Nguy cơ mắc kẹt hàng trăm tỷ USD tại các dự án khí đốt mới

Nhật Minh - 15:54, 27/10/2021

TheLEADERKế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng khí đốt ở châu Á trị giá gần 400 tỷ USD có nguy cơ thành tài sản mắc kẹt khi thế giới quay lưng lại với nhiên liệu hóa thạch.

Hàng trăm tỷ USD đổ vào khí đốt châu Á

Trong bối cảnh các nhà hoạch định châu Á ngày càng rời xa than đá để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng của khu vực, khí đốt đã được đón nhận rộng rãi như một giải pháp thay thế tất yếu cả về kinh tế và môi trường.

Dựa trên cơ sở lý luận đó, các dự án cơ sở hạ tầng khí mới, bao gồm đường ống, cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt, đã nhanh chóng được nâng cấp trên toàn khu vực.

Có tới hơn $379 tỷ vốn đầu tư cho các dự án đang trong giai đoạn xây dựng hoặc tiền xây dựng tính đến tháng 6/2021, theo dữ liệu từ Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM). Con số này bao gồm 189 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng các nhà máy điện khí mới, 54 tỷ USD vào đường ống dẫn khí và 136 tỷ USD vào các cảng xuất nhập khẩu.

Châu Á hiện là nơi có gần 3/4 tổng công suất nhập khẩu LNG đang được phát triển, và điều này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thương mại khí đốt toàn cầu.

Dữ liệu từ GEM cho thấy có khoảng 320GW từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt đang được phát triển trên khắp châu Á, bao gồm các dự án đang được đề xuất hoặc đang xây dựng.

Mức công suất trên sẽ giúp tăng gần gấp đôi công suất điện khí trong khu vực, tương đương bằng lượng của châu Âu và Nga cộng lại, cũng như giúp gia tăng thêm 1/5 công suất trên toàn cầu.

Trung Quốc là quốc gia chiếm ưu thế về đầu tư điện khí theo kế hoạch, chiếm 131 tỷ USD. Ngoài ra, các dự án đầu tư mở rộng khí đốt lớn nhất được lên kế hoạch ở Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và Bangladesh.

Tại Việt Nam, khoản đầu tư được đề xuất đặc biệt lớn với tổng giá trị ước tính gần 60 tỷ USD vừa là kết quả của sự gia tăng dự kiến về nhu cầu điện, và mức độ quan tâm cao của chính phủ và ngành công nghiệp trong việc xây dựng các dự án khí đốt mới.

GEM nhận định những con số này có thể phát triển với việc công bố kế hoạch phát triển điện mới sắp tới. Đáng chú ý, chưa đến 1% các khoản đầu tư theo kế hoạch của Việt Nam thực sự là vào các dự án đã đến giai đoạn xây dựng.

Nguy cơ mắc kẹt hàng trăm tỷ USD tại các dự án khí đốt mới
Đầu tư có kế hoạch cho cơ sở hạ tầng khí đốt ở châu Á tính đến tháng 6/2021 (Tỷ USD).

Ván cược đầy rủi ro

Robert Rozansky, tác giả của báo cáo mới đây từ GEM, đánh giá: “Việc xây dựng các dự án khí đốt được đề xuất của châu Á là một ván cược 379 tỷ USD đầy rủi ro”.

Theo đó, nếu được xây dựng, hệ thống cơ sở hạ tầng khí đốt mới này có thể đe dọa nỗ lực của các nước châu Á nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng không.

Không chỉ vậy, khi giá LNG tiếp tục ở mức cao và thị trường tiếp tục biến động mạnh, nhiều dự án đã được lên kế hoạch ở châu Á sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng và có thể phát sinh chi phí lớn cho nhà nước trong việc cho các dự án ngừng hoạt động.

Theo Ted Nace, Giám đốc điều hành của GEM, lượng phát thải từ các dự án khí đốt hiện tại đã quá lớn để thế giới có ít nhất 50% cơ hội hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Nếu được xây dựng, các dự án khí đốt mới ở châu Á này sẽ phát sinh khí thải trong nhiều thập kỷ, và làm trầm trọng thêm các tác động lâu dài của biến đổi khí hậu.

Xét về mặt kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng khí mang đến rủi ro tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực điện, khi chi phí cho năng lượng tái tạo đang giảm nhanh chóng, với mức giảm hơn 90% kể từ năm 2009. Theo đó, giả định khí đốt là lựa chọn hiệu quả về chi phí và đáng tin cậy nhất để sản xuất điện khi xây dựng các kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới không còn đúng nữa.

“Cơ sở hạ tầng khí đốt đắt tiền và tồn tại lâu dài. Tài sản thường tốn hàng tỷ USD và hoạt động trong nhiều thập kỷ. Nếu được xây dựng, nhiều dự án có thể sẽ không cạnh tranh được với năng lượng tái tạo ngay cả khi chúng chưa hoàn thành”, GEM lưu ý.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng khí đốt cũng tiềm ẩn rủi ro do biến động giá khí đốt, các vấn đề an ninh và khả năng nó sẽ không còn tồn tại trong một thế giới ngày càng có lượng carbon thấp.