Ngã để đứng lên

Ngô Trọng Thanh, Chủ tịch Mancom Solutions - 09:00, 12/02/2021

TheLEADERMỗi doanh nghiệp sinh ra không chỉ là trách nhiệm của người đứng mũi chịu sào mà luôn kéo theo niềm vui, kỳ vọng, lo lắng của gia đình, họ hàng, sau đó còn cả “cộng đồng” chiến hữu, người lao động.

Ngã để đứng lên
Ông Ngô Trọng Thanh - Chủ tịch Công ty Tư vấn phát triển thị trường Mancom Solutions

Hơn 10 năm trước, trong một đêm thức trắng ngồi ngắm con trai ngủ, tôi quyết định giải tán công ty.

Trước đó, tôi cùng cộng sự khởi nghiệp đầy nhiệt huyết, mọi thứ đều màu hồng. Doanh nghiệp của chúng tôi thành công mau chóng nhờ ý tưởng mới lạ. Nhưng rồi, sự hân hoan cũng chìm nhanh không kém, do sự đầu tư dàn trải quá nguồn lực sẵn có. Sau vài năm hoạt động, không chịu nổi sức ép giữa khốn khó trăm bề, tôi dằn lòng bán nhà xưởng cho nhà đầu tư khác.

Cảm giác hoang mang ấy trở lại vào cuối năm Covid 2020, khi một chủ doanh nghiệp mời tôi ghé thăm và tham vấn về việc kinh doanh.

Khu nhà xưởng hơn một ha chuyên sản xuất thiết bị composite vùng ven Sài Gòn cửa đóng then cài, sân phủ đầy lá không ai dọn để lũ trẻ mượn làm sân bóng.

Công ty họ từng xuất khẩu hàng đi châu Âu, với hàng trăm công nhân, nay chỉ còn vài chú chó chạy rông và người bảo vệ - lao động duy nhất còn việc làm. Từ giữa năm ngoái, đối tác chấm dứt nhập hàng, công nhân lần lượt phải dứt áo ra đi.

Tôi biết chắc rằng hình ảnh hoang vắng của công ty đang đối lập với cơn bão trong lòng chủ doanh nghiệp. “Nhà xưởng sẽ sớm chuyển cho ngân hàng. Tôi được vợ nuôi vài tháng nay rồi”, ông bảo. “Nhưng còn bao nhiêu chiến hữu đã theo mình mười mấy năm trời...”, ông nói, giọng nghẹn lại.

Những ngày này, Tết đang đến và lần đầu tiên, hơn 70% công nhân tại TP.HCM không về quê ăn Tết. Nghĩa là gần 200 nghìn lao động ở lại TP.HCM để tiết kiệm tiền đi lại và tăng ca. Nhưng không có thống kê nào cho biết đang có bao nhiêu ông chủ chạy việc từng bữa, đặt xe, đặt nhà, cố nối ống thở cho doanh nghiệp đang thoi thóp.

Theo Tổng cục Thống kê, hơn 102 nghìn doanh nghiệp đã phải đóng cửa năm 2020. Tính trung bình, khoảng 8.500 doanh nghiệp khai tử mỗi tháng. Hậu quả, 32 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực do giảm hoặc mất thu nhập vì giãn ca, mất việc làm. Con số chưa từng có trong 10 năm qua.

Có thể ai đó vẫn vui vì GDP năm nay tăng trưởng gần 3%, một số nhóm doanh nghiệp vẫn ăn nên làm ra, nhưng với nhiều người, thực tế cuộc sống luôn trần trụi.

Hơn 90% doanh nghiệp nội địa của chúng ta thuộc quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, sản phẩm thiếu sáng tạo nên biên lợi nhuận thấp và tích lũy vốn không cao. Chỉ vài tháng dòng tiền đứt đoạn cũng đủ “khô dòng máu”. Nguồn vốn từ ngân hàng, như những chiếc ô chìa ra mời chào ngày đẹp trời, nay vội vã thu về lúc mưa giông.

Bên cạnh nỗi lo cơm áo, doanh nhân còn nặng nỗi buồn về danh tiếng gầy dựng bao năm. Không phải ngẫu nhiên mà tháp nhu cầu Maslow có phiên bản "dành riêng cho châu Á”. Trong đó, “thanh danh cá nhân” nằm trên đỉnh. Từ trên cao danh vọng, họ bỗng chốc sa chân vào vòng xoáy nợ nần, từ ánh mắt trọng vọng quay sang nhận sự bỉ bôi, và sau mỗi ngày vật lộn là những đêm trắng mất ngủ. 

Tôi tự hỏi, có bao nhiêu người đang mong màn đêm kéo dài mãi mãi để sớm mai không phải tiếp tục một ngày căng thẳng.

Thầy giáo tôi trong ban cố vấn thương mại quốc tế của WTO, từng tư vấn cho hàng chục doanh nghiệp Forbes 500, có lần hỏi: “Làm doanh nghiệp ở Việt Nam có gì khác?”. “Thưa thầy, doanh nhân Việt Nam không sống cho riêng mình, mà luôn kéo theo cả bộ lạc”.

Doanh nghiệp Việt Nam rất khác so với doanh nghiệp Mỹ, nơi ý tưởng luôn được đón nhận, mau chóng hút được vốn từ hàng ngàn quỹ đầu tư mạo hiểm, và phá sản luôn là phương án 2. Còn với người Việt, bữa cơm luôn có bát nước mắm chấm chung. Văn hóa “chung” cũng là đặc trưng của doanh nghiệp Việt. Mỗi doanh nghiệp sinh ra không chỉ là trách nhiệm của người đứng mũi chịu sào mà luôn kéo theo niềm vui, kỳ vọng, lo lắng của gia đình, họ hàng, sau đó còn cả “cộng đồng” chiến hữu.

Gần 30 năm làm việc với các doanh nhân trong và ngoài nước, tôi luôn cố khắc họa chân dung giới doanh nghiệp Việt, kiếm tìm khác biệt so với doanh nhân toàn cầu. Tạp chí kinh doanh của Đại học Harvard tổng kết, hai tiêu chí quan trọng nhất của doanh nhân thành công là sự tập trung và bền bỉ. Điều này có thể phổ quát tại các nước phát triển, nhưng chưa hoàn toàn đúng với Việt Nam. 

Trong một môi trường đầy cơ hội song hành cùng rủi ro của nền kinh tế mới nổi, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, nét đặc trưng nhất của doanh nhân Việt - theo tôi cảm nhận - là sự can đảm chấp nhận rủi ro và sự linh hoạt.

Trong đám mây đen luôn có ánh bạc, tôi luôn muốn nhìn mọi việc theo chiều hướng tích cực. Thất bại 10 năm trước cho tôi tâm thế chín chắn hơn để xây dựng lại doanh nghiệp khác tạm coi là thành công. Sản phẩm của chúng tôi - Cơm độ dưỡng msSlim được chế biến từ hạt gạo tím đặc sản Việt Nam, nấu chậm trong 36 giờ cùng đậu và chiết xuất nấm theo công thức lâu đời của Nhật, cắt giảm hơn 50% lượn calo và rất hiệu quả cho người giảm cân và người tiểu đường, đã được cộng đồng hào hứng đón nhận.

Tôi biết ơn những cộng sự đã sát cánh bên tôi, biết ơn người em Hiroki Kotabe (tiến sĩ đại học Chicago) đã từ bỏ công việc trong mơ tại Mỹ để cùng tôi phát triển một dòng cơm ăn kiêng mà em tin rằng"mang lại hy vọng cho cuộc sống hiện đại". Và tôi cũng thầm hàm ơn những thăng trầm 10 năm trước, như một bài học đắt giá cho thành công hôm nay. 

Cũng vậy, tôi tin rằng khó khăn thời Covid làm dày thêm kinh nghiệm thương trường của các doanh nhân.

Sau cú sốc, có người chấp nhận buông xuôi, nhưng không ít người đã dũng cảm rũ bỏ sự trì trệ nhiều năm, bước khỏi hào quang của chính mình để thay đổi mô hình hoạt động. Có những đồng nghiệp của tôi đã tận dụng thời điểm biến động này để mở rộng thị trường xuất khẩu tới hàng chục quốc gia khi nguồn cung từ công xưởng Trung Quốc bị gián đoạn.

Từ trong sâu thẳm tôi biết, mỗi doanh nhân có thể buông xuôi với bản thân, nhưng không thể nhìn những người thân thiết chịu cảnh bần hàn. Đằng sau họ còn là gia đình, họ hàng, cộng sự. Sự kết nối của cộng đồng ấy sẽ nâng đỡ họ đứng dậy.

Để sự hồi sinh đó vững vàng, không bị dập vùi bởi những con sóng trong tương lai, sự nỗ lực của mỗi doanh nhân là cần nhưng chưa đủ. Chúng ta có quyền mong chờ một môi trường kinh doanh thân thiện hơn được kiến tạo từ Chính phủ, nơi mỗi nhân viên công quyền luôn coi việc ươm mầm doanh nghiệp như một trách nhiệm của chính mình. 

Chúng ta đã khá thành công trong công cuộc ngăn chặn và khống chế đại dịch Covid mà nguyên nhân lớn bởi mỗi cá nhân đều nhận thấy trách nhiệm và sự liên đới của bản thân.

Tôi ước mong sao, trong công cuộc hồi sinh và phát triển doanh nghiệp, mỗi quan chức cũng cảm nhận thấy trách nhiệm của mình như vậy, để có sự ứng phó và hỗ trợ kịp thời. Khi đó, sự hỗ trợ không chỉ dừng lại "ở trên tivi" như có doanh nhân từng chua chát!