Liên kết chuỗi nông nghiệp còn lỏng lẻo

Hồng Ánh - 10:50, 02/10/2023

TheLEADERLiên kết chuỗi nông nghiệp theo chiều dọc đòi hỏi cần phải có doanh nghiệp lớn đóng vai trò cánh chim đầu đàn để dẫn dắt, tuy nhiên lại rất dễ "bể kèo" nếu có biến động về giá trên thị trường.

Liên kết chuỗi nông nghiệp còn lỏng lẻo
Liên kết chuỗi nông nghiệp theo hình thức hỗn hợp, xuyên suốt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ là chìa khóa nâng cao chất lượng nông sản. Ảnh: Hoàng Anh

Ông Từ Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển dịch vụ Thái Bình Dương, cho biết, liên kết nông nghiệp theo chuỗi giá trị là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo phục vụ nhu cầu của khách hàng, giúp nông sản xâm nhập được vào thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, các mô hình liên kết lại đang bộc lộ ra những điểm yếu, khiến chuỗi giá trị ngành hàng nông sản lỏng lẻo, khó đạt được hiệu quả như mong đợi.

Cụ thể, liên kết chuỗi nông nghiệp theo chiều ngang như mô hình hợp tác xã đòi hỏi sự tham gia trên tinh thần tự nguyện và cùng có lợi. Hiện tại, Việt Nam có rất ít mô hình hợp tác xã thành công do nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí còn được đánh giá là thành phần yếu nhất trong nền kinh tế.

Liên kết chuỗi theo chiều dọc cần có một doanh nghiệp lớn đóng vai trò cánh chim đầu đàn để định hướng hoạt động của chuỗi sao cho đảm bảo chất lượng, đáp ứng thị trường. Tuy nhiên, ông Thiện cho biết, chuỗi liên kết chiều dọc ở Việt Nam đang thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, rất dễ bị phá vỡ nếu có biến động giá bất thường trên thị trường.

Những bất ổn trên thị trường sầu riêng thời gian qua, khi người nông dân sẵn sàng “bẻ cọc”, phá hợp đồng thu mua của doanh nghiệp nếu có thương lái sẵn sàng trả giá cao hơn chính là minh chứng rõ nét cho sự lỏng lẻo của liên kết này.

Trong mô hình liên kết dọc, sự tham gia của địa phương cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, ông Thiện đánh giá, địa phương lại rất khó tham gia vào chuỗi liên kết do chưa làm rõ được trách nhiệm cũng như quyền lợi của địa phương.

Chuỗi liên kết lỏng lẻo khiến sản xuất nông nghiệp được coi là ngành nghề rất bấp bênh. Đây chính là nguyên nhân khiến chưa có nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, còn các doanh nghiệp đang tham gia thị trường cũng chưa dám đầu tư mạnh tay để nâng cao quy trình, công nghệ.

Để khắc phục thực trạng chuỗi liên kết nông nghiệp, tại Diễn đàn Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn, ông Thiện đề xuất, cần phải thay đổi tư duy liên kết sản xuất từ doanh nghiệp, người sản xuất cho đến cấp độ quản lý.

Ông Thiện đề nghị, Nhà nước cũng như các viện, trường có thể tích cực tham gia hình thành và duy trì chuỗi liên kết thông qua ưu đãi về vốn, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ thị trường. Sau khi liên kết được hình thành một cách vững chắc, ưu đãi vốn có thể giảm dần nhưng vẫn giữ nguyên hỗ trợ kỹ thuật và thị trường.

Bên cạnh đó, ông Thiện cũng đánh giá cao mô hình liên kết hỗn hợp, kết hợp của cả liên kết ngang và dọc, tức là mô hình có cả sự tham gia của các hộ sản xuất trong cùng ngành và sự dẫn dắt của doanh nghiệp “đầu đàn”, từ khâu đầu vào, sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ trên thị trường.

Theo ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực tế, mô hình liên kết toàn diện đã được hình thành ở Việt Nam, điển hình như một số chuỗi cung ứng đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở một số địa phương phía Bắc.

Một số chuỗi liên kết này cũng đã ứng dụng thành công công nghệ mới như công nghệ chuỗi khối (blockchain), truy xuất nguồn gốc… để nâng cao giá trị nông sản, đặt nền móng đưa nông sản Việt tiến xa hơn trên trường quốc tế.

Để phát huy những mô hình liên kết chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả, ông Thành đề xuất, trước hết Nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời ban hành các tiêu chuẩn, quy định, hành lang pháp lý nâng cao hiệu lực hợp đồng và chính sách hỗ trợ trực tiếp chuỗi liên kết.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, với vai trò thiết yếu trong chuỗi, cần phải kết nối chặt chẽ với các chủ thể khác, cũng như mạnh dạn đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng cũng như năng lực cạnh tranh của hàng nông sản.