặc dù vậy, chúng tôi cũng không kỳ vọng chuyện tương tự tháng 10 năm ngoái lại xảy ra, khi đợt tăng liên tục của tỷ giá USD/VND buộc NHNN phải mạnh tay tăng lãi suất”, tổ chức này cho biết thêm.

Nguyên nhân là do các điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được cải thiện, như thặng dư tài khoản vãng lai gần như đã quay trở lại mức đỉnh nhờ thặng dư thương mại, kiều hồi dồi dào và doanh thu du lịch tăng.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2 – 3,6% tùy theo kịch bản. Đại diện các bộ, ban, ngành khác cho rằng đến thời điểm này, nếu không có biến động quá bất thường thì công tác kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4,5% khả thi.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, các chỉ số hiện tại cho thấy tình hình tương đối "dễ chịu" để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Ông Phương cũng đánh giá, vào năm 2024, công tác quản lý, điều hành giá sẽ chịu sức ép rất lớn hơn, do tác động của việc triển khai thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 và điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ do nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, giá điện.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý vấn đề giá xăng dầu và giá mặt hàng lương thực.

Hiện có một số yếu tố như Nga và Saudi Arbia cắt giảm nguồn cung, dự trữ xăng dầu của một số nước lớn sụt giảm có thể làm giá xăng dầu thế giới đảo chiều, tăng giá vào những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó là vấn đề biến động giá mặt hàng lương thực, lúa gạo, để vừa xuất khẩu, vừa bảo đảm an ninh lương thực. Do đó, cần phải tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, đánh giá các tác động để chủ động có giải pháp kịp thời, phù hợp.

Về chính sách tiền tệ, ông Khái lưu ý NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình, giữ tỷ giá ổn định, giữ giá trị đồng tiền hợp lý, không để tác động nhiều đến kinh tế vĩ mô.