Khai trương cảng container quốc tế Hải Phòng

Quỳnh Chi - 10:26, 14/05/2018

TheLEADERĐây là cảng thuộc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng quốc tế Lạch Huyện sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.

Khai trương cảng container quốc tế Hải Phòng
Chuyến tàu đầu tiên cập bến cảng container quốc tế Hải Phòng vào ngày 13/5/2018.

Chuyến tàu đầu tiên đã cập cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) vào ngày 13/5/2018. 

Cảng HICT nằm ở thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng và là cảng nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc, có khả năng tiếp nhận tàu container sức chở 14.000 TEU, tàu tổng hợp có trọng tải đến 16 vạn DWT đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ trên các tàu mẹ thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây.

Cảng HICT được xây dựng trên diện tích 44,9 ha bãi, độ sâu trước bến 16 m; vũng quay tàu rộng 660 m, độ sâu luồng tàu 14 m (chưa tính thủy triều). Sản lượng hàng hóa thông qua cảng 1,1 triệu TEU/năm.

Cảng HICT đi vào khai thác được kỳ vọng sẽ góp phần giảm chi phí vận tải biển, qua đó giảm thiểu chi phí logistics cho các doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam; tạo động lực cho sự phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và các hoạt động logistics khu vực phía bắc và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Cảng này do liên doanh giữa tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (giữ 51% vốn), công ty TNHH MITSUI O.S.K Lines Nhật Bản, công ty Wan Hai Lines Đài Loan và Tập đoàn Itochu Nhật Bản đầu tư.

Cảng container quốc tế Hải Phòng thuộc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng quốc tế Lạch Huyện sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Đây là dự án ODA đầu tiên được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.

JICA đã ký Hiệp định vốn vay ODA từ năm 2011 với giá trị khoản vay là 114,12 tỷ Yên; trong đó hợp phần cảng là 65,252 tỷ Yên, hợp phần cầu và đường 48,858 tỷ Yên để xây dựng cảng và cơ sở hạ tầng thiết yếu (bao gồm cầu và đường). 

Ngày 2/9/2017, cây cầu có chiều dài 5,44km thuộc hợp phần cầu và đường đã được thông xe và là cây cầu vượt biển có chiều dài lớn nhất Việt Nam. 

Bên cạnh các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường dẫn, đê chắn sóng, đê chắn cát được xây dựng từ nguồn vốn vay ODA thì phần xây dựng cầu tàu, trang bị và vận hành thiết bị bốc dỡ hàng hóa, vận hành bến… sẽ do doanh nghiệp liên doanh Việt Nam - Nhật Bản thực hiện.