Hà Tĩnh đổi hơn 24ha rừng làm nhiệt điện Vũng Áng 2

Phương Anh - 07:12, 18/08/2021

TheLEADERTrong số đất rừng được chuyển đổi mục đích sang nhiệt điện, gần 80% diện tích là rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

HĐND tỉnh Hà Tĩnh mới đây đã thông qua quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 3 dự án có tổng diện tích gần 36,5ha.

Trong đó, thông qua việc chuyển mục đích sử dụng 24,42ha rừng trồng để thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng 2, bao gồm 9,95ha quy hoạch rừng phòng hộ, 9,31ha rừng sản xuất và 5,16ha ngoài quy hoạch ba loại rừng, do cộng đồng thôn và hộ gia đình quản lý.

Số diện tích rừng này thuộc Khoảnh 9 – Tiểu khu 353 tại xã Kỳ Lợi, Khoảng 1 – Tiểu khu 359 thuộc phường Kỳ Thịnh và Khoảnh 1,2 – Tiểu khu 358D thuộc phường Kỳ Trinh.

Hai dự án còn lại được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là công trình tuyến đê biển huyện Nghi Xuân và trường bắn, thao trường huấn luyện quân sự huyện Nghi Xuân với tổng diện tích được chuyển là hơn 12ha.

Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng 2 do Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO) làm chủ đầu tư, trải rộng trên diện tích gần 150ha tại ba xã, phường là Kỳ Lợi, Kỳ Trinh, Kỳ Long thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Với mức đầu tư 2,2 tỷ USD, nhà máy có tổng công suất 1.200 MW gồm hai tổ máy và sử dụng than nhập khẩu.

Ban đầu, Mitsubishi của Nhật Bản và China Light & Power (CLP) của Hồng Kông nắm giữ mỗi bên 40% cổ phần tại VAPCO, 20% còn lại thuộc sở hữu của Chugoku Electric Power của Nhật Bản.

Sau đó, Tập đoàn điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã rót 189 triệu USD để mua lại 40% cổ phần từ CLP sau khi doanh nghiệp này rút khỏi dự án, kéo theo sự tham gia của Samsung và Doosan Heavy Industries với vai trò nhà thầu kỹ thuật, mua sắm và xây dựng.

Mặc dù được Bộ Công thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ cuối tháng 1/2011, dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng 2 đến nay vẫn chưa tiến hành khởi công và đang trong giai đoạn sơ khởi.

Thời gian qua, dự án này vấp phải không ít sự phản đối khi mức phát thải dự kiến là 6,6 triệu tấn mỗi năm, và lên tới 200 triệu tấn trong vòng đời hoạt động 30 năm, trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ nhiệt điện than sang năng lượng sạch trên thế giới.

Ngay cả KEPCO cũng chịu sức ép chỉ trích từ các nhà đầu tư và các nhà hoạt động vì khí hậu khi quyết định rót vốn vào Vũng Áng 2, dù nghiên cứu tiền khả thi của Viện Phát triển Hàn Quốc cho thấy dự án nhiệt điện này khiến KEPCO thua lỗ 84 triệu USD.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia phát triển điện than nhanh nhất. Kể từ năm 2015, hơn một nửa công suất hiện tại (10,7 GW) đã được bổ sung. Tổng công suất điện than hiện nay là 20,4GW, chiếm khoảng 30% cơ cấu nguồn điện.