Kiếm tiền đã khó, nhưng giữ tiền lại càng khó hơn

Việt Hưng - 15:10, 15/12/2018

TheLEADERGiá trị tài sản gia tăng là điều ai cũng mong muốn. Đây là tâm lý chung của phần lớn con người. Nhưng tài sản của chúng ta sẽ chỉ bền lâu và vững chắc khi có một kế hoạch tài chính cá nhân cụ thể và rõ ràng.

Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta ngày càng phải đối mặt đối mặt với nhiều vấn đề hơn trong cuộc sống, liên quan đến việc hoạch định tài chính như: thu nhập, chi tiêu, đầu tư...

Điều này càng trở nên cấp thiết, khi chúng ta đang sống trong một thế giới với rất nhiều nguy cơ về khủng hoảng kinh tế, công ăn việc làm, các biến động vĩ mô…

"Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề hoạch định tài chính cho cá nhân và gia định chưa được đại đa số công chúng nhận thức và quan tâm đúng mức", ông Larry Trương, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, thành viên Hội đồng chuẩn mực tư vấn tài chính Canada đánh giá.

Theo chuyên gia này, có một thực tế xã hội, nhiều gia đình Việt Nam thuộc dạng nghèo mặc dù họ tự nhận mình là "vừa đủ sống". Đa số chỉ tính tới những nhu cầu trước mắt, mà không hoàn toàn có nhiều kế hoạch cho tương lai. Giới trẻ có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập lại có xu hướng, làm ra bao nhiêu xài hết bấy nhiêu.

Chưa kể, ta dễ dàng bắt gặp nhiều người tuy đã 40-50 tuổi mà vẫn loay hoay trong việc an cư và chi tiêu hằng ngày, chưa nói gì tới chuyện cho con cái học đại học, cao học, hay hôn nhân, hay kế hoạch nghỉ hưu, và sát sườn hơn nữa là các phương án tài chính dành cho việc chăm sóc sức khỏe.

Điều này một phần bắt nguồn từ việc thiếu cơ hội được đào tạo và trang bị nhận thức về việc "hoạch định tài chính cá nhân" là như thế nào cho mỗi cá nhân người Việt.

Trong khuôn khổ Hội nghị đầu tư "Tư Duy Thịnh Vượng" được Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Manulife Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vừa qua, ông Larry Trương đã có những chia sẻ hết sức thiết thực liên quan tới chủ đề này.

Mô hình tháp hoạch định tài chính cá nhân

Theo vị chuyên gia, dù ở bất kì hoàn cảnh, hay địa vị nào, cá nhân chúng ta đều có nguy cơ rơi vào tình cảnh khó khăn.

"Nếu như cách đây một năm, những ai bỏ ra số tiền 1 tỷ đồng đầu tư cho Bitcoin, thì hiện giờ, con số này chỉ khoảng 300 triệu đồng. Hoặc nếu những ai đầu tư vào bất động sản giai đoạn 2008 - 2009, thì chắc chắn sau đó họ phải trả một cái giá rất đắt. Tất cả những điều này cho thấy, trên đời không có gì là chắc chắn, rủi ro luôn có thể xảy ra", ông nói.

Nhìn vào những bài học thất bại từ các doanh nhân cả trong và ngoài nước, ông Larry Trương cho rằng, mỗi cá nhân đều cần chuẩn bị cho mình một kế hoạch tài chính thực sự tốt, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro trong cuộc sống.

"Kiếm tiền đã khó, nhưng giữ tiền lại càng khó hơn", vị chuyên gia khẳng định.

Kiếm tiền đã khó, nhưng giữ tiền lại càng khó hơn
Ông Larry Trương, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, thành viên Hội đồng chuẩn mực tư vấn tài chính Canada

Phân tích Tháp hoạch định tài chính dành cho các cá nhân, Larry Trương cho hay, mỗi người thường trải qua 3 giai đoạn: tạo tài sản, tích lũy tài sản và bảo vệ tài sản.

Ở giai đoạn tạo tài sản, chúng ta có khá nhiều phương án sinh lời. Số đông tin vào vàng và bất động sản. Có người lại bỏ tiền vào thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán. Nhóm khác lại đầu tư vào chính doanh nghiệp mà mình đang sở hữu.

Sang giai đoạn tích lũy tài sản, họ sẽ lựa chọn các kênh tiền gửi ngân hàng, quỹ đơn vị tín thác, các quỹ tương hỗ… Và sau tất cả, họ bắt đầu nghĩ đến đảm bảo an toàn tài chính, bảo vệ số tài sản mình đang có một cách vững chắc thông qua các gói bảo hiểm.

"Tôi gọi đó là Tháp hoạch định tài chính cá nhân chuẩn. Tuy nhiên, áp dụng vào cuộc sống, nhiều người lại mắc sai lầm", ông Larry Trương nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, đúng là cuộc đời mỗi con người đều phải diễn ra theo trình tự là sinh lời, tích lũy, rồi mới đến bảo vệ. Nhưng tỉ trọng, cũng như mức đầu tư cho mỗi giai đoạn thì phải ngược lại.

Ông cho rằng, bảo vệ tài sản phải là tầng dưới cùng và vững chắc nhất. Sau đó mới tới tích lũy tài sản, và cuối cùng, đỉnh tháp là sinh lời.

"Giá trị tài sản gia tăng là điều ai cũng mong muốn. Đây là tâm lý chung của phần lớn con người. Nhưng tài sản của chúng ta sẽ chỉ bền lâu và vững chắc khi tầng đáy - lớp bảo vệ có nền tảng tốt. Như mô hình của Kim tự tháp ở Ai Cập vậy, nó tồn tại với thời gian là nhờ có kết cấu hợp lý. Do đó, tháp hoạch định cá nhân cũng tương tự", Larry Trương nói.

Tham khảo nguyên tắc 50/20/30

Nếu chưa có một kế hoạch tài chính cá nhân, cũng như mục tiêu tài chính rõ ràng, bạn có thể tham khảo nguyên tắc 50/20/30 được Elizabeth Warren - nhân vật được Tạp chí Times bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2017 đề cập trong cuốn sách của bà.

Đây là phương pháp tiếp cận đơn giản đối với kế hoạch tài chính cho những người mới làm quen, với nguyên tắc chia thu nhập làm ba nhóm chính 50%, 20% và 30% tương ứng ba nhóm chi tiêu.

Thứ nhất, nhóm chi tiêu thiết yếu chiếm khoảng 50% thu nhập bao gồm: nhà ở, di chuyển, thực phẩm... Đây là những khoản chi phục vụ trực tiếp đời sống hàng ngày, là các khoản chi thường xuyên và không biến động nhiều giữa các tháng. Một lời khuyên là tốt nhất dành cho bạn là đừng để nhóm chi này vượt quá một nửa con số thu nhập.

Tiếp theo là nhóm tích lũy, chiếm khoảng 20% thu nhập. Theo lời khuyên của Elizabeth Warren, hãy dành 20% thu nhập của bạn để tích lũy hoặc đầu tư cho tương lai.

Nhóm thứ ba là nhóm linh hoạt, chiếm khoảng 30%. Đúng như tên gọi, đây là các khoản chi thường biến động giữa các tháng và tùy thuộc vào sở thích và lối sống của mỗi người: Bạn bè, giải trí, quần áo, mỹ phẩm hoặc những sở thích cá nhân.

Nếu mong muốn của bạn là tiết kiệm càng nhiều càng tốt, hãy cân nhắc dành 30% cho tích lũy và 20% thu nhập cho nhóm chi tiêu linh hoạt.

Tuy nhiên, các con số gợi ý chỉ mang tính tương đối và nó còn phụ thuộc vào thu nhập và mục tiêu tài chính của mỗi người. Khi đã kiểm soát được thói quen chi tiêu, có một kế hoạch tài chính cụ thể, và dài hơi sẽ giúp bạn kiểm soát và chủ động với cuộc sống. Kế hoạch sắm một chiếc xe mới, sửa chữa nhà cửa hay thậm chí kết hôn.