Lập phương án đầu tư 3 đoạn tuyến đường sắt đô thị Hà Nội

Tùng Anh - 08:32, 27/02/2018

TheLEADERViệc lập đề xuất dự án đầu tư các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho toàn thành phố.

Lập phương án đầu tư 3 đoạn tuyến đường sắt đô thị Hà Nội
Tuyến sắt đô thị 2A, Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: hanoimetro

Theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các nhà đầu tư được giao lập phương án đầu tư đối với các dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội gồm: Tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc, tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và tuyến số 4 đoạn Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà, phù hợp với quy định của pháp luật.

Dự kiến, tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc sẽ kết nối trung tâm thành phố hướng về khu công nghệ cao, làng đại học quốc gia Hòa Lạc. Tuyến số 2 sẽ kết nối đô thị xuyên tâm phía nam và tuyến số 4 sẽ kết nối phía bắc với phía đông Hà Nội.

Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài là 417,8 km. Trong đó, 342,2 km sử dụng cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi bằng 75,5 km đi ngầm.

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn đầu tư từ 2017 - 2020 là 7,55 tỷ USD; từ 2021 - 2025 là 7,6 tỷ USD; từ 2026 - 2030 là 3,56 tỷ USD và sau năm 2031 là 21,3 tỷ USD.

Dự kiến, khi mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35 - 45%, giảm thị phần người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%; đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực và cải thiện môi trường đô thị nhờ giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và tình trạng ô nhiễm.

Bên cạnh đó, bà Trang Lê - Trưởng phòng Nghiên cứu của thương hiệu quản lý bất động sản quốc tế Jones Lang LaSalle Incorporated (JLL) tại Việt Nam nhận định bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận với việc hoàn thiện các tuyến đường sắt đô thị, chính quyền Việt Nam hy vọng sẽ khuyến khích nhiều chủ đầu tư hơn nữa đầu tư vào các dự án bất động sản có quy mô lớn trên toàn thành phố thay vì chỉ tập trung tại khu vực trung tâm.

Hiện Hà Nội đang thực hiện các dự án đường sắt đô thị bao gồm Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi - Yên Viên.

Theo thông tin từ Ban quản lý Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành hơn 95% khối lượng công việc.

Dự án này khởi công vào tháng 10/2011 được đầu tư bằng vốn ODA Trung Quốc với tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD (tương đương 8.700 tỷ đồng) đã chậm kế hoạch 3 năm. Tiến độ mới nhất Tổng thầu Trung Quốc đưa ra là chạy thử vào tháng 9/2018 và khai thác thương mại vào cuối năm 2018.

Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải), nhiều hạng mục dù không bị vướng mặt bằng, nhưng gần như dừng thi công hoặc thi công cầm chừng do thiếu vốn thanh toán cho các nhà thầu phụ hoặc tổng thầu không cung cấp vật tư, thiết bị, bản vẽ cho thầu phụ thi công.

Đặc biệt, việc giải ngân khoản vay ưu đãi 250 triệu USD của Trung Quốc gặp nhiều vướng mắc về thủ tục.

Trong khi đó tuyến Nhổn - Ga Hà Nội chuẩn bị công tác để thực hiện đoạn chạy ngầm. Chủ đầu tư cho biết sẽ cố gắng hoàn thành dự án này vào năm 2021.