Hà Tĩnh muốn đẩy nhanh dự án điện gió 250MW tại Lào

Nguyễn Cảnh - 08:41, 29/02/2024

TheLEADERDự án điện gió Trường Sơn tại Lào đang được UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị ưu tiên phát triển đến năm 2025.

Theo đề xuất, điện gió Trường Sơn đặt tại huyện Khăm Cợt và Xay Champhon, tỉnh Bolykhămxay (Lào) với diện tích chiếm đất khoảng 90ha, công suất 250MW, điện lượng trung bình 715 triệu kWh/năm. 

Hoạt động trong 50 năm theo hình thức BOO, dự án sẽ bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) suốt thời gian 25 năm theo hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào.

Hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành) là hợp đồng ký kết giữa nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền sở hữu và kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh giá, dự án phù hợp với hiệp định hợp tác ký hồi tháng 10/2016 giữa hai Chính phủ, nằm trong phạm vi 3.000MW công suất đến năm 2025 của hiệp định và phù hợp với định hướng nhập khẩu điện tại Quy hoạch điện VIII mới phê duyệt.

Cụ thể, xác định về định hướng xuất nhập khẩu điện, Quy hoạch điện VIII có nêu: “Năm 2030, nhập khẩu khoảng 5.000 MW từ Lào theo Hiệp định giữa hai Chính phủ, sản xuất 18,8 tỷ kWh; có thể tăng lên 8.000 MW. Đến năm 2050, nhập khẩu khoảng 11.000 MW, sản xuất 37 tỷ kWh trên cơ sở cân đối với xuất khẩu để đảm bảo hiệu quả tối ưu tổng thể".

Bên cạnh ý nghĩa về mặt tình hữu nghị Việt – Lào, dự án sở hữu vị trí chiến lược quan trọng kéo dài dọc biên giới, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh biên giới giữa hai nước.

Ngoài ra, dự án cũng góp phần truyền tải điện ra miền Bắc, nơi có phụ tải cao và có nguy cơ thiếu điện.

Đáng chú ý, theo Hiệp định hợp tác Việt - Lào, EVN sẽ thực hiện đầu tư đường dây đấu nối với phần đường dây 220kV phía Việt Nam để truyển tải điện từ biên giới về trạm biến áp.

Tuy nhiên, ở dự án này, nhà đầu tư chủ động thực hiện đầu tư toàn bộ phần đường dây 220kV đấu nối nêu trên, do đó sẽ giảm gánh nặng đối với ngân sách.

Dự án đã được Chính phủ Lào ký biên bản ghi nhớ (MOU), hoàn thiện các thủ tục thiết kế khả thi, nghiên cứu môi trường theo quy định và ký thoả thuận phát triển dự án ngày 29/11/2023.

Về phía EVN, tập đoàn này khẳng định khả năng giải tỏa công suất của dự án, sự phù hợp với định hướng và nhu cầu nhập khẩu điện và đã có văn bản trình Bộ Công thương về chủ trương nhập khẩu điện cho dự án. 

Được biết, Bộ Công thương đã lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về nội dung này từ tháng 12/2023 vừa qua.

Trước đó, theo nhu cầu hai bên, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào đã ký bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các dự án thủy điện, liên kết lưới điện và nhập khẩu điện từ Lào vào năm 2016.

Tính đến năm 2022, EVN bán điện qua 9 địa điểm khu vực gần biên giới giữa hai nước với sản lượng điện thương mại khoảng 50 triệu kWh/năm. EVN cũng  đã ký kết 18 hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư để mua điện của 23 dự án. 

Nguồn điện từ thủy điện của Lào là nguồn ổn định, không phụ thuộc thời tiết, khí hậu nên có thể sử dụng như điện "nền", giúp khắc phục biến thiên công suất của một số nguồn năng lượng tái tạo trong nước.