Dự án hợp tác công tư Việt Nam có thể nhận hỗ trợ 1 triệu USD từ P4G

08:39, 22/03/2018

TheLEADERQuỹ hợp tác của Sáng kiến diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 hiện có tổng ngân sách 4 triệu USD/năm nhằm thiết lập và đẩy mạnh các quan hệ đối tác công tư để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Dự án hợp tác công tư Việt Nam có thể nhận hỗ trợ 1 triệu USD từ P4G
Ông Ian (giữa) tại buổi gặp mặt báo chí.

Đây là một trong ba chương trình kết nối của Sáng kiến diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G), một sáng kiến toàn cầu mới giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, Chính phủ và xã hội dân sự có điều kiện ấp ủ và đẩy nhanh các giải pháp theo định hướng thị trường cho một thế giới bền vững và toàn diện.

Vào cuối tháng 9/2018, khoảng 5 – 10 dự án hợp tác công tư thuộc các nước thành viên P4G sẽ được chọn trao tài trợ với giá trị lên tới 1 triệu USD/dự án.

Đến ngày 19 - 20/10/2018, Hội nghị thượng đỉnh P4G sẽ được tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch) nhằm giới thiệu các liên minh công tư nhận được tài trợ và các hỗ trợ tài chính khác; đồng thời kết nối mạng lưới các nhà lãnh đạo toàn cầu của P4G, những người mang lại vốn đầu tư, quan hệ đối tác và chuyên môn.

Tại buổi gặp gỡ báo chí trong chuyến thăm Việt Nam (ngày 20 - 22/3), ông Ian De Cruz, Tổng giám đốc toàn cầu P4G cho biết, tiêu chí để chọn ra các đối tác nhận tài trợ là những liên minh hợp tác công tư giữa doanh nghiệp tư nhân, chính quyền địa phương và các tổ chức nhà nước có sáng kiến khả thi để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực bao gồm: năng lượng, nước, lương thực và nông nghiệp, giải pháp đô thị và mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ông Ian nhận định, nguồn tài trợ từ P4G đóng vai trò hết sức quan trọng; tuy nhiên một điều quan trọng hơn thế nữa là làm thế nào để thông qua nguồn tài trợ này, Việt Nam có thể nhận thêm các nguồn tài trợ khác nữa.

“Ngoài thu hút hỗ trợ từ bên ngoài, vấn đề quan trọng là làm sao để bản thân trong nội tại Việt Nam có thể tìm thêm các nguồn lực để thực hiện triển khai các mục tiêu phát triển bền vững”, lãnh đạo P4G cho biết.

Dự án Hợp tác công tư tại Việt Nam có thể nhận gói hỗ trợ 1 triệu USD

Được biết trong hai ngày làm việc với các cơ quan nhà nước như Bộ Kế hoạch và đầu tư, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững,... lãnh đạo P4G sẽ tìm ra những lĩnh vực được quan tâm nhất tại Việt Nam và tìm ra những phương thức hiệu quả nhất để P4G hỗ trợ phát triển các lĩnh vực đó.

“Chẳng hạn chúng tôi đã được nghe từ phía đối tác Việt Nam về sự quan tâm đối với chuỗi cung ứng trong lĩnh vực sản xuất cà phê; bắt đầu từ việc người nông dân xin giấy chứng nhận sản xuất sản phẩm cà phê hữu cơ cho tới việc phân phối cà phê tại các nhà phân phối lớn trên thế giới. Qua đây, chúng tôi sẽ hỗ trợ để làm thế nào thúc đẩy sự kết nối giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng đồng thời tạo giá trị thặng dư cho cà phê Việt Nam”, ông Ian chia sẻ.

Một vấn đề khác cũng đang được quan tâm là liên minh công tư trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu tại Việt Nam.

Được biết, P4G ra đời vào tháng 1/2018 với nguồn kinh phí 5 năm đầu tiên đến từ Chính phủ Đan Mạch. Sáng kiến này được đồng sáng lập bởi các nước đối tác bao gồm Chile, Đan Mạch, Ethiopia, Kenya, Hàn Quốc, Mexico và Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và xã hội dân sự.

P4G hướng tới các hoạt động mang tính chất thay đổi cốt lõi nhằm đáp ứng những nhu cầu chính yếu nhất của con người bao gồm: lương thực, nước, nhà ở, năng lượng và sử dụng tài nguyên bền vững.

Mục tiêu chính của P4G là thúc đẩy và nâng tầm cho những mô hình phát triển bền vững mới tại các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi thông qua hợp tác công tư. Thông qua các chương trình kết nối, P4G sẽ triển khai nhiều giải pháp xanh dựa trên thực tiễn thị trường để góp phần hỗ trợ các quốc gia thành viên đạt được những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs)

Để đạt được các mục tiêu của P4G, các nước thành viên cần thiết lập, định hình và hỗ trợ việc xây dựng một nền tảng quốc gia hợp tác đa phương. Các nền tảng quốc gia này phải được điều chỉnh dựa theo bối cảnh cụ thể của từng quốc gia. Với các quốc gia khác nhau, mối liên kết đối với nền tảng này sẽ có bản chất khác nhau.

Trong một số trường hợp cá biệt, nền tảng quốc gia sẽ được thành lập và hỗ trợ bởi một nước đối tác, bao gồm cả các chi phí phát sinh liên quan. Đối với nhiều trường hợp khác, nền tảng quốc gia sẽ hoạt động độc lập tuy vẫn có sự hợp tác chặt chẽ với chính phủ của đất nước đó.