Nguồn tăng trưởng giúp Việt Nam xoa dịu thách thức 2023

Kiều Mai - 15:10, 06/02/2023

TheLEADERBất chấp tình hình thương mại đang chậm lại, vẫn có những yếu tố giữ cho nền kinh tế Việt Nam vững vàng. Du lịch sẽ là một ngành then chốt trong năm 2023, HSBC nhận định trong báo cáo mới đây.

Kỳ vọng cú hích khi Trung Quốc mở cửa

Sau thành tích tăng trưởng ấn tượng năm 2023, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là những khó khăn thương mại vốn đã thể hiện rõ tác động.

Dù vậy, Việt Nam vẫn còn khả năng trụ vững, và một nguồn tăng trưởng chính sẽ đến từ du lịch, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á, khối Nghiên cứu kinh tế HSBC, nhận định.

Sau khi Việt Nam mở cửa trở lại vào tháng 3 năm ngoái, du lịch nội địa đã phục hồi mạnh mẽ, giúp Việt Nam dễ dàng vượt qua mục tiêu 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022, và thực tế đạt được trên 100 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Trong khi đó, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022, chủ yếu là du khách đến từ Hàn Quốc (26%) và Mỹ (9%). Tuy nhiên, du lịch quốc tế mới chỉ phục hồi phần nào chứ chưa hẳn là hoàn toàn, với lượng khách du lịch chỉ bằng 20% so với mức của năm 2019.

Điều đó càng nhấn mạnh tiềm năng đáng kể để mảng dịch vụ tiếp tục phát triển trong bối cảnh nhu cầu thương mại hàng hóa toàn cầu chậm lại.

Tin vui là Trung Quốc – nguồn khách du lịch lớn nhất cho Việt Nam trước đại dịch, gần đây cũng đã bắt đầu quá trình mở cửa trở lại, tạo thêm thuận lợi cho ngành du lịch đang phát triển mạnh của Việt Nam.

Nguồn tăng trưởng giúp Việt Nam xoa dịu thách thức 2023

Mặc dù quá trình phục hồi có thể diễn ra từ từ, nhưng tác động đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn xét trên nhiều phương diện, vị chuyên gia của HSBC nhận định.

Ví dụ, trước đây, trung bình khách du lịch Trung Quốc đã chi tiêu nhiều hơn và ở lại lâu hơn so với hầu hết khách du lịch châu Á, mặc dù thấp hơn so với khách du lịch châu Âu và Mỹ.

Với tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (30%), Việt Nam có thể cũng sẽ là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận “cú hích” từ sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc.

“Nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, chúng tôi tin rằng tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc đạt 50 – 80% so với mức trước đại dịch (3 triệu đến 4,5 triệu) là một mục tiêu trong tầm với của Việt Nam”, bà Yun Liu đánh giá.

Nguồn tăng trưởng giúp Việt Nam xoa dịu thách thức 2023 1
Du khách nước nào chi tiêu và ở lại? Thống kê về hành vi của du khách đến từ các thị trường chính năm 2019.

Việt Nam cần làm gì?

Bên cạnh việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, Việt Nam còn có những “cú hích” khả dĩ khác.

Trước hết, việc khai thác thêm các thị trường mới sẽ là một vấn đề trọng tâm, với nhiều sáng kiến khác nhau như thực hiện các chương trình giới thiệu quảng bá du lịch, để mở đường tiếp cận các thị trường mới nổi như Ấn Độ - một quốc gia có dấu ấn ngày càng tăng trong ngành du lịch quốc tế của Việt Nam.

Đơn cử, tháng 9 vừa qua, Vietjet đã bắt đầu khai thác các đường bay giữa đảo nghỉ dưỡng Phú Quốc với New Delhi và Mumbai của Ấn Độ. Các đường bay khác cũng đã khai trương nhằm kết nối các thành phố lớn của hai nước. Việc đi lại dễ dàng hơn cũng tạo điều kiện cho kết nối du lịch sâu rộng hơn, khi khách du lịch Ấn Độ chiếm 4% tổng số du khách của Việt Nam trong năm 2022, tăng từ mức chỉ 1% vào năm 2019.

Để tăng sức hấp dẫn với tư cách một điểm đến du lịch, Việt Nam đang xem xét nới lỏng thêm chính sách thị thực. Hiện tại, Việt Nam không miễn thị thực cho các thị trường lớn bao gồm Trung Quốc, Mỹ và Úc, còn các nước châu Âu được miễn thị thực nhưng thời hạn lưu trú chỉ được 15 ngày.

Nguồn tăng trưởng giúp Việt Nam xoa dịu thách thức 2023 2
Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á, khối Nghiên cứu kinh tế HSBC.

Rõ ràng, so với các quốc gia khác, việc tiếp cận chế độ miễn thị thực vẫn còn tương đối chặt chẽ ở Việt Nam. Tình hình này có thể sẽ thay đổi, khi Việt Nam đang cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày, và triển khai cấp thị thực điện tử cho công dân đến từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Một cách khác để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch không chỉ ở cải thiện cơ sở hạ tầng truyền thống, mà còn là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bà Yun Liu khuyến nghị.

Du lịch thể thao, một phân khúc du lịch nằm trong tầm nhìn ngành du lịch của Tổng cục Du lịch, cũng có thể giúp thu hút du khách thuộc nhóm có mức chi tiêu cao.

Chẳng hạn, Hà Nội đã và đang hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch golf. Thị trường còn tương đối non trẻ, đồng nghĩa với tiềm năng còn nhiều cơ hội để cải thiện về tổ chức tour trọn gói, và sự phối hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, đây là một cơ hội tốt khi mà số lượng sân golf ở Việt Nam được dự đoán có thể tăng gấp đôi lên 200 vào năm 2025. Cùng với các phân khúc khác đã được khoanh vùng như du lịch y tế và nông nghiệp, các dự án phát triển liên quan sẽ đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ thu hút sự quan tâm của thế giới đối với du lịch Việt Nam, chuyên gia HSBC nhận định.

Mức độ phát triển các cơ sở vật chất phục vụ du lịch nói chung cũng rất đáng khích lệ. Đặc biệt, nguồn cung cơ sở lưu trú cao cấp tiếp tục tăng trưởng với số lượng cơ sở tiêu chuẩn 4 – 5 sao tăng bình quân 12%/năm trước đại dịch, theo Tổng cục Du lịch. Sau đại dịch, một số chuỗi khách sạn toàn cầu đang tìm cách tích cực mở thêm cơ sở mới tại Việt Nam, phản ánh sức hấp dẫn của Việt Nam trong các lĩnh vực khác chứ không chỉ trong sản xuất.

“Với tham vọng tầm quốc gia và các dự án phát triển khác nhau đang diễn ra, về cơ bản, triển vọng ngành du lịch quốc tế của Việt Nam vẫn tích cực”, bà Yun Liu đánh giá.