Chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho nhân viên

Quỳnh Chi - 08:11, 18/05/2022

TheLEADERNhững biến động không thể lường trước trong bối cảnh toàn cầu hoá như đại dịch Covid-19, sự phát triển liên tục của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, môi trường làm việc đa thế hệ là những lí do khiến việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần trở thành một ưu tiên cấp bách đối với doanh nghiệp thay vì chỉ là một lựa chọn.

Chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho nhân viên
Việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần giờ đây đã trở thành một ưu tiên cấp bách đối với nhiều doanh nghiệp

Điều này cũng không quá khó hiểu bởi sức khỏe tinh thần của nhân sự giảm sút sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp và ngay lập tức tổ chức sẽ mất đi chi phí rất lớn. Bên cạnh đó, sức khỏe tinh thần tốt sẽ tác động tốt đến kết quả làm việc của người lao động.

Trong quá trình nghiên cứu và tổng hợp cuốn Ebook "Nhân viên hạnh phúc, doanh nghiệp hạnh phúc", các chuyên gia đến từ Coach For Life (CFL) nhận ra rằng trong khi con người có vẻ đang làm “tốt” nếu nhìn vào con số tăng trưởng GDP hàng năm thì nhìn vào các yếu tố khác, phần đông người lao động trên thế giới phải vật lộn với mưu sinh trong khi ngày càng già đi và sức khoẻ cũng giảm sút mà không cảm thấy hạnh phúc.

Tại hội nghị thượng đỉnh về sức khỏe y tế toàn cầu tại London năm 2018, tạp chí The Lancet đã chỉ ra, mỗi năm, 12 tỷ ngày lao động bị mất đi chỉ vì người lao động gặp những rối loạn về sức khỏe tinh thần nên không thể quay lại nơi làm việc.

Dẫn số liệu khảo sát trong chương trình 'Leader Talk 04: Workplace mental wellbeing', CEO Coach For Life Quách Hiền cho biết, hiện nay, thế giới có 2 tỷ người bị mắc các chứng bệnh về sức khỏe tinh thần. Dự kiến đến năm 2030, nền kinh tế toàn cầu mất đi 16 nghìn tỷ USD chỉ vì những chứng bệnh liên quan đến sức khỏe tinh thần. Mỗi năm nước Mỹ chi tiêu 300 tỷ USD chỉ để khắc phục những sự cố do căng thẳng tại nơi làm việc, ở châu Âu con số này còn lên đến 650 tỷ USD.

Một nghiên cứu của Harvard Business Review chỉ ra, năm 2021, tỷ lệ người lao động không quay lại công việc được do vấn đề về sức khỏe tinh thần gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở nhóm thế hệ Y và thế hệ Z. 

Có tới 91% người tham gia khảo sát này cho rằng, tổ chức là nơi nên quan tâm và chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Tổ chức chính là nơi theo sát, hiểu rõ nhân viên nhất và có khả năng chăm sóc, hỗ trợ nhân viên tốt nhất, trước khi họ tìm kiếm sự giúp đỡ ở bên ngoài.

Chăm sóc sức khoẻ tinh thần không còn là lựa chọn
Bà Quách Hiền, CEO Coach For Life

Tăng hạnh phúc – tăng năng suất

Trên thế giới, các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần từ năm 1949. Nhưng thực sự đến những năm 80, thế giới mới mở rộng nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động.

Sau đại dịch, các doanh nghiệp trên toàn cầu đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ và khác biết về xu hướng, thói quen và hành vi mới của người lao động. Các cụm từ "sống chậm", "tỉnh thức", "trở về", "yêu thương chính mình" xuất hiện nhiều hơn, được trao đổi mạnh mẽ hơn.

78% doanh nghiệp đa quốc gia trên thế giới tham gia khảo sát của Harvard Business Review nhận thấy, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động là thiết yếu trong kế hoạch kinh doanh. Nhận thức về việc này đã được nâng cao rất nhiều trong thời gian gần đây.

Theo một phát hiện của các nhà kinh tế học tại trường Đại học Warwick, niềm hạnh phúc có thể gia tăng 12% năng suất làm việc trong khi sự buồn bã làm giảm đi 10% năng suất lao động. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, sự hạnh phúc có một sự tác động nhân quả vô cùng to lớn và tích cực đến với năng suất. Những cảm xúc tích cực xuất hiện tiếp thêm năng lượng cho con người để sống và làm việc.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, đầu tư vào sự ủng hộ và sự hài lòng của nhân viên sẽ tạo ra niềm hạnh phúc. Tại Google, sự hài lòng của nhân viên tăng 37% nhờ vào những sự khích lệ này trong khi sự khích lệ về mặt tài chính chưa đủ để khiến nhân viên hết mình trong công việc.

Phân tích dữ liệu doanh nghiệp và các tính toán thống kê của Tập đoàn SAP đã chứng minh tác động tài chính của các chỉ số hạnh phúc. Các chương trình tập trung vào nhân viên tại SAP góp phần nâng cao chỉ số “Văn hóa sức khỏe kinh doanh” từ 69% năm 2013 lên 78% vào năm 2018, với mỗi % thay đổi trong chỉ số này tác động từ 90 - 100 triệu USD trên lợi nhuận hoạt động tại SAP.

Bà Hiền cho biết, các nghiên cứu khoa học cũng chứng minh rằng có sự liên hệ trực tiếp giữa trạng thái hạnh phúc, thoải mái, viên mãn với việc gia tăng năng suất lao động. Theo một khảo sát của PwC, cứ 1 USD chi tiêu cho tinh thần lao động, tổ chức sẽ nhận lại 10 USD. Rõ ràng, tổ chức nhận thấy đây là những việc họ cần phải làm. 

Sự xuất hiện của covid-19 giúp doanh nghiệp nhận ra rằng quan tâm đến sức khỏe tinh thần của nhân viên là một việc cấp bách. Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng không đặt mình ngoài xu hướng.