Không để thiếu điện, than, xăng dầu trong mọi tình huống

Nguyễn Cảnh - 15:49, 24/08/2023

TheLEADERĐây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước liên quan nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Petrolimex được giao nhiệm vụ trong mọi tình huống không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu ở mọi phân khúc (ảnh: Hoàng Anh)
Petrolimex được giao nhiệm vụ trong mọi tình huống không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu ở mọi phân khúc (ảnh: Hoàng Anh)

Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong ngành (như PVN, Petrolimex, TKV, Tổng công ty Đông Bắc) cũng như các cơ quan trực thuộc Bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) một số nhiệm vụ như sau.

Không được để thiếu điện, thiếu than, xăng dầu và khí đốt cho nền kinh tế trong mọi tình huống; Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tăng cường hợp tác và chia sẻ hơn nữa; Các cơ quan chức năng của Bộ Công thương, CMSC tham mưu cơ chế, chính sách, đôn đốc, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Với EVN, Bộ trưởng yêu cầu: Khắc phục triệt để những hư hỏng, sự cố các nhà máy, tổ máy (nhiệt điện, thủy điện), bảo đảm các nhà máy hoạt động tối đa công suất; Không để chậm các dự án nguồn hòa lưới, các dự án truyền tải làm hạn chế năng lực giải tỏa công suất; Khẩn trương đàm phán giá để huy động các dự án chuyển tiếp, cũng như đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện khác theo quy định.

EVN kiểm tra, giám sát và yêu cầu các nhà máy trực thuộc bảo đảm đủ các nguyên, nhiên vật liệu để hoạt động; tích cực tham mưu và phối hợp với các cơ quan chức năng trong xây dựng các khung giá cho các loại hình điện năng, các định mức, phương thức mua bán điện trực tiếp, huy động, kinh doanh, dự trữ…

Với Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc, các nội dung yêu cầu là: Tuyệt đối tuân thủ biểu đồ cung cấp than và chỉ thị của Chính phủ về cung ứng than cho phát điện; chủ động nhập đủ nguồn than phục vụ nhu cầu phát điện và các nhu cầu khác của nền kinh tế theo các hợp đồng đã ký và sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Riêng với TKV, vì có một số nhà máy điện nên Bộ trưởng yêu cầu chú ý kiểm tra, giám sát các đơn vị của mình để các nhà máy luôn sẵn sàng nguyên liệu, nhiên liệu cho phát điện, kịp thời sửa chữa sự cố của các nhà máy (nếu có) để sẵn sàng phát tối đa công suất.

Về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), yêu cầu đặt ra là tăng năng lực khai thác và chế biến sản phẩm dầu khí phục vụ nhu cầu phát điện cũng như của nền kinh tế, kể cả nguồn nguyên liệu thô và thành phẩm cho thị trường; nhập đủ vật tư nguyên liệu sơ cấp cho phát điện theo Chỉ thị 29 của Thủ tướng và theo biểu đồ cung cấp than cho điện đã phê duyệt.

Bên cạnh đó, PVN được giao nhiệm vụ chủ động nhập khẩu xăng dầu thành phẩm theo cam kết, sản lượng sản xuất và sản lượng bao tiêu của Nhà máy Nghi Sơn; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại của liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn, kể cả tái cơ cấu doanh nghiệp cũng như tái cơ cấu tài chính để bảo đảm hoạt động có hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng công suất nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn.

Đối với Petrolimex, người đứng đầu Bộ Công thương yêu cầu phải bảo đảm trong mọi tình huống không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu ở mọi phân khúc; chủ động nhập khẩu để bảo đảm đủ nguồn cung cho thị trường, kể cả sản lượng được phân giao/bổ sung và sản lượng theo nhu cầu thị trường, nhất là thời điểm nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong kỳ bảo dưỡng.

Cùng với đó, chú trọng cập nhật, đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Công thương những vấn đề phát sinh cần tháo gỡ, đặc biệt là những chi phí thực tế phát sinh trong cơ cấu giá cơ sở định mức kinh doanh xăng dầu; cấu trúc lại hệ thống kinh doanh sao cho Petrolimex hiện diện nhiều hơn, rộng hơn ở địa bàn chiến lược.

Đối với các cơ quan đơn vị thuộc bộ và CMSC, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu khẩn trương rà soát sửa đổi Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sản xuất và kinh doanh; khung giá của các loại hình điện năng, nhất là điện rác, điện sinh khối, các nguồn điện năng lượng tái tạo…

Như TheLEADER thông tin, những tồn tại, vướng mắc của liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn đã xuất hiện từ hơn một năm trước nhưng vẫn chưa được xử lý thấu đáo. Cụ thể, tái cấu trúc tổng thể (cả quản trị lẫn tài chính) để xử lý khó khăn, đặc biệt là việc thiếu hụt dòng tiền và nguy cơ mất khả năng thanh toán được coi là mục tiêu “sống còn” của siêu dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Là một trong những dự án trọng điểm của PVN và ngành dầu khí, Lọc hóa dầu Nghi Sơn rơi vào cảnh khó khăn bủa vây từ nhiều lý do.

Điển hình, dự án đã chậm tiến độ khoảng 17 tháng và không giải ngân được đủ vốn vay theo kế hoạch ban đầu. Giữa bối cảnh công tác quản trị điều hành của chủ đầu tư (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - NSRP) có nhiều hạn chế, dự án ở trạng thái cơ cấu chi phí tài chính và khấu hao chiếm trên 70% chi phí sản xuất kinh doanh (không bao gồm chi phí dầu thô) cùng với chi phí vận hành cao, lợi nhuận chế biến thấp.

Để duy trì hoạt động của NSRP, PVN thời gian trước đã đề xuất một số nội dung cụ thể. Điển hình: Các bên cho vay/tổ chức cấp bảo hiểm của Nhật Bản giảm lãi vay bằng 0% cho NSRP tới khi hoạt động có lãi; giãn nợ 2,5 năm và không tính lãi suất tăng thêm trong thời gian giãn nợ và không tính phí bảo hiểm do tái cấu trúc đối với phần bảo hiểm của Nexi; Các bên góp vốn giảm lãi nợ thứ cấp hiện tại về 0% từ 2023; NSRP, các bên góp vốn/bên bao tiêu sản phẩm cam kết thực hiện tối ưu hóa sản xuất kinh doanh tối đa theo đề xuất của NSRP (khoảng 400 triệu USD/năm).

PVN đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, hỗ trợ việc thông qua kênh ngoại giao yêu cầu một số vấn đề như: Các bên góp vốn nước ngoài đồng thuận với quan điểm của PVN về tái cấu trúc tổng thể NSRP, đặc biệt cần cải tổ công tác quản trị và tái cấu trúc tài chính đúng bản chất. Các bên nước ngoài đồng thuận tăng cường vai trò của PVN trong dự án, thống nhất và ủng hộ về việc chuyển dần quyền điều hành NSRP và nhà máy cho phía Việt Nam.

Đối với Chính phủ Nhật Bản và các ngân hàng tín dụng Chính phủ Nhật Bản có ảnh hưởng (JBIC, NEXI): đồng ý với nguyên tắc tái cấu trúc PVN đề xuất và có chính sách hỗ trợ dự án (không tăng chi phí tái cấu trúc, giảm chi phí lãi vay…). Các bên góp vốn phía Nhật Bản phải chấp nhận và thực hiện tái cấu trúc quyết liệt như PVN đề xuất…