Kinh nghiệm triển khai kinh tế tuần hoàn cấp độ địa phương

Hoàng Đông - 09:00, 22/07/2023

TheLEADERLiên tục thử nghiệm để đánh giá hiệu quả và điều chỉnh kịp thời các giải pháp là cách Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đang triển khai để lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cũng như hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp ứng dụng kinh tế tuần hoàn.

Kinh nghiệm triển khai kinh tế tuần hoàn cấp độ địa phương
Dựa trên thử nghiệm chính sách và nghiên cứu dòng vật liệu, Đà Nẵng đưa ra 7 lĩnh vực ưu tiên triển khai kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Hoàng Anh

Có diện tích khoảng gần 5 nghìn km2, tỉnh Thừa Thiên Huế là vùng đất có lịch sử lâu đời, gắn liền với nhiều giá trị văn hóa của dân tộc. Theo kế hoạch của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế được định hướng phát triển trở thành thành phố trực thuộc trung ương, trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa, di sản, sinh thái, thân thiện với môi trường.

Thực hiện hóa định hướng đó, theo ông Cao Quốc Hải, Phó giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế (Hue Innovation Hub), kinh tế tuần hoàn được lãnh đạo tỉnh xác định là giải pháp quan trọng.

Kế hoạch triển khai kinh tế tuần hoàn của Thừa Thiên Huế được triển khai trên nhiều khía cạnh, từ phía các văn bản, chính sách của chính quyền thành phố về quản lý chất thải, hạn chế đồ nhựa dùng một lần trong ngành du lịch, cho đến nhóm giải pháp chuyển đổi số, giải pháp lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào giáo dục.

Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt chú trọng đến hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Là đơn vị trực tiếp triển khai hỗ trợ các ý tưởng, giải pháp khởi nghiệp hướng đến kinh tế tuần hoàn tại địa phương, ông Hải cho biết, tỉnh đã kiện toàn hệ thống chương trình ươm tạo, tập trung vào các ý tưởng tái sử dụng, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm phát thải ra môi trường.

Các ý tưởng, giải pháp tham gia vào ươm tạo không chỉ nhận được cơ hội về tài chính mà còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng nhằm tối ưu hóa hiệu quả đạt được. Đơn cử như một dự án tái chế rác nhựa thành gạch lát đường gần đây nhận được cam kết đầu tư gần 800 triệu đồng, đang trong quá trình nghiên cứu đổi mới về công nghệ nhằm giảm thiểu lượng cát sử dụng trong sản phẩm, theo góp ý từ phía nhà đầu tư.

Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Thừa Thiên Huế được thành lập từ năm 2022, với nhiệm vụ chính là nghiên cứu và tham vấn cho lãnh đạo tỉnh cũng như doanh nghiệp về các giải pháp tuần hoàn, đào tạo tập huấn, kết nối tái chính cho doanh nghiệp, đồng thời xây dựng một hệ sinh thái toàn diện về kinh tế tuần hoàn.

Kinh nghiệm triển khai kinh tế tuần hoàn cấp độ địa phương
Các chuyên gia thảo luận về giải pháp triển khai kinh tế tuần hoàn ở quy mô tỉnh, thành phố tại tọa đàm của UNDP.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng triển khai nghiên cứu phân tích chuyển hóa dòng vật liệu, theo dõi lượng khí thải nhà kính, mức độ xả thải, mức độ sử dụng nước, mức độ đóng góp vào GRDP và tạo ra công ăn việc làm của nhiều nhóm ngành, lĩnh vực. Theo ông Hải, nghiên cứu này là căn cứ khách quan nhất để xác định xem ngành, lĩnh vực nào nên được lựa chọn ưu tiên triển khai kinh tế tuần hoàn, từ đó tạo ra tác động tích cực và lan tỏa nhất.

Các thành tựu về triển khai kinh tế tuần hoàn của Thừa Thiên Huế dựa trên cách tiếp cận thông qua thử nghiệm. Đại diện Hue Innovation Hub cho biết, các giải pháp xanh hóa, tuần hoàn hóa được tỉnh liên tục cho thử nghiệm, đánh giá, từ đó tối ưu hóa giá trị đem lại.

Đây cũng là cách làm của “người hàng xóm” là TP. Đà Nẵng. Bà Bùi Ngọc Như Nguyệt, Chánh văn phòng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội TP. Đà Nẵng, cho biết, ý tưởng về kinh tế tuần hoàn được lãnh đạo địa phương đề ra từ cuối năm 2020, với định hướng nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể nội hàm của kinh tế tuần hoàn cũng như những hành động cụ thể để đạt được kinh tế tuần hoàn thay vì hoạt động mang tính hô hào, khẩu hiệu.

Dựa trên định hướng đó, Đà Nẵng liên tục thử nghiệm các chính sách về kinh tế tuần hoàn cũng như các mô hình sản xuất, kinh doanh tuần hoàn. Theo bà Nguyệt, kết quả các thử nghiệm chính là sự đo lường về mức độ cũng như các nhân tố tác động đối với hành vi sản xuất xanh, tiêu dùng xanh.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng tiến hành rà soát các dòng chảy vật chất, từ đó đề ra 7 lĩnh vực ưu tiên triển khai từ nay đến năm 2030, bao gồm quản lý chất thải rắn, nguyên vật liệu, năng lượng, khu công nghiệp sinh thái, lương thực thực phẩm, nước và công dân tiêu dùng xanh.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), cho biết, nhiều địa phương khác trên cả nước, có thể kể đến như huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và TP.HCM, đang tích cực lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Đánh giá cao những kinh nghiệm của Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, ông Quân cũng nhìn nhận, để triển khai hiệu quả kinh tế tuần hoàn ở cấp độ địa phương cần có sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ và chính quyền địa phương, từ đó tạo ra sự điều phối hoạt động giữa các ban, ngành, cơ quan liên quan.