'Báo động đỏ' tại Lọc hóa dầu Nghi Sơn

Nguyễn Cảnh - 12:49, 30/11/2022

TheLEADERTái cấu trúc tổng thể (cả quản trị lẫn tài chính) để xử lý khó khăn, đặc biệt là việc thiếu hụt dòng tiền và nguy cơ mất khả năng thanh toán là mục tiêu ‘sống còn’ của siêu dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

'Báo động đỏ' tại Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Được hưởng nhiều ưu đãi lớn (nhất là cơ chế bao tiêu), cũng như giữ vai trò then chốt trong đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã từng gây 'áp lực' với các cơ quan quản lý lẫn PVN trong kịch bản ngừng hoạt động.

Là một trong những dự án trọng điểm của PVN và ngành dầu khí, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang rơi vào cảnh khó khăn bủa vây từ nhiều lý do.

Điển hình, dự án đã chậm tiến độ khoảng 17 tháng và không giải ngân được đủ vốn vay theo kế hoạch ban đầu. Giữa bối cảnh công tác quản trị điều hành của chủ đầu tư (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - NSRP) có nhiều hạn chế, dự án ở trạng thái cơ cấu chi phí tài chính và khấu hao chiếm trên 70% chi phí sản xuất kinh doanh (không bao gồm chi phí dầu thô) cùng với chi phí vận hành cao, lợi nhuận chế biến thấp.

Bên cạnh đó, theo PVN, biên lợi nhuận chế biến ngành lọc dầu những năm qua thấp hơn so với dự báo tại FM 2013. Đồng thời, xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu cũng ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận ngành lọc hóa dầu.

"Riêng 6 tháng đầu năm 2022 thị trường dầu mỏ có những diễn biến thuận lợi chưa từng có trong lịch sử nhưng NSRP đã không tận dụng được cơ hội quý báu này như những nhà máy lọc dầu trên thế giới", PVN cho biết.

Ngoài ra, tình thế khó khăn của Lọc hóa dầu Nghi Sơn còn có lý do từ một số vấn đề khác như: Dịch bệnh Covid-19 kéo dài dẫn đến bất lợi về khối lượng bao tiêu của thị trường, cung ứng nhân sự, nguyên vật liệu đứt gãy, tăng giá.

Tháng 1/2022, NSRP thông báo phải hủy nhập 2 tàu dầu thô, phải giảm công suất xuống 80% và sẽ phải ngừng hoạt động hoàn toàn vào 13/2/2022 nếu tình hình tài chính không được cải thiện. NSRP cho biết đang phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng về tài chính do PVN chưa phê duyệt gia hạn Thỏa thuận hỗ trợ tài chính thanh toán tiền dầu thô (RPA) và Hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiên liệu (FPOA) giữa PVN và NSRP.

Về việc này, PVN khẳng định đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo các cam kết và đã liên tục có nhiều văn bản đóng góp nhằm thúc đẩy tiến độ Dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, cải thiện công tác quản lý quản trị nhằm tăng hiệu quả hoạt động của NSRP.

Việc NSRP tự ý hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động Nhà máy hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban điều hành NSRP, không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và FPOA. Các vấn đề gia hạn này là các nội dung nằm trong phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP và đang trong quá trình đàm phán.

Phía nước ngoài (KPE, IKC và MCI) chịu trách nhiệm hỗ trợ NSRP về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, vận hành, bảo trì nhà máy… nhưng thực tế cho thấy đã không hoàn thành: dự án chậm tiến độ, nhà máy vận hành không ổn định, thường xuyên xảy sự cố kỹ thuật, hiệu suất thu hồi sản phẩm thấp và tiêu hao nhiều năng lượng hơn so với thiết kế, luôn không đạt kế hoạch sản xuất đề ra.

Đặc biệt, là sự thiếu tin tưởng và chia sẻ khó khăn giữa các bên góp vốn. NSRP và các bên góp vốn nước ngoài không lắng nghe, tiếp thu ý kiến của PVN và tiếp cận tái cấu trúc công ty không đúng bản chất cần phải giải quyết. Cụ thể, chỉ tập trung theo hướng bù đắp thiếu hụt dòng tiền, bảo vệ lợi ích các bên trong dự án, qua đó dẫn đến NSRP tiếp tục hoạt động không hiệu quả, mất các cơ hội vàng và tiêu tốn nguồn lực để thực hiện tái cấu trúc trong 2 năm vừa qua.

PVN nhận định, cần phải tái cấu trúc tổng thể NSRP đúng bản chất, đặc biệt cải tổ công tác quản trị, tái cấu trúc tài chính…nhằm giải quyết triệt để các nguyên nhân gốc rễ nêu trên.

Thông số gần đây cho thấy, tình hình tài chính của NSRP hết sức khó khăn. Tính đến hết quý I/2022, NSRP lỗ lũy kế khoảng 3,5 tỷ USD, vốn chủ sở hữu âm khoảng 1,16 tỷ USD. Dòng tiền NSRP tiếp tục thiếu hụt, hệ số thanh toán hiện thời là 0,47.

Đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán, hiện NSRP đang phải dựa vào cơ chế RPA, cơ chế thanh toán sớm các hợp đồng bao tiêu sản phẩm để có dòng tiền hoạt động.

Chỉ tính tới tháng 5/2022, NSRP nợ nhà cung cấp dầu thô và bên bao thanh toán (RPA Buyers) trên 3,1 tỷ USD. Kiểm toán độc lập KPMG cũng nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của NSRP dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán hết quý I/2022.

NSRP cho biết dòng tiền của mình chịu tác động từ nhiều yếu tố: Khả năng vận hành ổn định của nhà máy; số ngày giải ngân của Hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiên liệu (FPOA) thanh toán sớm luôn biến động (phần lớn không thực hiện thanh toán sớm tối đa 26 ngày); biến động giá sản phẩm xăng dầu phụ thuộc nhiều vào tình hình chính trị và áp lực từ khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu…

PVN khẳng định quan điểm xuyên suốt (như đã trao đổi nhiều lần với các bên góp vốn nước ngoài), là tái cấu trúc không yêu cầu các bên góp vốn đóng góp tài chính bổ sung và cần đạt được mục tiêu tối thiểu phải tự cân bằng được dòng tiền hoạt động, từng bước nâng cao hiệu quả.

Một số nguyên tắc tái cấu trúc tối thiểu mà PVN đề xuất với các bên là: Tuân thủ luật pháp Việt Nam và các quy định khác; Không đóng góp tài chính bổ sung từ các bên góp vốn do không đảm bảo hiệu quả và không thu hồi được vốn theo quy định; Các bên góp vốn đồng thuận về nguyên nhân gốc rễ gây thua lỗ và các giải pháp để xử lý các nguyên nhân này; Công tác quản trị phải thay đổi và PVN sẽ ngay lập tức giữ vai trò đièu hành, quản lý hoạt động của NSRP…

Tuy nhiên, do quan điểm và cách tiếp cận các bên còn khác xa nhau nên hoạt động tái cấu trúc tài chính NSRP và tối ưu hóa hoạt động sản xuất – kinh doanh vẫn chưa tiến triển.

Vấn đề cung ứng xăng dầu liên quan tới Lọc hóa dầu Nghi Sơn từng làm nóng Nghị trường khoảng 1 năm nay.

Đầu năm 2022, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Thị trường trong nước gặp khó khăn do liên doanh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cung ứng từ 35-40% sản phẩm xăng dầu trong nước bị giảm đột ngột, từ 100% giảm xuống có lúc chỉ còn 55% và thường xuyên chỉ ở vận hành ở mức 70-80% công suất.

Vấn đề nội tại của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn “chủ yếu là vấn đề tài chính”. PVN với tư cách là một bên trong liên doanh, đã báo cáo vấn đề này với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tập đoàn này cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh, yêu cầu hai liên doanh còn lại thực hiện đúng cam kết cung ứng dầu ra thị trường trong nước. Nguồn nguyên liệu đầu vào của Nghi Sơn là nhập hoàn toàn từ dầu thô của Kuwait, trong bối cảnh biến động giá, việc khan hiếm nguồn cung là không thể tránh.

Tháng 11/2022, theo Ủy ban Tài chính ngân sách, tài chính và sản xuất kinh doanh của Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn hiện rất đáng lo ngại và là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trong năm 2022 vừa qua, trong khi dự án đang được hưởng những ưu đãi lớn, nhất là về cơ chế bao tiêu.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và thanh tra các nghĩa vụ thuế, chuyển giá, số vốn nhà nước đã đầu tư vào dự án… để đánh giá tổng thể thực trạng tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh, trong đó gồm cả các nội dung về bao tiêu.

Một vấn đề đáng chú ý liên quan tới khó khăn tài chính của NSRP là việc trả nợ Lenders.

Cụ thể, PVN cho biết đã nỗ lực thực hiện thanh toán sớm hợp đồng FPOA đảm bảo NSRP đủ tiền trả nợ Lender (mốc tới hạn 27/5/2022). Tuy nhiên, NSRP không thực hiện nghĩa vụ trả nợ và Lenders (các bên cho vay – PV) đã kích hoạt Bảo lãnh hoàn thành từ các bên góp vốn.

Được biết, thực hiện chỉ đạo của các cấp thẩm quyền về việc không làm phát sinh trách nhiệm bảo lãnh của Chính phủ, đồng thời tránh ảnh hưởng thị trường tài chính, PVN đã thực hiện nghĩa vụ Bảo lãnh hoàn thành (khoảng 71 triệu USD, tương ứng tỷ lệ góp vốn 25,1% của PVN. 

Về việc này, PVN cho biết đang củng cố hồ sơ, tài liệu để xem xét khả năng kiện Tổng giám đốc NSRP vì để xảy ra sự việc ảnh hưởng lớn tới quyền lợi và trách nhiệm các bên góp vốn, cũng như xem xét các dấu hiệu vi phạm khác dẫn tới khó khăn tài chính của NSRP.

Để duy trì hoạt động của NSRP trong thời gian tới, PVN đã đề xuất một số nội dung cụ thể.

Điển hình: Các bên cho vay/Tổ chức cấp bảo hiểm của Nhật Bản giảm lãi vay bằng 0% cho NSRP tới khi hoạt động có lãi; giãn nợ 2,5 năm và không tính lãi suất tăng thêm trong thời gian giãn nợ và không tính phí bảo hiểm do tái cấu trúc đối với phần bảo hiểm của Nexi; Các bên góp vốn giảm lãi nợ thứ cấp hiện tại về 0% từ 2023; NSRP, các bên góp vốn/bên bao tiêu sản phẩm cam kết thực hiện tối ưu hóa sản xuất kinh doanh tối đa theo đề xuất của NSRP (khoảng 400 triệu USD/năm).

PVN đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, hỗ trợ việc thông qua kênh ngoại giao yêu cầu một số vấn đề như: Các bên góp vốn nước ngoài đồng thuận với quan điểm của PVN về tái cấu trúc tổng thể NSRP, đặc biệt cần cải tổ công tác quản trị và tái cấu trúc tài chính đúng bản chất. Các bên nước ngoài đồng thuận tăng cường vai trò của PVN trong dự án, thống nhất và ủng hộ về việc chuyển dần quyền điều hành NSRP và nhà máy cho phía Việt Nam.

Đối với Chính phủ Nhật Bản và các ngân hàng tín dụng Chính phủ Nhật Bản có ảnh hưởng (JBIC, NEXI): đồng ý với nguyên tắc tái cấu trúc PVN đề xuất và có chính sách hỗ trợ dự án (không tăng chi phí tái cấu trúc, giảm chi phí lãi vay…). Các bên góp vốn phía Nhật phải chấp nhận và thực hiện tái cấu trúc quyết liệt như PVN đề xuất…

Trong trường hợp các bên không đồng thuận với phương án PVN đề xuất hoặc không đạt được kết quả như đề ra (dẫn đến NSRP dừng hoạt động sau tháng 11/2022), PVN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo: Cho phép PVN chuẩn bị nguồn tài chính từ nguồn lực của PVN tối đa khoảng 831 triệu USD (bên cho vay có thể không đòi 100% mức bảo lãnh mà đòi bảo lãnh theo mốc trả nợ) để thực hiện thanh toán theo nghĩa vụ bảo lãnh tại Thỏa thuận bảo lãnh hoàn thành theo tương ứng với tỷ lệ góp vốn 25,1%.

Đồng thời, có kế hoạch nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước khi nhà máy dừng hoạt động. Hỗ trợ thông tin để PVN tìm ra các giải pháp hiệu quả ngăn chặn các hành động không phù hợp của Tổng giám đốc Công ty liên doanh và đại diện các bên góp vốn nước ngoài gây ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của NSRP và trách nhiệm, lợi ích của Việt Nam.

Năm 2013, ghi nhận ký kết một số thỏa thuận liên quan tới dự án gồm: Thoả thuận về Cam kết bảo lãnh của Chính phủ cho dự án (GGU) giữa Chính phủ Việt Nam (Bộ Công Thương đại diện) và các nhà đầu tư nước ngoài, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiên liệu (FPOA - Fuel Products Offtake Agreement) giữa PVN và NSRP; Thoả thuận chuyển đổi ngoại tệ (CBA - Converting Bank Agreement) giữa NSRP và Vietcombank; Hợp đồng bảo hiểm gốc (SA - Service Agreement of Fronting Insurer) giữa NSRP và Công ty Tổng Công ty bảo hiểm PVI (PVI Insurance Corporation).

Dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn là công trình trọng điểm quốc gia, có diện tích 400 ha được xây dựng trong Khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá). Công suất lọc dầu dự kiến đạt 200.000 thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm) với nguồn nguyên liệu dầu thô nhập khẩu từ Cô-Oét (KEC).

Tổng vốn đầu tư của dự án gần 9 tỷ USD. Trong đó, 4 tỷ USD được góp bởi các nhà đầu tư bao gồm: PVN 25,1%, Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPE) 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) 35,1%, Công ty Hoá chất Mitsui, Nhật Bản (MCI) 4,7%. Còn 5 tỷ USD từ các bên cho vay quốc tế bao gồm JBIC, IFC, NEXI, KEXIM và các tổ hợp ngân hàng trong nước và quốc tế.

Các sản phẩm chính của dự án sẽ là: Khí hóa lỏng LPG, Xăng (RON 92, 95), dầu diesel (cao cấp, thường), dầu hoả/nhiên liệu phản lực, nhựa Polypropylene, Para-xylene, Benzene và lưu huỳnh.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trực thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP, thành lập năm 2008). Vận hành thương mại vào tháng 12/2018, dự án được kỳ vọng sẽ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước, thúc đẩy các ngành công nghiêp địa phương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.