Hoàn thiện hạ tầng để 'mở khóa' tiềm năng đầu tư vào miền Tây

Phạm Sơn - 18:28, 23/07/2023

TheLEADERHoàn thiện hệ thống logistics thông suốt, bao gồm việc xây dựng thêm các cảng biển và cảng sông là mong muốn của các nhà đầu tư nước ngoài để tạo thuận lợi cho việc rót vốn đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long.

Hoàn thiện hạ tầng để 'mở khóa' tiềm năng đầu tư vào miền Tây
Chính phủ quyết định rót khoảng 6,4 tỷ USD phát triển hạ tầng miền Tây. Ảnh: Hoàng Anh

Nói về tiềm năng đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long, ông Dixon Oh, Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV), nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long có giá nhân công trung bình rẻ hơn so với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Do đó, nếu có thể cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ, nhà đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc lựa chọn miền Tây làm điểm đến, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, vốn là thế mạnh của vùng này.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cũng đánh giá cao cơ hội thu hút đầu tư của miền Tây đối với ngành nông nghiệp và dịch vụ liên quan đến nông nghiệp.

“Trước thách thức của biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đã bày tỏ mong muốn Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành vành đai an ninh lương thực cho quốc tế”, ông Lộc nói tại hội nghị “Nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại Đồng bằng sông Cửu Long”.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, để hiện thực hóa những cơ hội này, Đồng bằng sông Cửu Long cần phải tháo được 3 điểm nghẽn lớn, bao gồm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế, chính sách. Trong đó, hạ tầng giao thông được đánh giá là điểm nghẽn lớn nhất.

Đồng quan điểm, theo ông Dixon Oh, điều kiện tiên quyết cho miền Tây là phải phát triển được hệ thống logistics đồng bộ, thông suốt, bao gồm việc xây dựng thêm những cảng sông, cảng biển, để kết nối với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.

Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, cũng cho rằng, hệ thống giao thông thông suốt là chìa khóa để các doanh nghiệp Nhật Bản rót vốn vào miền Tây.

Thực tế, hạ tầng giao thông vẫn là “nỗi đau” của đất “Chín Rồng. Theo PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển logistics Việt Nam (VLI), hạ tầng miền Tây đang hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng kinh tế vùng này đang có.

Khoảng 80% hàng hóa ở miền Tây được thông quan xuất khẩu tại các cảng biển ở TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, trong khi 15 cảng biển miền Tây chỉ hoạt động trung bình 15 – 20% công suất.

Cụ thể, tuy sản lượng hàng hóa nhiều nhất là nông sản nhưng chỉ có 3 địa phương là Long An, Hậu Giang và Cần Thơ sở hữu kho lạnh thương mại. Điều này dẫn đến một nghịch lý là hàng hóa của miền Tây hầu hết đều phải vận chuyển lên các cảng biển miền Đông để thông quan xuất khẩu. Ước tính, khoảng 80% hàng hóa ở miền Tây được thông quan xuất khẩu tại các cảng biển ở TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, trong khi 15 cảng biển miền Tây chỉ hoạt động trung bình 15 – 20% công suất.

Thế nhưng giao thông kết nối miền Tây với TP.HCM cũng chưa được phát triển, dẫn đến chi phí logistics của doanh nghiệp bị đội lên khoảng 10 – 40%, theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI). Cùng với đó, quãng đường di chuyển dài, mất nhiều thời gian di chuyển, lại càng mất thêm thời gian do các cảng biển ở TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu thường xuyên quá tải, nông sản cũng bị giảm đi phần nào chất lượng.

Doanh nghiệp miền Tây ước tính, với mỗi tấn hàng xuất khẩu, chi phí logistics bị đội thêm khoảng từ 5 – 10 USD chính vì những bất cập nói trên.

Khẳng định hạ tầng yếu kém là nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp vẫn còn dè dặt khi đầu tư vào miền Tây, tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, đánh giá, nút thắt về hạ tầng đang dần được tháo gỡ một cách tích cực.

Cụ thể, ông Lam thông tin, Chính phủ đã quyết định đầu tư khoảng 6,4 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm xây cảng nước sâu, xây thêm các tuyến cao tốc hình “xương cá” để kết nối vùng và kết nối liên vùng.

Mặt khác, Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt cũng đặt mục tiêu đưa miền Tây trở thành trung tâm của cả nước về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tạo thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư theo đuổi xu thế cắt giảm khí thải, phát triển bền vững.

“Hạ tầng miền Tây hứa hẹn sẽ phát triển mạnh. Nếu các vướng mắc về quy định thu hút đầu tư cũng được tháo gỡ, miền Tây chắc chắn sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn”, ông Lam khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp.