Nét chấm phá thú vị của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Như Quỳnh - 13:00, 10/02/2021

TheLEADERVới nguồn lực có sẵn cộng với khả năng am tường chuyên môn, các nhà sáng lập ngoại đang trở thành một đối thủ đáng gờm với các nhà sáng lập nội trong “cuộc chiến” gọi vốn từ các nhà/quỹ đầu tư. Tuy nhiên, họ cũng chính là quý nhân giúp nâng tầm chất lượng khởi nghiệp Việt Nam.

Việt Nam - Mảnh đất màu mỡ cho startup

Trước đây, khi khởi nghiệp (startup) là câu chuyện gì đó còn xa lạ với hầu hết người Việt Nam, để gặp một nhà sáng lập – founder người nước ngoài không hề dễ dàng. Nguyên do quan trọng là bởi thị trường Việt Nam lúc đó còn quá sơ khai, không hấp dẫn giới khởi nghiệp lẫn các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, điều đó đã hoàn toàn thay đổi. Như nhận định của nhiều chuyên gia trong giới khởi nghiệp, khoảng 2 năm gần đây Việt Nam đang dần trở thành một thị trường mới nổi đầy quyến rũ tại khu vực Đông Nam Á – chỉ sau Indonesia và Thái Lan. Điều đó thể hiện rõ ở sự nở rộ số lượng quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam xin giấy phép hoạt động và cả số lượng founder (nhà sáng lập) nước ngoài đang ngày càng gia tăng ở tất cả các lĩnh vực.

Cụ thể hơn: hiện có 2 nguồn nhà sáng lập có yếu tố ngoại vào lập nghiệp tại Việt Nam, một là người ngoại quốc đến từ các nước hoặc khu vực phát triển như Nhật Bản – châu Âu, hai là Việt Kiều – chủ yếu đến từ Mỹ.

Tuy nhiên, dù đến từ đâu thì tất cả họ đều rất cẩn trọng khi quyết định lập nghiệp tại Việt Nam. Với nền giáo dục đầy thực tiễn được thụ hưởng từ lúc nhỏ, hầu hết họ đều rất thực dụng khi khởi nghiệp: ít mơ mộng cao xa mà thong thả đi từng bước, chuẩn bị thật kỹ càng mới ra mắt sản phẩm/dịch vụ. Thế nên, thoạt trông có thể họ đi khá chậm so với một vài đồng nghiệp Việt Nam, song từng bước đi của họ lại khá chắc chắn, nhằm hướng đến việc sống sót sau đó mới phát triển thành doanh nghiệp bền vững.

Ngoài ra, rất nhiều người trong các founder ngoại mà chúng tôi biết đã từng có sự nghiệp khởi nghiệp tương đối thành công trước đó, chính back-ground chất lượng như thế, khiến khả năng thành công gọi vốn của họ cực cao. Ít nhất thì một nửa startup có founder ngoại trong bài đã gọi được vốn, còn lại là chưa hoặc đang trong quá trình gọi vốn.

Founder người nước ngoài

Trong Covid-19, Manabie nổi lên như một startup đầy tiềm năng với mô hình kinh doanh chuyên về giáo dục trực tuyến cực kỳ bắt xu hướng. Ngoài bán các khóa học trực tuyến cho các học sinh cấp III đang chuẩn bị thi đại học, Manabie còn bán thêm các hệ thống giáo dục trực tuyến Manabie Teaching Empower Program (MTEP) cho các trường học và tổ chức.

“Cũng như rất nhiều người châu Á khác, thời cấp III của tôi luôn ngập ngụa trong việc học. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê hẻo lánh tại Nhật Bản, nên để đậu trường hàng đầu Nhật Bản là Đại học Tokyo tôi đã phải tự học ngày học đêm. Lúc đó, tôi chủ yếu là tự mày mò học chứ không được tiếp cận những giáo viên hàng đầu như các học sinh ở thành phố lớn.

Khi học ở Đại học Tokyo, nhờ internet, tôi mới có thể trau dồi tiếng Anh và các bài giảng ở các trường đại học hàng đầu châu Âu. Với nền tảng đó, tôi đã nhận được học bổng liên thông cử nhân khoa học ở trường Đại học College London – nước Anh.

Từ những trải nghiệm của bản thân, tôi muốn làm cái gì đó nhằm mang lại cơ hội học tập tốt nhất cho các em học sinh dù ở nơi hẻo lánh nhất của thế giới. Đó là nguyên do mà tôi tham gia xây dựng Quipper với những anh em đồng chí hướng và bây giờ là tự khởi hành với Manabie”, Takuya Homman chia sẻ.

Có thể nói, kể từ khi bước vào đời đến nay, chàng trai 32 tuổi này chủ yếu gắn bó với Công nghệ giáo dục (ed-tech).

Sau khi rời trường học vào năm 2012, Takuya đã gia nhập Quipper và là một trong những thành viên sáng lập của startup giáo dục này. Trong hơn 6 năm làm việc tại Quipper, Takuya đã kinh qua rất nhiều vài trò khác nhau, từ markerting, phát triển thị trường, quản lý sản phẩm, PR, HR đến tài chính.

Năm 2015, sau khi Quipper được sáp nhập với công ty Nhật Bản tên Recruit với thương vụ lên đến 40 triệu USD, anh đã được cử đến khai phá thị trường Indonesia. Trước khi rời Quipper năm 2019, anh đã giúp startup này có được chỗ đứng vững chắc tại Indonesia thông qua chi nhánh văn phòng có hơn 500 nhân sự. Quipper thành lập tại London – nước Anh, nhưng thị trường chủ lực của họ là ở châu Á. Hiện họ đang hoạt động mạnh mẽ tại Indonesia, Phillipines, Nhật Bản, Mexico…

Tháng 3/2019, Takuya rời Quipper và đăng ký thành lập công ty riêng tại Singapore. Sau gần nửa năm phát triển - xây dựng sản phẩm, vào tháng 1/2020, anh cùng đồng sáng lập Christy Wong lần đầu giới thiệu nền tảng học tập trực tuyến Manabie ở thị trường Việt Nam.

Nét chấm phá thú vị của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam
Những nhà đầu tư ngoại cũng giúp nâng tầm chất lượng khởi nghiệp tại Việt Nam. SHUTTER

“Sở dĩ tôi chọn Việt Nam để bắt đầu hành trình khởi nghiệp mới của mình thay vì quê mẹ Nhật Bản hay ‘thiên đường’ Singapore là bởi thị trường ed-tech ở đây đang ở giai đoạn sơ khai, còn nhiều dư địa để phát triển và người Việt rất coi trọng giáo dục – khi họ dành tới 20% ngân sách gia đình cho chi tiêu học tập của con cái.

Sau rất nhiều năm hoạt động trong mảng ed-tech ở khu vực Đông Nam Á, tôi tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm cũng như phần nào thấu hiểu văn hóa, nhu cầu, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam”, founder Manabie giải thích.

Theo lời kể của Takuya, dù là người nước ngoài, song anh chẳng gặp bất cứ trở ngại nào khi sinh sống và kinh doanh tại Việt Nam, có chăng chỉ một chút ở ngôn ngữ. Tại Indonesia hay Philippines, anh có thể dễ dàng trao đổi trực tiếp với ba mẹ học sinh bằng tiếng Anh, nhưng tại Việt Nam không thế. Thế nên, anh cảm thấy mình vẫn chưa thể truyền đạt trọn vẹn những tính năng và lợi ích vượt trội mà nền tảng Manabie có thể mang lại cho các khách hàng của mình.

Vào tháng 6 vừa qua, Manabie đã được trang Holon IQ bình chọn là 1 trong 50 ed-tech startup ở Đông Nam Á. Startup này hiện đang rất tích cực đi bán sản phẩm của mình khắp các trường học tại Việt Nam cũng như Nhật Bản, nhằm hỗ trợ các trường không “bó tay chịu chết” khi đột nhiên toàn xã hội bị phong tỏa, giãn cách.

Khác với đồng hương Takuya Homman, trước khi ra riêng khởi nghiệp với Kemereo, Taku Tanaka đã trải qua rất nhiều giằng xé. Cách đây 2 năm, lúc quyết định rời Pizza 4P’s, Taku Tanaka đứng giữa 2 sự lựa chọn: xây dựng một nhà hàng hoặc làm nhà cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng.

Với lựa chọn đầu tiên, nếu làm tốt, thị trường có thể có thêm một thương hiệu ẩm thực tốt như Pizza 4P’s; còn với lựa chọn thứ hai, nếu thành công, Taku có thể góp phần thay đổi cả ngành ẩm thực. Đã startup là phải mơ lớn, thế nên chàng trai trẻ này đã chọn phương án thứ hai để khởi nghiệp.

Kamereo là hệ thống tìm nguồn hàng và đặt hàng thực phẩm từ các nguồn cung ứng B2B cho nhà hàng/khách sạn/quán cà phê đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, vì Covid-19, để tồn tại họ buộc phải mở thêm ngành hàng B2C với ứng dụng KameMart. 

“Có thể nói, với tôi, khó khăn lớn nhất trong quá trình khởi nghiệp chính là Covid-19. Bởi nó xảy ra quá đột ngột, không ai ngờ tới và tôi không có bất cứ sự chuẩn bị nào để đối phó với nó”, anh Taku Tanaka hồi tưởng.

Dù ra đời tương đối vội vàng, trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và chưa có bất cứ chương trình PR - marketing nào; song KameMart vẫn được một bộ phận khách hàng trung và cao cấp đón nhận nhiệt tình. Tất cả là nhờ uy tín trong những ngày tháng cung cấp thực phẩm cho một loạt nhà hàng có thương hiệu như Là Việt Coffee, Cuốn và Chấm, Lion City Group, Cục Than Bistro…

Rút kinh nghiệm lần 1, để không phải rơi vào tình cảnh “bỏ trứng vào 1 giỏ”, ngoài kênh bán qua ứng dụng và website của bản thân, Kamereo còn đưa KameMart lên các ứng dụng và nền tảng thương mại điện tử khác như Grab, Shopee, Lazada. Thậm chí, họ còn xây dựng một nhà kho gần nhà kho trong nội thành nhằm bảo đảm thực phẩm của KameMart lúc nào cũng sẵn sàng đến tay người tiêu dùng nhanh nhất và tươi ngon nhất.

Mới đây, KameMart còn chính thức phân phối độc quyền các sản phẩm đông lạnh từ mấy nhà hàng nổi tiếng như : 4P’s, Mamaru, Ippudo, Fujiro… Sau khi đặt hàng, sản phẩm sẽ được giao trong vòng 24h chứ không có liền và theo nhiều người, thì sản phẩm mà KameMart giao giữ được 80% chất lượng như khi ăn ở nhà hàng.

Với những gì đã thấy ở trên, có thể thấy cả hai startup này đang nhận được rất nhiều sự hậu thuẫn từ cộng đồng doanh nhân Nhật đang hoạt động tại TP.HCM – đặc biệt là Kemereo. Hơn nữa, cả hai đang được một quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản là Genesia Ventures bảo trợ.

Xét về tuổi đời lẫn quy mô doanh nghiệp, MyStorage không thể sánh bằng Manabie hay Kamereo, nhưng câu chuyện lập nghiệp tại Việt Nam của cặp đôi founder người Mỹ- Aric Austin và người Đức – Stephanie Stadler cũng thú vị không kém.

Như rất nhiều founder đến từ châu Âu khác, mục tiêu đầu tiên của anh Aric Austin khi đến Việt Nam không phải để khởi nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc sinh sống tại đất nước này, khi thấy có cơ hội kinh doanh thì họ đã không ngần ngại chớp lấy.

“Khi tôi chuyển từ Đức đến Việt Nam, tôi đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nơi cất giữ đồ đạc chuyên nghiệp tại TP.HCM. Hơn nữa, tôi quan sát và thấy rõ ràng sự thiếu hụt dịch vụ cho thuê kho lưu trữ mini ở các đô thị có mật độ dân cư dày đặc tại Việt Nam, mặc dù dịch vụ này đã khá phổ biến ở các thành phố khác trên thế giới - bao gồm các thành phố tại châu Á như Hong Kong, Singapore và Bangkok.

Hiện tại, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đang tăng lên hàng năm, dẫn đến mật độ dân số dày đặc hơn ở các thành phố lớn, từ đó làm tăng chi phí cho không gian sống và nhu cầu trữ đồ đạc. 

Theo hãng tư vấn bất động sản quốc tế JLL tại Việt Nam, giá các căn hộ tại TP.HCM tăng 27,5% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm trước, đạt mức trung bình 2.582 USD/m2. Đó là những nguyên do khiến tôi quyết định khởi nghiệp với MyStorage”, founder Aric Austin chia sẻ.

Có 2 nhóm khách hàng chính mà MyStorage muốn nhắm đến: thứ nhất là những người trẻ thuộc tầng lớp trung lưu đang di cư đến thành phố, ví dụ như chuyển đến sống tại TP.HCM từ nhiều vùng quê khác nhau hoặc những khu vực xa trung tâm như Bình Dương và họ cần không gian để cất trữ hành lý; thứ hai là các startup, công ty nhỏ và vừa (SMEs) có văn phòng tại quận 1 hay các quận trung tâm.

Nhóm khách hàng thứ hai nói trên không cần thuê kho lớn mà chỉ cần vài mét khối để lưu trữ vật dụng ví dụ như bàn ghế thừa hoặc các banner, pano quảng cáo theo mùa vụ. Đây chính là đối tượng khách hàng trung tâm mà MyStorage hướng tới.

Thoạt trông, mô hình kinh doanh của MyStorage siêu đơn giản và ai cũng có thể làm được: họ đi thuê mặt bằng nhỏ rồi cải tạo lại thành các nhà kho lưu trữ hàng hóa và cho các cá nhân/doanh nghiệp thuê lại. 

Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết, chúng ta sẽ nhanh chóng thấy được những dụng tâm của bộ đôi founder Aric Austin - Stephanie Stadler khi khởi nghiệp, khả năng thấu hiểu sâu sắc nhu cầu khách hàng, mô hình thể hiện rõ ràng tính chi tiết của người Mỹ và sự hiệu quả của người Đức.

Dù chưa đổ nhiều tiền vào marketing bán hàng do nguồn lực hạn chế, nhưng với việc là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này, MyStorage vẫn đang tăng trưởng rất tốt.

“Chúng tôi đang phát triển rất nhanh, nhanh hơn những gì tôi kỳ vọng ở những ngày đầu khởi nghiệp. Lúc đầu, chúng tôi chỉ mở một cơ sở nhỏ để thử nghiệm. May mắn thay, chúng tôi đã có rất nhiều khách hàng, không chỉ người nước ngoài mà cả khách hàng Việt Nam. Chỉ sau 4 tháng hoạt động, sức chứa của kho đầu tiên đã đầy.

Hiện tại, số lượng khách hàng của chúng tôi tăng trung bình 20% mỗi tháng với hàng trăm khách hàng đang sử dụng dịch vụ. Tôi tin, chúng tôi sẽ nhanh chóng đạt mức 1.000 khách hàng trong vài tháng nữa. Vậy nên, việc có thêm những chi nhánh khác là hết sức cần thiết, khi ngày càng có nhiều người địa phương tìm đến dịch vụ của MyStorage”, Aric Austin chia sẻ về chiến lược phát triển trong tương lai gần.

Cặp đôi founder này và MyStorage vừa được vinh danh ở hạng mục “Doanh nhân xuất sắc nhất” tại giải thưởng Eurocham Business Awards 2020. MyStorage cũng đang có kế hoạch khai trương kho thứ 3 của mình trong thời điểm gần Tết Nguyên đán 2021.

Founder Việt kiều

Thời gian gần đây đang có làn sóng Việt kiều về Việt Nam lập nghiệp, điểm chung quan trọng là hầu hết họ đã có một sự nghiệp tương đối thành công tại Mỹ rồi mới chạm ngõ Việt Nam, ví dụ như founder của Propzy – John Lê, founder Genetice – Cao Anh Tuấn, founder Weallnet – Kevin Phạm…

Dù có một sự nghiệp tương đối lừng lẫy tại Mỹ - từng là tiến sỹ - kỹ sư công nghệ của Google, song Genetica mới là dự án khởi nghiệp đầu tiên của anh Cao Anh Tuấn.

Nét chấm phá thú vị của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam 1
John Lê (giữa) founder của Propzy.

Nếu John Lê khởi nghiệp tại Việt Nam cùng Propzy với tâm thế của một doanh nhân đã lọc lõi trên thương trường của nhiều nước, thì Cao Anh Tuấn lại với tư cách là người học việc. 

Thế nên, dù đã nhận được rất nhiều hỗ trợ từ bạn bè và chính phủ khi quyết định bắt đầu hành trình tại “quê cha đất tổ” thay vì Singapore – thiên đường của giới khởi nghiệp; song anh vẫn thường xuyên ‘đập đầu vô tường’ bởi những thách thức về kinh doanh mà anh chưa từng nếm trải trước đó, trong những ngày tháng phục vụ ‘ông lớn’ Google.

Genetica và Cao Anh Tuấn luôn tự hào mình là doanh nghiệp có công nghệ - kỹ thuật giải mã gen của người châu Á tiên tiến nhất thế giới, nhờ sự tham vấn của rất nhiều giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực này tại Mỹ cùng thời gian dài nghiên cứu – hoàn thiện mô hình kinh doanh; nhưng hiện tại anh lại không thể thể hiện được tất cả những tinh túy đó với khách hàng Việt. Tất cả là tại vấn đề giá cả.

“Là một nhà sáng lập và trước hết là một nhà khoa học, tôi luôn muốn mang đến những dịch vụ/sản phẩm tốt nhất cho người dùng. Nhưng, hiện tại thị trường Việt Nam lại chưa đủ khả năng để có thể mua chúng. Đơn cử, trong thời gian đầu, có rất nhiều khách hàng đến với chúng tôi và ai cũng trầm trồ khi nghe đến những gì chúng tôi có thể cung cấp cho người dùng; nhưng sau đó hầu hết họ đều lẳng lặng bỏ đi, chỉ khoảng 20% trong đó là ở lại mua hàng.

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi biết lý do mà hầu hết khách hàng không mua dịch vụ: bởi họ chưa đủ khả năng để chi trả cho chúng. Mặc dù sản phẩm mà chúng tôi cung cấp nổi trội hơn các đối thủ, song mức giá mà chúng tôi đưa ra cũng cao hơn và chỉ phù hợp với khả năng một số ít người.

Thế nên, để nhanh chóng mở rộng thị trường cũng như thu hút nhiều khách hàng hơn, không còn cách nào khác Genetica buộc phải hạ giá thành sản phẩm/dịch vụ. Nên bài toán hóc búa mà tôi phải đối mặt là làm sao có thể đưa ra mức giá mà nhiều người Việt có thể chấp nhận song vẫn phải giữ được chất lượng ‘chuẩn Mỹ’ của Genetica”, founder Cao Anh Tuấn kể.

Tuy nhiên, founder này vẫn tin là nhanh thôi, thị trường Việt Nam sẽ đủ lớn và trưởng thành, khi đó người dân Việt Nam sẽ ưu tiên nhìn vào chất lượng sản phẩm/dịch vụ thay vì nhìn vào giá đầu tiên như hiện tại.

Mặc dù hiện tại, Genetica vẫn chưa tiến hành gọi vốn, nhưng với những thành tựu họ đang có cùng nền tảng xịn sò của Cao Anh Tuấn, khả năng thành công của startup này sẽ rất cao.