Nguy cơ lạm phát trở thành rào cản tăng trưởng kinh tế

An Chi - 09:05, 30/10/2022

TheLEADERÁp lực lạm phát có xu hướng ngày càng gia tăng trong thời điểm cuối năm 2022 đang gây thách thức rất lớn đối với nhiệm vụ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và mục tiêu tăng trưởng.

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ cho thấy, tình hình kinh tế trong 9 tháng đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%.

Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá cũng tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6-6,5%).

Những kết quả đã đạt được là rất khả quan, tuy nhiên, theo nhiều Đại biểu Quốc hội, nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức, khó khăn vô cùng to lớn, khó lường.

Theo Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định), áp lực lạm phát có xu hướng tăng trong cuối năm 2022 đang gây thách thức đối rất lớn với tăng trưởng kinh tế và nhiệm vụ kiểm soát lạm phát đầu năm 2023.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, khả năng nhập khẩu lạm phát từ thế giới là hiện hữu. Bên cạnh đó, cuối năm cũng là thời diểm lượng cung tiền từ giải ngân đầu tư công, từ giải ngân FDI, lượng tiền nhiều hơn, giá cả một số mặt hàng cũng tăng mạnh.

Mặt khác, thời gian tới, lương cơ bản và một số khoản phí Nhà nước quản lý cũng sẽ trong lộ trình tăng lên, gây lạm phát tăng mạnh. Trong trường hợp lạm phát tăng cao trong thời gian tới, việc giảm lãi suất cho vay sẽ khó có thể thực hiện. 

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhanh và mạnh. Cùng với đó, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành của Fed gây sức ép lớn đến tỷ giá Việt Nam. Kinh nghiệm thế giới cho thấy nếu không có giải pháp kiểm soát kịp thời thì lạm phát sẽ trở thành rào cản ngược đối với tăng trưởng kinh tế, ông Dũng nhận định.

Đồng quan điểm, Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cũng phân tích những khó khăn, thách thức ở trong nước và nước ngoài đang tác động đến kinh tế Việt Nam.

Trên thế giới, tình hình dịch bệnh, địa chính trị diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao trên toàn cầu gây sức ép với tình hình trong nước. Nền kinh tế Việt Nam luôn có độ trễ nhất định trước những diễn biến của thế giới. Trong bối cảnh hiện tại, lạm phát trong nước vẫn được giữ ổn định, song áp lực gia tăng trong thời gian tới là thấy rõ.

Ở trong nước, ông Thắng cũng nêu một số khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt như việc Chính phủ đã nỗ lực điều chỉnh chính sách, luật để giảm giá xăng giúp doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng giảm không tương ứng. Lãi suất cho vay tăng cao, sức ép lạm phát, giá cả tăng cao đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Trong khi đó, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, giải ngân vốn ODA với tỷ lệ quá thấp, ba chương trình mục tiêu quốc gia triển khai từ sớm nhưng ban hành chính sách và phân bổ vốn còn chậm hơn. Giải ngân vốn cho chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội cũng chậm khiến người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. 

.Chủ động các kịch bản ứng phó với lạm pháp đang gia tăng trên toàn cầu

Trước tình hình hiện nay, Đại biểu Phạm Hùng Thắng cho rằng, Chính phủ cần chủ động các kịch bản ứng phó với lạm pháp đang gia tăng trên toàn cầu

Chính phủ, các bộ, ngành cần chủ động ứng phó bằng các chính sách phù hợp, linh hoạt hơn. Các thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá cần được công khai kịp thời để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, nhất là ưu đãi, vốn ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, theo ông Thắng, Chính phủ cần xem xét báo cáo Quốc hội, sửa đổi Nghị quyết 43 theo hướng tạo thuận lợi hơn khi thực hiện gói hỗ trợ 2%, nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đồng quan điểm, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cũng đưa ra các giải pháp căn cơ để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phòng chống lạm phát, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất, kinh doanh... là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Theo ông Ngân, thời gian tới, giá cả xăng dầu có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất.

Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng một số nơi. Mặc dù Bộ Công thương đã tích cực vào cuộc nhưng cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự. Trong thời gian tới cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.

Bên cạnh các giải pháp kiềm chế lạm phát, ông Ngân cho rằng, việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển sẽ có ý nghĩa rất lớn đối tăng trưởng kinh tế.

Trong thời gian vừa qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn về vốn, tỷ giá, lao động, về thuế và phí. Trong khi đó, việc triển khai Nghị quyết 43 có nhiều gói triển khai thuận lợi nhưng có gói không thuận lợi. Vì vậy, vị đại biểu này đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn. Như vậy sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Mặt khác, về đời sống của người dân, một bộ phận người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gia đình có người thân mất do dịch bệnh Covid-19, hộ gia đình bị thiên tai, lũ lụt. Do đó, Chính phủ cần tăng cường chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội và cuộc sống cho người dân.