Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều vấn đề tại HFIC, Satra, Ben Thanh Group và Liksin

Nguyễn Cảnh - 08:00, 16/07/2023

TheLEADERMột số doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND TP.HCM ghi nhận tình trạng quản lý, sử dụng vốn không hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn Nhà nước.

Đây là thông tin từ Kiểm toán chuyên đề công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và báo cáo tài chính năm 2021 của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND TP.HCM vừa được công bố.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý hàng loạt nội dung liên quan đến Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), Tổng công ty Bến Thành, Tổng công ty Liksin, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn…

Đối với HFIC, là các khoản đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp không hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn Nhà nước.

Chi tiết, người đại diện vốn tại các công ty liên kết, các khoản đầu tư khác để xảy ra tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, chưa phê duyệt báo cáo tài chính từ năm 2017-2021 của Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh nhà TP.HCM; một số khoản công nợ ứng trước cho người bán trên 3 năm nhưng không tổ chức đối chiếu xác nhận công nợ và có biện pháp thu hồi nợ.

Tại Tổng công ty thương mại Sài Gòn (SATRA), ghi nhận 31 khu đất do Công ty mẹ, các đơn vị thành viên đang quản lý và sử dụng (đã lập thủ tục về thuê đất) nhưng Sở Tài nguyên và môi trường chưa ký hợp đồng thuê đất, 3 khu đất chưa có đầy đủ các thủ tục để nộp tiền thuê đất, điều này ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách nhà nước, Kiểm toán Nhà nước xác định.

Tổng công ty Bến Thành ghi nhận một số vấn đề liên quan đến liên doanh với Công ty TNHH Khách sạn Bến Thành Norfolk (đã hết hạn từ 28/10/2021), việc thuê đất tại phường Tân Thới Hiệp, Quận 12 và việc thực hiện đề án tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định 707 năm 2017 của Thủ tướng). Ngoài ra, là việc quyết định đầu tư bổ sung vốn trong năm 2021 đối với Công ty CP Du lịch Bến Thành Non Nước trong khi kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này bị lỗ từ năm 2019.

Tương tự, Tổng công ty Liksin cho thấy hoạt động đầu tư góp vốn kém hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài ra, Liksin còn có tình trạng thuê đất tại KCN Tân Đức, Long An đến nay chưa đưa vào sử dụng, chưa có hợp đồng thuê đất đối với 2 cơ sở nhà đất tại phường Bến Thành, Quận 1, chậm trễ thẩm định, phê duyệt, thực hiện đề án tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp giai đoạn 2018-2020.

Cũng rơi vào trạng thái chậm thực hiện cơ cấu, cổ phần hóa như Liksin, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn còn gặp vấn đề về quản lý, sử dụng đất đai, tài sản trên đất của doanh nghiệp (chưa cấp quyền sử dụng đất, chưa ký hợp đồng thuê đất, thu hồi các diện tích đất không còn nhu cầu sử dụng…).

Cuối cùng, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn được xác định có khoản đầu tư góp vốn vào 02 doanh nghiệp không hiệu quả, tiềm ẩnnguy cơ mất vốn Nhà nước

Năm 2010, trên cơ sở được sự đồng ý về nguyên tắc và ủy quyền Thủ tướng; UBND TP.HCM ban hành quyết định thành lập Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) trên cơ sở tổ chức lại Quỹ đầu tư Phát triển đô thị thành phố.

HFIC hoạt động với các chức năng và nhiệm vụ chủ yếu như: Huy động các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật với các hình thức: phát hành trái phiếu, vay vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng, tiếp nhận các nguồn tài trợ, nhận ủy thác các nguồn vốn.

Đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào các lĩnh vực, ngành nghề mà Thành phố cần ưu tiên đầu tư như các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các ngành kinh tế quan trọng; các dự án công ích, hoặc các dự án phục vụ mục tiêu chính trị theo yêu cầu của UBND TP.HCM.

Góp vốn liên doanh, liên kết; góp vốn cổ phần với doanh nghiệp khác; mua hoặc bán một phần tài sản hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác; Đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, thông qua thị trường vốn, thị trường chứng khoán theo quy định pháp luật.

Năm ngoái, HFIC báo lãi trước thuế đột biến 4.872 tỷ đồng trong năm 2022, nhảy vọt từ mức lỗ 669 tỷ đồng của năm liền trước nhờ hoàn nhập 1.965 tỷ đồng dự phòng đầu tư tài chính.

Trước đó, tại ngày 31/12/2021, HIFC cho biết có 2.081 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn. Sau đó một năm, khoản nợ đã được phân loại lại trở thành nợ đủ tiêu chuẩn. Công ty không thuyết minh khách hàng vay là những đơn vị nào.

Đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của HIFC ghi nhận hơn 16.200 tỷ đồng, trong đó các khoản đầu tư trị giá 10.155 tỷ đồng, bao gồm: hơn 5.000 tỷ đồng góp vốn đầu tư vào đơn vị khác, hơn 3.900 tỷ đồng cho vay, gần 1.100 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và gần 150 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán.

Công ty đang đang sở hữu gần 24% vốn của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), 5% cổ phần của REE Corp, 2,7% cổ phần của HDBank. Đồng thời rót vốn hàng trăm tỷ vào các công ty khác như Công ty XNK và Đầu tư Chợ Lớn (761 tỷ đồng), Công ty Sài Gòn Kim Cương (519 tỷ đồng), Công ty Phát triển Đô thị Sài gòn Tây Bắc (327 tỷ đồng), Công ty Dệt may Gia Định (307 tỷ đồng).