Giải ngân vốn đầu tư công đạt 47% sau 9 tháng

Nhật Hạ - 08:00, 27/09/2022

TheLEADERTiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm chưa như kỳ vọng khi ước đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó 2/3 các bộ, cơ quan trung ương và 1/3 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Năm nay vốn đầu tư công được Quốc hội quyết nghị là trên 526.105 tỷ đồng, trong đó hơn 42% vốn trung ương, còn lại là ngân sách địa phương.

Nếu tính cả 16.000 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn năm nay gần 542.106 tỷ đồng.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 9, tiến độ giải ngân đạt 46,7%, tương đương hơn 253.148 tỷ đồng. Xét về số tuyệt đối, giải ngân đến cuối tháng 9 cao hơn cùng kỳ năm ngoái 16%, trên 34.597 tỷ đồng.

Riêng vốn trung ương giải ngân 89.900 tỷ đồng, đạt 37,8% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ năm 2021 cả về số tuyệt đối 13.664 tỷ đồng và về tỉ lệ giải ngân (cùng kỳ năm 2021 đạt 37,01%).

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng giao gồm Quảng Ngãi, Hưng Yên, Ngân hàng Chính sách xã hội, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Tây Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang.

Tuy nhiên, 2/3 các bộ, cơ quan trung ương và 1/3 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%), trong đó, 14 bộ, cơ quan trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Với các con số trên, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hôm nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương đã đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệp, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 47% sau 9 tháng
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Nhật Bắc

Nhận diện khó khăn, ông Phương cho rằng có khoảng 25 loại tồn tại, vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó phân thành 3 nhóm chính.

Đó là nội dung liên quan đến thể chế, chính sách, chủ yếu về lĩnh vực đất đai, tài nguyên-môi trường, xây dựng, đấu thầu…; khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.

Theo đó, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải quán triệt nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, tập trung đẩy mạnh giải ngân dự án trọng điểm; không đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2022 vì hiện nay không có đơn vị nào đề nghị bổ sung vốn năm 2022 nên không thể thực hiện điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư công.

Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn của các nhà tài trợ.

Nhà thầu mạnh có tâm lý e ngại với dự án đầu tư công

Tại hội nghị, diễn đàn trong tháng 9 do Chính phủ, Quốc hội tổ chức, một số chuyên gia đã nhận định đẩy mạnh đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để ứng phó với tình trạng xuất khẩu và thu hút FDI có khả năng suy giảm vào cuối năm nay và năm sau – hai động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng tuy chiếm tỷ lệ không quá cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng vốn đầu tư công lại có vai trò rất quan trọng, là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và các dòng vốn đầu tư tư nhân.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tạo ra những hệ luỵ dây chuyền, đang ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Khó khăn sẽ gia tăng nếu dòng vốn đầu tư gián tiếp đảo chiều nhanh chóng khi mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng mạnh.

Tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công liên tục chậm là câu chuyện “dài nhiều kỳ” về sự lãng phí, có tiền mà không tiêu được, có nguyên nhân quan trọng là chưa tháo gỡ được các nút thắt về cơ chế, chính sách, nhất là các thủ tục về giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực thật sự và sự thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm…trong việc triển khai các dự án lớn.

Một trong những dự án đầu tư công quan trọng, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đến nay vẫn còn một số đoạn chưa giải phóng mặt bằng, một số các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa bàn giao cho nhà thầu, khối lượng giải ngân đạt trên 50%, chậm so với tiến độ đề ra, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết.

Nguyên nhân một phần đến từ công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là định mức đơn giá kỹ thuật lạc hậu, giá nguyên vật liệu tăng cao, có những nguyên vật liệt tăng tới 20-25%.

Theo ông Thanh, các địa phương phải công bố định mức các đơn giá hàng tháng, thay vì 3 tháng như hiện nay để đơn giá sát với thực tế, tạo điều kiện cho công tác thanh quyết toán, tháo gỡ khó khăn của nhà thầu. Đối với những lĩnh vực chưa có đơn giá, định mức kỹ thuật, Bộ Xây dựng cần sớm xây dựng và ban hành.

Bên cạnh đó, một nghịch lý đang tồn tại trong thực tế hiện nay là tại sao các doanh nghiệp xây dựng tăng trưởng khá mạnh nhưng giải ngân đầu tư công lại không thể giải ngân nhanh mặc dù tiền có dư, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam chỉ ra.

Vì vậy, ông đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét để có giải pháp vướng mắc về thủ tục đầu tư và thanh toán.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải có cơ chế chỉ định thầu với gói thầu trên 3.000 tỷ nhưng hiện nay số nhà thầu Việt Nam có thể thực hiện được các tiêu chí để thực hiện cơ chế chỉ định thầu cũng không quá được 50 nhà thầu.

Cho nên, có thể nói là có khá nhiều gói thầu nhưng nhà thầu đạt được tiêu chí cũng không nhiều. Các thủ tục thanh quyết toán và các bước thực hiện các thủ tục đầu tư vẫn còn hết sức cồng kềnh mà chưa có cơ chế, quy trách nhiệm cụ thể cho từng khu vực, từng công đoạn.

Vấn đề thứ hai là hiện nay có thể nói các nhà thầu xây dựng Việt Nam đang rất khó khăn là đơn giá định mức còn quá lạc hậu, bất cập. Có những cái đơn giá mà chúng ta đưa ra nó chỉ bằng 1/3 so với thực tế thực hiện.

Theo ông Hiệp, hiện đang có khá nhiều nhà thầu, nhà thầu mạnh có tâm lý e ngại không muốn nhận các gói đầu tư công. Đây là một tình trạng rất nghịch lý, dù có muốn thì với giá và định mức hiện nay rất khó thực hiện. Thay mặt hiệp hội, ông Hiệp đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét 3 đề xuất sau:

Thứ nhất, cần điều chỉnh lại các định mức chưa hợp lý so với thiết kế, thi công hiện tại; hướng dẫn, kiểm tra công tố giá cả máy, giá nhân công của các địa phương cách phù hợp sát với mặt bằng giá thị trường và bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng.

Thứ hai là triệt để tinh giản các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục thanh quyết toán, nhất là các phần việc phát sinh bằng việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có ghi địa chỉ chịu trách nhiệm trong công tác giải ngân.

Thứ ba, cần sớm có cơ chế bảo vệ quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trong cơ chế hợp đồng, tránh tình trạng nợ đọng triền miên.

Theo TS.Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cấp cao, Đại học Bristol, Vương Quốc Anh, việc đẩy mạnh đầu tư công và thúc đẩy đầu tư tư nhân tham gia vào đổi mới lực lượng lao động, đầu tư nguồn lực để chuẩn bị cho một nền kinh tế có dân số già đi và đối mặt với biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng.

Để có tất cả những điều đó, Việt Nam cần phải có một mức độ chi tiêu đầu tư công hợp lý và hiện nay có thể thấy rằng giải ngân đầu tư công đang chậm do đó cần có giải pháp để tháo gỡ vấn đề này.