Giảm giờ làm, tăng giá trị

Quỳnh Chi - 08:00, 16/07/2023

TheLEADERKhuyến khích nhân sự làm việc thông minh hơn và tối ưu hơn thay vì chú trọng quản lý theo giờ làm là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để không chỉ mang lại lợi ích về mọi mặt cho người lao động mà qua đó còn tạo giá trị cho tổ chức.

Giảm giờ làm, tăng giá trị
7-Eleven giảm giờ làm từ tháng 8/2022. Ảnh: 7-Eleven

Tháng 8/2022, 7-Eleven Việt Nam thử nghiệm triển khai rút ngắn giờ làm việc trong ngày tại văn phòng. Thay vì làm việc từ 8h30 sáng đến 5h30 chiều như trước đây, công ty này thử nghiệm giờ mở cửa từ 9h sáng và kết thúc lúc 5h chiều trong khi vẫn giữ thời gian nghỉ trưa 1 tiếng như trước đây.

Theo kế hoạch, việc giảm giờ làm này chỉ được áp dụng thử đến tháng 3/2023. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy nhân sự vẫn làm việc hiệu quả và đảm bảo chất lượng công việc mà cũng không cần thay đổi các cơ chế quản trị hiệu suất, ban lãnh đạo của 7-Eleven đã quyết định tiếp tục duy trì chính sách giảm giờ làm ở công ty.

Không chỉ rút ngắn giờ làm việc trong ngày, nhiều quốc gia cũng đã và đang triển khai thí điểm và khuyến khích áp dụng chế độ làm việc 4 ngày/tuần như ở Anh, Mỹ, New Zealand, Tây Ban Nha, Nhật Bản… Sự thay đổi này nhằm giúp người lao động có nhiều thời gian nghỉ ngơi, cân bằng tố giữa công việc và cuộc sống cũng như có năng suất lao động tốt hơn.

Điều đáng nói là doanh nghiệp giảm giờ làm nhưng không giảm lương nhờ mô hình 100-80-100. Theo đó, nhân viên sẽ được nhận 100% lương nhưng chỉ cần làm việc 80% thời gian so với trước đây với điều kiện là cam kết đạt 100% năng suất.

Giáo sư kinh tế John Pencavel của Đại học Stanford trong một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thời gian làm việc hàng tuần và hàng ngày kéo dài không đồng nghĩa với kết quả đầu ra sẽ cao. Thậm chí, với nhiều nhân sự tối ưu được giờ làm thậm chí còn mang lại nhiều giá trị hơn.

Ông phát hiện, những người làm việc cật lực 70 giờ mỗi tuần cũng có thể chỉ đạt được hiệu quả công việc như một người làm tốt trong 56 giờ đồng hồ mỗi tuần.

Tại Việt Nam, có những người trẻ sẵn sàng đắm mình trong công việc, sẵn sàng ở lại công ty làm việc đến khuya mà không có lương làm thêm giờ. Trong khi đó, họ lại không thể dậy sớm để đến công ty đúng giờ chấm công và chấp nhận trừ hàng triệu đồng tiền lương chỉ để được ngủ nướng mỗi buổi sáng. Với một số người, đó có thể là sự mệt mỏi nhưng với một số khác thì đó là sự tự nguyện.

Dù người lao động phản ứng như thế nào đi chăng nữa, vấn đề được đặt ra là nên chăng doanh nghiệp cần linh động hơn để vừa tối ưu được năng lực của người lao động, vừa đảm bảo quyền lợi vượt mong đợi cho họ mà công ty lại không hề tốn thêm chi phí.

Sau đại dịch, các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp đã tập trung nói nhiều về câu chuyện sức khoẻ tinh thần của nhân sự. Không chỉ trên lý thuyết và phong trào, các doanh nghiệp tìm cách đưa ra các chính sách, chương trình để người lao động sống khoẻ hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Câu chuyện này đặc biệt thấy rõ ở các tập đoàn đa quốc gia. 

Đại dịch xảy đến với những thay đổi khó lường ở góc độ vĩ mô lần vi mô đều có thể tác động xấu đến người lao động và từ đó khiến năng suất giảm sút. Nhưng có lẽ ít ai nhìn nhận được rằng làm việc trong thời gian dài cũng có thể gây ra những căng thẳng tương tự. Gần 10 năm trước, giáo sư John Pencavel đã từng chỉ ra rằng làm việc trong thời gian dài có thể khiến người lao động cảm thấy mệt mỏi hoặc căng thẳng.

Điều này không chỉ khiến năng suất của họ bị giảm bớt mà còn tăng khả năng xảy ra sai sót trong công việc, khả năng ra quyết định kém… có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người lao động và tổn hại cho cả doanh nghiệp.

Nói về công ty mà chị Trần T (Hà Nội) từng làm việc, chị sẽ không bao giờ quên được trải nghiệm vào buổi trưa thứ Hai một ngày hè cách đây bảy năm. Vẫn đến văn phòng chi nhánh công ty làm việc từ sáng nhưng 11h30 trưa chị phải đi xe máy về văn phòng tổng công ty cách đó hơn 7km để họp đến 2 giờ chiều mới xong rồi lại phải tất bật quay lại chỗ làm. Mệt mỏi, buồn ngủ và đói, chị đã vô tình ngủ trên đường lúc đang lái xe và va phải một người đi đường. May mắn là không có vấn đề gì xảy ra cho cả hai bên. Cùng một số lý do khác, chị quyết định nghỉ việc sau đó không lâu.

Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn thừa nhận là chỉ có thể quản lý nhân sự dựa trên thời gian làm việc và kết quả đầu ra mà không thể kiểm soát được họ làm gì trong giờ làm. Chơi trò chơi, lướt facebook, đeo tai nghe xem tiktok và chờ đến giờ tan làm là thực trạng của không ít người lao động tại nhiều doanh nghiệp. 

Theo ông John Pencavel, chìa khóa thành công là làm việc thông minh hơn chứ không phải nhiều hơn.

Hưởng ứng chiến dịch “8 giờ lao động, 8 giờ giải trí, 8 giờ nghỉ ngơi” do nhà vận động nhân quyền người Anh Robert Owen khởi xướng, Ford Motor vào năm 1914 đã tăng lương gấp đôi trong khi giảm giờ làm xuống còn một nửa. Điều này dẫn đến sự phát triển lớn cho Ford và hãng ghi nhận mức tăng gấp đôi lợi nhuận chỉ sau hai năm.

Giờ đây, việc tối ưu thời gian làm việc của người lao động còn được hỗ trợ bởi sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ. Máy móc, đặc biệt là các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang hỗ trợ và có thể thay thế con người ở nhiều công việc mà họ không muốn làm và vào những thời điểm họ cần được nghỉ ngơi như ca đêm hay cuối tuần. Con người có thể tránh được các công việc nhàm chán, tập trung cho đổi mới, sáng tạo và các công việc mang giá trị cao hơn.

Dù vậy, việc giảm giờ làm vẫn phải xem xét áp dụng một cách linh động, phù hợp dựa trên đặc thù của các doanh nghiệp. Chẳng hạn vào năm 2019 khi lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động mới, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã kịch liệt phản đối việc giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần vì cho rằng có thể khiến doanh nghiệp tốn thêm hàng tỷ đồng cho chi phí lao động. 

Ngay cả khi Việt Nam quy định về thời giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần thì nhiều doanh nghiệp dệt may, thủy sản, da giày đã phải bố trí làm thêm giờ hết thời gian được phép 300 giờ/năm theo quy định để có thể giao hàng đúng hạn, tránh bị phạt hợp đồng.