Kinh tế phát tín hiệu lạc quan đầu năm

An Chi - 08:45, 05/03/2024

TheLEADERKinh tế Việt Nam hai tháng đầu năm cơ bản ổn định, tiếp tục phục hồi tích cực.

Kinh tế phát tín hiệu lạc quan đầu năm
Nền kinh tế Việt Nam ghi nhận xu hướng tiếp tục phục hồi tích cực. Ảnh: Hoàng Anh.

Nền kinh tế tiếp tục phục hồi

Những tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận xu hướng tiếp tục phục hồi tích cực. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kinh tế vĩ mô trong nước giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 1,04% so với tháng 1; bình quân hai tháng tăng 3,67% trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng 4,6%.

Cùng với đó, cả ba khu vực của nền kinh tế đều tăng trưởng tốt. Nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8%; khách quốc tế đạt trên 3 triệu lượt, tăng 68%.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng tháng 2 đạt 50,4 điểm, tương đương với tháng trước, thể hiện mức độ cải thiện của ngành sản xuất, trong đó cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai tháng tăng 18,6%, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 18%; xuất siêu 4,7 tỷ USD.

Thu ngân sách nhà nước hai tháng ước đạt 23,5% dự toán năm, tăng 10,4%.

Một tính hiệu tích cực khác là hoạt động đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tốt. Giải ngân vốn đầu tư công hai tháng đạt 9,13% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước. Thu hút FDI đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, hoạt động phát triển doanh nghiệp cũng tiếp tục xu hướng tăng. Trong hai tháng có trên 22 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,4% và có 19 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 4,4%; nâng tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường lên hơn 41.000, tăng 8,5% so với cùng kỳ.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả chỉ đạo điều hành và triển vọng của kinh tế Việt Nam. IMF dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7% vào năm 2025.

"Tạo đà, động lực mới, khí thế mới" cho tăng trưởng

Trước những kết quả đạt được, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nền kinh tế đã tạo được đà, động lực mới, khí thế mới, cảm hứng mới, sự cộng hưởng mới để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng trong tháng 3 và những tháng tiếp theo.

Chỉ rõ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà trước hết là về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu việc điều hành chính sách tiền tệ cần chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa. 

Các ngân hàng cần bảo đảm lưu thông tiền tệ tốt hơn, cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Về đầu tư, các bộ ngành, địa phương cần tạo thuận lợi thu hút, giải ngân đầu tư xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI.

Ngành xuất khẩu cần củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; thực hiện hiệu quả các FTA; thúc đẩy Trung Quốc sớm dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam.

Ngành tiêu dùng cần đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá; có giải pháp mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Sáu động lực tăng trưởng mới gồm đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế-xã hội; tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực.

Cùng với đó là thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Thứ ba là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân cả năm 2024 tối thiểu đạt 95%; phân bổ sớm 33,5 nghìn tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024.

Thứ tư, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Thứ năm, Thủ tướng chỉ đạo tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu như sản xuất công nghiệp; chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ.

Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất, nhất là lương thực, thực phẩm, phát triển công nghiệp chế biến nông sản; tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản; khẩn trương khắc phục "thẻ vàng".

Ngành dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; tiết giảm chi phí vận tải, tiếp vận hậu cần; phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản; đẩy mạnh thu hút du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến du lịch các thị trường trọng điểm.

Dự báo thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội gia tăng; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Ở trong nước, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu tác động, ảnh hưởng ngày càng lớn. Chính vì vậy, việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh năng lượng, cung ứng đủ điện, xăng dầu… cần được các bộ ngành đặc biệt lưu ý để ổn định nền kinh tế.