Thực hiện lời hứa cởi trói tiềm năng miền Tây

Phạm Sơn - 11:38, 03/07/2023

TheLEADER2 dự án mới được khởi công, cùng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau được gấp rút triển khai đang phần nào thực hiện hóa lời hứa của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào dịp đầu năm, cũng như những lời hứa của nhiều nhiệm kỳ Chính phủ trước về một miền Tây được tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng, cởi trói tiềm năng phát triển.

Thực hiện lời hứa cởi trói tiềm năng miền Tây
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 4 dự án thành phần của tuyến cao tốc đường bộ Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Ảnh VGP

Hạ tầng và những “vòng xoáy đi xuống”

Quay trở lại thời điểm năm 2021, khi quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2021 – 2030 vẫn chỉ là dự thảo. Toàn bộ 13 tỉnh, thành miền Tây lúc đó chỉ có chưa đầy 100km đường cao tốc, tức là bằng khoảng một nửa so với số km đường cao tốc của riêng tỉnh Quảng Ninh.

Đó là sự bất cân xứng nghiêm trọng khi miền Tây chiếm khoảng 20% về dân số, diện tích cũng như quy mô kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, sự bất cân xứng ấy không phải là điều quá mức khó hiểu.

Với đặc trưng nền đất yếu, miền Tây đang có xu hướng chìm dần, chưa kể tới những tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, xây dựng hạ tầng giao thông ở miền Tây thường có chi phí rất cao, suất đầu tư gấp 1,3 – 1,5 lần những dịa phương khác, theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải.

Thực tế, trong suốt nhiều năm, bằng sông Cửu Long cũng rất được chú trọng phân bổ nguồn lực đầu tư công. Tuy nhiên, quan điểm sai lầm về an ninh lương thực khiến miền Tây phải bất chấp duy trì diện tích lúa gạo dù vấp phải nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra. Đầu tư công dồn vào miền Tây chủ yếu để xây dựng những công trình ngăn hạn mặn, để lại nhiều hệ lụy, ví dụ như đê bao Ô Môn – Xà No tiêu tốn hết hàng trăm triệu USD, đến khi xây xong không phát huy nhiều hiệu quả mà lại đẩy ngập lụt sang TP. Cần Thơ.

Bên cạnh đường bộ, đường thủy nội địa cũng là một kênh giao thông quan trọng của miền Tây, cũng là phương thức giao thông truyền thống của vùng sông nước. Tuy nhiên, hệ thống giao thông này, do ít được chú trọng đầu tư, đến nay vẫn chỉ phát huy vai trò tập kết hàng hóa với quy mô hạn chế.

Hạ tầng cảng biển cũng thể hiện sự yếu kém khi những cảng lớn như cảng Cần Thơ, cảng Long An đều chưa hoạt động được hết công suất, dù nhu cầu xuất khẩu nông sản của vùng là rất lớn. Do đó, nông sản miền Tây xuất khẩu hầu như đều được vận chuyển bằng đường thủy và đường bộ - cũng đều rất kém – để mở code thông quan và xuất khẩu tại các cảng biển ở TP.HCM. Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long do VCCI và Trường chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright thực hiện, thẳng thắng chỉ ra rằng “miền Tây không có một cảng biến đúng nghĩa”.

Hạ tầng yếu kém là nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc miền Tây kém hấp dẫn thu hút đầu tư. Không có doanh nghiệp đầu tư vào, các nguồn lực tự nhiên lại đang bị tận khai, miền Tây chậm chạp trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và không tạo ra được cơ hội sinh kế cho người dân. Thanh niên miền Tây phải bỏ xứ “đi Bình Dương” làm việc, khiến Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng thiếu lực lượng lao động, từ đó cũng khiến vùng ngày càng kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Những “nỗi đau” của miền Tây cứ luẩn quẩn, tác động qua lại lẫn nhau thành những “vòng xoáy”, khóa chặt tiềm năng của đất Chín Rồng, kéo trình độ phát triển của vùng ngày càng trở nên tụt hậu so với cả nước.

Thực hiện lời hứa với đất Chín Rồng

Ngày 17/6 vừa qua, tại TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự lễ khởi công 4 dự án thành phần của tuyến cao tốc đường bộ Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Sau đó hơn 1 tuần, lễ khởi công dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu cũng được tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp.

Như vậy là chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, 2 tuyến cao tốc miền Tây chính thức khởi động, từng bước hình thành hệ thống giao thông trục ngang. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright, tuyến cao tốc trục ngang nối từ An Giang tới Sóc Trăng cùng tuyến cao tốc trục dọc nối liền từ Cà Mau tới hệ thống giao thông vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ được xem là “xương sống” nâng đỡ sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long.

2 dự án mới được khởi công, cùng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau được gấp rút triển khai đang phần nào thực hiện hóa lời hứa của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào dịp đầu năm rằng sẽ quyết tâm hoàn thành hơn 500km cao tốc miền Tây ngay trong nhiệm kỳ này, từ đó giúp “bà con thoát nghèo, làm giàu” và “mở ra không gian phát triển mới”.

Đó cũng là đang từng bước thực hiện “lời hứa” còn dang dở của những nhiệm kỳ Chính phủ trước. Đó là chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “phải tập trung đầu tư, bù lại cho cả giai đoạn đầu tư nhỏ giọt trước đây, đầu tư kịp thời cho ba mũi đột phá về hạ tầng giao thông, về thủy lợi và về dân trí”, hay sự quyết tâm dưới thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải khi thực hiện chương trình phát triển cơ sở hạ tầng miền Tây, với nhiều công trình vẫn còn phát huy giá trị tới tận ngày nay.