Ngành đường sắt khó nắm bắt cơ hội lớn nếu không đổi mới

Nhật Hạ - 14:04, 24/12/2021

TheLEADERVận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế giữa Việt Nam – Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á thời gian qua rất phát triển. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành đường sắt.

Ngành đường sắt khó nắm bắt cơ hội lớn nếu không đổi mới
Thu nhập bình quân người lao động của ngành đường sắt là 7,2 triệu đồng/ tháng.

Giống nhiều lĩnh vực khác, Covid-19 khiến ngành đường sắt cũng chịu nhiều tác động tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh trong năm nay.

Để bù đắt sụt giảm doanh thu từ vận chuyển hành khách, đường sắt đã đẩy mạnh đường sắt đẩy mạnh vận chuyển hàng hoá liên vận quốc tế.

Tuy vậy, với cách tổ chức vận tải vẫn tiếp cận theo hướng cũ như hiện nay, đường sắt sẽ không phát triển được. “Nên mô hình vận tải hàng hóa cần xem lại”, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông.

Đặc biệt, hiện nay, ngành đường sắt đang đối mặt với cơ hội rất lớn. Khi vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế giữa Việt Nam – Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á thời gian qua rất phát triển.

Cùng với đó, đối với tình trạng ùn tắc hàng hóa, xe container tắc nghẽn ở các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc thời gian qua, nếu có vận tải hàng hóa đường sắt thì sẽ quyết được rất lớn, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, đến 21/12, tổng lượng hàng tồn tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc là khoảng 6.200 container, riêng tại cửa khẩu Lạng Sơn là hơn 4.400 xe.

Đi cùng với cơ hội, thách thức đối với ngành này cũng không nhỏ khi sắp tới đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đi vào hoạt động, xe chạy 100 km/giờ, trong khi đường sắt vẫn mấy chục km/giờ, lại qua nhiều đường ngang, khu dân cư thì không thể cạnh tranh được, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết.

Do đó, nhấn mạnh “đường sắt không thể như thế này mãi, dứt khoát phải hiện đại hóa”, tại cuộc họp ngày 23/12, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng lãnh đạo ngành đường sắt phải đổi mới tư duy, chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách, có các giải pháp đột phá, cách làm mới để đưa ngành đường sắt phát triển hơn trong thời gian tới.

Hiện nay, hạ tầng đường sắt còn nhiều hạn chế, mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa được đầu tư tương xứng. Thu nhập bình quân của người lao động còn thấp.

Muốn vượt qua khó khăn thì cần sự hỗ trợ, Phó thủ tướng nêu rõ, “Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hiện đại hoá ngành đường sắt”.

Ngành đường sắt Việt khó nắm bắt cơ hội lớn nếu không đổi mới
Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 23/12. Ảnh: Đức Tuân

Cùng với đó, ông yêu cầu Tổng công ty Đường sắt xây dựng phương án sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp để “biến nguy thành cơ, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển”, Phó Thủ tướng cho rằng, cần linh hoạt chuyển đổi, phát huy tối đa lợi thế về vận tải hàng hóa so với các phương thức vận tải khác.

Về dài hạn, ngành phải tập trung hơn nữa cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó chú ý bảo dưỡng và đầu tư mới, đầu tư đến đâu dứt điểm đến đó.

"Để hiện đại hóa ngành đường sắt đòi hỏi rất lớn về nguồn vốn, bởi cần đầu tư đồng bộ cả hệ thống, không thể đầu tư hiện đại hóa từng phần", Phó thủ tướng cho biết, và lưu ý Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên bố trí vốn. Đây sẽ được coi là "vốn mồi, dẫn dắt" thu hút nguồn lực vào lĩnh vực này.

Ngành đường sắt, hiện có hơn 21.300 lao động, với các tuyến đường sắt đã được xây dựng, đưa vào sử dụng từ 50 đến trên 140 năm.

Năm 2021, vận chuyển hành khách sụt giảm mạnh, đạt 1,4 triệu lượt, xấp xỉ 37% so với cùng kỳ. Nhưng vận chuyển hàng hoá lại tăng trên 10%, đạt 5,6 triệu tấn khi tập trung vào việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyên tuyến, tăng tỉ trọng vận tải hóa bằng container và đẩy mạnh vận chuyển hàng liên vận quốc tế giữa Việt Nam-Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á.

Bên cạnh đó, trong năm nay, tổng công ty đã đưa vào khai thác sản phẩm dịch vụ mới là đoàn tàu container liên vận quốc tế chạy thẳng châu Âu.

Doanh thu trực tiếp từ vận tải đem về cho Tổng công ty Đường sắt 2.600 tỷ đồng. Tổng công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất năm nay 6.290 tỷ đồng, giảm gần 5% so với 2020.

Thu nhập bình quân người lao động là 7,2 triệu đồng/tháng, giảm 16% so với 2020, trong đó thu nhập khối vận tải là 5,6 triệu đồng, bằng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây, ngày 22/12, sau khi xem xét đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Chính phủ đã có văn bản không đồng ý nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành (DMU) chạy trên đường sắt đã qua sử dụng tuổi thọ 40 năm của Nhật Bản.

Nhằm phát huy vai trò của hệ thống đường sắt trong ngành dịch vụ logistics, đầu tháng 11/2021, Bộ Giao thông vận tải đã công bố quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030 thực hiện cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả 7 tuyến đường sắt hiện có; quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362 km. Đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km.

Riêng giai đoạn đến 2030, nghiên cứu triển khai kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. 

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,4% (trong đó đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%)…