Nhiều thành tựu trong quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

Hường Hoàng - 07:51, 31/03/2024

TheLEADERTrong năm 2023 vừa qua, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nhiều thành tựu trong quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2024

Tại hội nghị "Quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2024", Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt dẫn lời WIPO cho biết, năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong bảy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua.

Là một trong những khía cạnh biểu hiện của hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam, về sở hữu trí tuệ, năm 2023, Cục sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận 156.413 đơn các loại, tăng 11% so với năm 2022. Trong đó, số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 8,5% và các loại đơn/yêu cầu khác tăng 14,1%.

Về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều kết quả trong việc đẩy lùi nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thể hiện ở việc tăng mạnh cả số vụ xử lý và số tiền phạt.

Theo báo cáo của các địa phương, cả nước đã có hơn 3000 vụ xâm phạm quyền đã được xử lý, với tổng số tiền phạt gần 37 tỷ đồng, tăng ba lần về số vụ và tổng số tiền phạt so với năm 2022.

Hoạt động hỗ trợ thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng đã được Cục sở hữu trí tuệ quan tâm, đẩy mạnh thông qua việc cung cấp 306 ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi quyền, tăng 40% so với năm 2022, tham dự 7 vụ việc đã kết thúc giải quyết tại tòa án.

Những kết quả trên cho thấy hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp ở các địa phương đã đạt được một số thành tích nhất định, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trong tình hình hiện nay, khi các cam kết về kinh doanh quốc tế đang đặt ra các yêu cầu ngày càng cao và khắt khe hơn, nhiệm vụ cải thiện tính hiệu quả của hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam càng trở nên cấp bách.

Điều này đòi hỏi nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, cán bộ các cơ quan thực thi cần thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, để trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các cơ quan thực thi khác và với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp ở cả trung ương và địa phương.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội, với việc đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, trong thời gian gần đây, số lượng đăng ký sở hữu công nghiệp tại thủ đô Hà Nội đã tăng lên đáng kể đã góp phần nâng cao giá trị tinh thần và vật chất cho xã hội.

Đặc biệt, là địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và tổng số đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, Hà Nội càng khẳng định được vai trò của địa phương trong thúc đẩy công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện cho Thủ đô bứt phá, phát triển nhanh và bền vững.

Theo ông Sơn, một trong những nhiệm vụ và cũng là giải pháp quan trọng đối với Hà Nội là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong đó, thành phố tập trung vào bốn nhiệm vụ: đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường khoa học và công nghệ; tập trung phát triển khoa học và công nghệ theo cơ chế thị trường; lấy doanh nghiệp làm trọng tâm; hỗ trợ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn.

“Các kinh nghiệm của Hà Nội trong việc xây dựng và khai thác tài sản trí tuệ sẽ được học hỏi, nhân rộng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của hoạt động sở hữu trí tuệ của cả nước”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhận định.