Ông Hoàng Nam Tiến: Dữ liệu phải biết kể chuyện

Việt Hưng - 13:39, 06/04/2024

TheLEADERDữ liệu ngày nay phải biết "kể chuyện", nghĩa là hướng tới hành động cụ thể, thay vì chỉ là những con số không có định hướng, từ đó giúp doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả hơn.

Quan điểm này được ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường FPT đưa ra tại một hội thảo trực tuyến gần đây khi ông nhấn mạnh dữ liệu sẽ giúp doanh nghiệp đi nhanh hơn các đối thủ cùng ngành trong bối cảnh mới.

Điều này phù hợp với chiến lược "lấy khách hàng làm trung tâm" đã được nhiều doanh nghiệp công bố gần đây. Bởi phải có dữ liệu, doanh nghiệp mới có thể hiểu thấu được khách hàng, từ đó làm khách hàng hài lòng và mang lại doanh thu.

Tất nhiên, lãnh đạo trường FPT cũng lưu ý, quản trị dữ liệu được ông nhắc tới không đơn thuần là các bảng excel với tên, địa chỉ, quê quán, hay số điện thoại khách hàng...

Quản trị dữ liệu theo ông Hoàng Nam Tiến là một chiến lược xuyên suốt các phòng ban trong doanh nghiệp, phải được thu thập bằng công nghệ, thay vì bằng tay. Và hơn hết, dữ liệu này phải biết "kể chuyện" - có nghĩa là hướng tới hành động cụ thể, thay vì chỉ là những con số không có định hướng.

"Không nhất thiết phải làm gà mới biết nước sôi là nóng, không nhất thiết có kinh nghiệm, trải nghiệm mới có được tri thức, kiến thức. Chúng ta cần dữ liệu để hiểu thấu được khách hàng và công nghệ có thể làm được điều đó, nhưng quan trọng là lựa chọn đúng công nghệ, phần mềm từ các nhà cung cấp", ông Tiến nói.

Ông Hoàng Nam Tiến: Dữ liệu phải biết kể chuyện
Ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng trường FPT - Ảnh: Mai Phương

Đồng quan điểm, ông Lê Thiết Bảo - Giám đốc tăng trưởng của TARA đã chia sẻ câu chuyện của một doanh nghiệp trước khi chuyển đổi số, đó là việc tin nhắn, email công việc thường xuyên bị trôi vì số lượng quá nhiều.

Để phê duyệt được một tờ trình, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức, trong khi nhân viên mới thì "bơi" trong rất nhiều quy trình, quy định của công ty, số liệu thì phải chờ lấy từ bảng excel…

Do đó, theo ông Bảo, chỉ có chuyển đổi số mới giúp doanh nghiệp giải quyết được những bài toán này, đồng nghĩa, một doanh nghiệp phải chấp nhận từ "tập làm văn" sang "tập làm toán".

Các giai đoạn của chuyển đổi số theo lãnh đạo TARA bao gồm: số hóa - đưa hết các giấy tờ, quy trình lên các nền tảng số; tiếp theo là khai thác cơ hội số - tận dụng công nghệ để tối ưu, giảm thiểu quy trình và tạo ra được dữ liệu, phục vụ cho các hoạt động vận hành.

Nếu làm được những điều, ông Bảo cho rằng, nhà quản trị trong tương lai sẽ rất "nhàn", khi mọi quyết định đưa ra đều dựa trên việc phân tích khoa học các con số, giảm sự sai sót do con người gây ra, dễ dàng đo đếm được năng suất, từ đó tăng trải nghiệm và độ hài lòng khách hàng.

Tất nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý về những thách thức trong quá trình doanh nghiệp chuyển đổi số, khi chưa biết sử dụng giải pháp gì, đầu tư bao nhiêu là đủ, vượt qua rào cản con người như thế nào..

"Không có con đường nào chắc chắn sẽ thành công nhưng con đường không đi theo thời đại thì chắc chắn sẽ thất bại", ông Bảo nói.

Ông Hoàng Nam Tiến: Dữ liệu phải biết kể chuyện 1
Dữ liệu đang được ví như vàng thô trong doanh nghiệp - Ảnh: Bluecore

Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước chuyển đổi lên nền kinh tế số, dữ liệu được các chuyên gia ví như "vàng thô" của mỗi doanh nghiệp.

Sở dĩ dữ liệu được ví như vàng vì đây chính là cột sống kết nối tất cả các cấu thành trong một doanh nghiệp, từ đó giúp thúc đẩy vận hành, kinh doanh, lẫn tối ưu chi phí.

Quan trọng hơn, thông qua những dữ liệu được cập nhật nhanh chóng, kịp thời, các nhà quản trị sẽ có được bức tranh toàn cảnh về sức khỏe doanh nghiệp, cũng như dễ dàng đưa ra được quyết định mỗi khi cần thiết.

Tuy nhiên, có một thực tế ở Việt Nam là phần lớn dữ liệu trong doanh nghiệp đang phân mảnh và thiếu kết nối. Ông Nguyễn Hữu Đức - đồng sáng lập và CEO startup Bluecore cho hay, chưa tới 10% các doanh nghiệp có thể tận dụng và khai thác dữ liệu hiệu quả.

Nguyên nhân là các đơn vị đã ứng dụng dữ liệu vào hoạt động kinh doanh, quản trị phần đông rơi vào khối các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính vững mạnh.

Trong khi đó, ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, các SMEs, chủ doanh nghiệp hầu như "mù mờ", không có được bức tranh sức khỏe doanh nghiệp một cách kịp thời, do thiếu những ứng dụng về dữ liệu.

"Với doanh nghiệp, một tệp Excel cũng là dữ liệu. Một tệp Google Sheet cũng là dữ liệu. Nhưng nhiều doanh nghiệp lại chưa biết cách biến dữ liệu thành lợi thế cạnh tranh, do chủ doanh nghiệp chưa có công cụ đủ mạnh để làm tính toán với dữ liệu", ông Đức nói.