Khẩu vị đầu tư của các doanh nghiệp Singapore sắp tới Việt Nam

Kiều Mai - 19:58, 06/07/2023

TheLEADERLãnh đạo Liên đoàn doanh nghiệp Singapore cho biết Việt Nam chắn chắn sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với các danh mục đầu tư của Singapore, trong đó, các lĩnh vực được quan tâm bao gồm sản xuất, cơ sở hạ tầng, thương mại bán buôn và bán lẻ.

Trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp khu vực Singapore (SRBF) lần thứ 7 tại Hà Nội, ông Kok Ping Soon, Giám đốc điều hành Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF), đã chia sẻ với báo chí về ‘khẩu vị’ của các nhà đầu tư Singapore, cũng như tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với đảo quốc sư tử.

Thưa ông, xin ông cho biết thông tin về tình hình đầu tư của các thành viên SBF vào Việt Nam? SBF đánh giá như thế nào về triển vọng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Kok Ping Soon: Các công ty Singapore rất quan tâm đến việc mở rộng hoạt động sang Việt Nam, do tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, và khả năng sản xuất để hỗ trợ xuất khẩu mạnh mẽ.

Theo khảo sát kinh doanh của SBF năm 2022 – 2023, Việt Nam là một trong ba quốc gia hàng đầu để các công ty Singapore mở rộng hoạt động ra nước ngoài trong ngắn hạn.

Các lĩnh vực quan tâm chính của doanh nghiệp Singapore bao gồm sản xuất, cơ sở hạ tầng, thương mại bán buôn và bán lẻ.

Quyết định tổ chức một sự kiện kinh tế quốc tế hàng đầu như Diễn đàn Doanh nghiệp khu vực Singapore (SRBF) tại Việt Nam phản ánh tầm quan trọng của việc phát triển mối quan hệ song phương, và mở rộng hợp tác kinh doanh sang các lĩnh vực tăng trưởng mới đối với Singapore.

Khẩu vị đầu tư của các doanh nghiệp Singapore sắp tới Việt Nam
Ông Kok Ping Soon, Giám đốc điều hành Liên đoàn doanh nghiệp Singapore.

Trong thời gian tới, Singapore và Việt Nam đang nỗ lực mở rộng mối quan hệ đối tác trong lĩnh vục kinh tế xanh và kỹ thuật số. Có rất nhiều điều mà Singapore và Việt Nam có thể bổ sung cho nhau trong các lĩnh vực này để cùng phát triển, nhằm giải quyết các lợi ích, cũng như cam kết quốc tế và khu vực của hai nước.

Điều này được minh chứng qua hàng loạt các biên bản ghi nhớ được ký kết giữa hai nước trong thời gian qua, bao gồm biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng giữa Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore (MTI) và Bộ Công thương, hợp tác về tín chỉ carbon giữa MTI và Bộ Tài nguyên và môi trường, hay thỏa thuận về Quan hệ đối tác kinh tế số - kỹ thuật xanh giữa MTI và Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Khi ký các biên bản ghi nhớ này, Singapore mong muốn hợp tác với các công ty Việt Nam, để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt, trong các lĩnh vực ưu tiên như thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, và an ninh mạng.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, Singapore muốn hợp tác với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0 ở cả hai nước.

Chúng tôi đang tìm cách phát triển một mạng lưới điện kết nối Singapore và Việt Nam, nếu được thực hiện, đây có thể trở thành một mô hình kiểu mẫu trong hợp tác và thương mại năng lượng điện trong ASEAN.

Ở cấp độ khu vực, Singapore và Việt Nam là những đối tác cùng chia sẻ chí hướng trong các hiệp định thương mại. Với nền tảng vững chắc này, quan hệ thương mại và đầu tư của Singapore và Việt Nam đã ngày càng bền chặt hơn, kể cả khi chúng ta vừa phải trải qua giai đoạn khó khăn do Covid-19.

Với vai trò và những thế mạnh của mình, SBF sẽ làm gì để thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Singapore vào Việt Nam?

Ông Kok Ping Soon: Việt Nam chắn chắn sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với các danh mục đầu tư của Singapore. Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, các công ty của chúng tôi bị thu hút bởi tiềm năng kinh tế, thị trường nội địa rộng lớn, tầng lớp trung lưu đang nổi lên, và dân số có trình độ học vấn, tay nghề cao và có kỹ năng công nghệ ngày càng cao.

Năm 2021, SBF đã vinh dự đón nhận bằng khen của Bộ Kế hoạch và đầu tư, ghi nhận các tổ chức nước ngoài có đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế xã hội chung của Việt Nam.

Đây là một minh chứng rất quan trọng về những nỗ lực không ngừng nghỉ của SBF, và những đóng góp hữu hình trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương ngày càng phát triển hơn.

Các công ty của chúng tôi bị thu hút bởi tiềm năng kinh tế, thị trường nội địa rộng lớn, tầng lớp trung lưu đang nổi lên, và dân số có trình độ học vấn, tay nghề cao và có kỹ năng công nghệ ngày càng cao tại Việt Nam.
Giám đốc điều hành SBF

Thông qua chương trình kết nối như GlobalConnect@SBF, một sáng kiến được hỗ trợ bởi cơ quan Chính phủ Singapore là Enterprise Singapore, SBF đã hơn 700 lần tư vấn cho các công ty Singapore về thị trường Việt Nam kể từ tháng 11/2019, và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án muốn mở rộng hoạt động sang Việt Nam.

Chúng tôi cũng đã thành lập ba Trung tâm Doanh nghiệp Singapore (SEC) tại TP.HCM, Jakarta và Bangkok, để hỗ trợ kinh doanh theo nhu cầu của từng doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ cho các công ty của chúng tôi tham gia vào các thị trường đó.

SEC đã tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các cơ quan chính phủ, hiệp hội, phòng thương mại, và các nhân tố thúc đẩy thị trường như ngân hàng, công ty dịch vụ chuyên nghiệp, và đối tác kênh như UOB hay Tech. Những đối tác này đóng vai trò là hệ số nhân để giúp các doanh nghiệp của chúng tôi thành công trên các thị trường.

Ngoài Việt Nam, SBF nhìn nhận vai trò của mình trong xúc tiến phát triển thương mại trong khu vực ASEAN như thế nào? Theo ông, Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung cần làm gì để giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của tăng trưởng chậm lại trên toàn cầu?

Ông Kok Ping Soon: Là liên đoàn doanh nghiệp hàng đầu Singapore, SBF có nhiệm vụ hỗ trợ tạo thêm các các cơ hội kinh doanh và hợp tác kinh doanh. Chúng tôi hợp tác với các bên liên quan ở cấp chính phủ, ngành và doanh nghiệp để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, và mang những cơ hội này đến với các doanh nghiệp của chúng tôi thông qua các hình thức tiếp cận cộng đồng, như các hội thảo quốc tế, các chuyến công tác và các hội thảo kinh doanh.

Các sự kiện khu vực như SRBF hay Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Singapore Apex mà chúng tôi đã khởi động vào năm ngoái cũng là những nền tảng mà chúng tôi xây dựng, để tập hợp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, và các nhà hoạch định chính sách trong khu vực, nhằm thảo luận các xu hướng và cơ hội tăng trưởng trong tương lai, cũng như tạo dựng các doanh nghiệp và nền kinh tế vững mạnh hơn.

Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, điều quan trọng là các quốc gia Đông Nam Á cần hợp tác và thực thi các giải pháp chung, để phát triển kinh tế khu vực và giảm thiểu các tác động tiêu cực toàn cầu.

Nếu coi ASEAN là một khối duy nhất, bạn sẽ thấy đây là nền kinh tế khu vực lớn thứ ba ở châu Á, thứ 5 trên thế giới. Các nước Đông Nam Á nên tập trung vào việc đa dạng hóa cơ sở kinh tế và tăng cường khả năng chống đỡ, phục hồi bằng cách phát huy các lĩnh vực then chốt như kinh tế số, đổi mới sáng tạo, công nghệ xanh và các ngành phát triển bền vững.

Đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và bồi dưỡng chuyên môn cho lực lượng lao động tay nghề cao cũng rất cần thiết. Các nước Đông Nam Á nên tiếp tục ưu tiên các chương trình giáo dục và đào tạo, nhằm trang bị cho người dân những kỹ năng cần thiết cho công việc của tương lai.

Một lĩnh vực khác mà chúng ta nên tập trung là tăng cường hợp tác khu vực, tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại, tiêu chuẩn hóa bộ nguyên tắc và khuôn khổ để khuyến khích dòng vốn đầu tư thương mại lớn hơn giữa các quốc gia.

Xin cảm ơn ông!