Việt Nam đã bán được tín chỉ carbon chưa?

Phạm Sơn - 09:00, 06/04/2024

TheLEADERViệt Nam chưa bán được tín chỉ carbon rừng do chưa có quy hoạch thực hiện cam kết quốc gia tự nguyện. Tuy nhiên, nhiều dự án tín chỉ carbon đã được triển khai, đem lại nguồn lợi lớn cho nhà đầu tư.

Việt Nam đã bán được tín chỉ carbon chưa?
Một số dự án thủy điện ở Việt Nam đã bán tín chỉ carbon từ cách đây cả chục năm. Ảnh: Hoàng Anh

Sở hữu diện tích rừng lớn, có nhiều tiềm năng giảm phát thải nhưng Việt Nam chưa thể bán được tín chỉ carbon rừng, theo ông Hoàng Anh Dũng, CEO Công ty Intraco, cha đẻ của nhiều dự án tạo tín chỉ carbon khu vực Đông Nam Á.

Ông Dũng lý giải, điều này là do Việt Nam chưa công bố quy hoạch giảm phát thải. Tức là, chưa rõ diện tích rừng nào có nằm trong quy hoạch thực hiện cam kết quốc gia tự nguyện (NDC) của Việt Nam hay không.

Một dự án giảm phát thải từ rừng, nếu muốn chuyển nhượng tín chỉ carbon, bắt buộc phải nằm ngoài diện tích đóng góp vào NDC, để tránh lượng phát thải carbon giảm thiểu được tính hai lần.

Nói cách khác, dự án Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyển nhượng hơn 10 triệu tấn khí thải carbon giảm thiểu được cho Ngân hàng Thế giới (WB), thông qua Thỏa thuận chi trả lượng giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) chưa được coi là dự án bán tín chỉ carbon, dù phía WB giới thiệu rằng đây là dự án giao dịch tín chỉ.

Cụ thể, theo thỏa thuận ERPA, Việt Nam cam kết giảm tối thiểu 3,3 triệu tấn và tối đa 10,3 triệu tấn khí thải carbon tại sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, đơn giá 5 USD cho mỗi tấn carbon giảm thiểu được. Số tiền này được sử dụng để chi trả cho hoạt động trồng, phục hồi và bảo vệ rừng ở sáu địa phương.

Lượng carbon sẽ được phân bổ thành hai gói là gói A (Tranche A) và gói B (Tranche B) theo tỷ lệ tương ứng là 5:95. Trong đó, phần được chia vào gói B, tức 95% tổng lượng giảm khí thải của dự án, sẽ được trả về cho Việt Nam thực hiện cam kết quốc gia tự nguyện (NDC).

Ông Dũng cho biết, chi trả mức giảm phát thải theo dự án ERPA không thể coi là giao dịch tín chỉ carbon mà chỉ được coi là việc WB viện trợ cho Việt Nam để giảm phát thải.

Tiền viện trợ này thực tế đến từ cam kết quốc tế tại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, theo đó các nước giàu cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển để chống biến đổi khí hậu. Cam kết này dù đưa ra gần chục năm nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.

Thông tin này được đưa ra có thể khiến công chúng thất vọng vì tưởng chừng tín chỉ carbon đã đến gần nhưng hóa ra vẫn còn cách xa. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều dự án thương mại hóa thành công tín chỉ carbon.

Thương vụ liên quan đến tín chỉ carbon đầu tiên phải kể đến là dự án thu hồi khí đồng hành tại mỏ Rạng Đông.

Khí đồng hành là một loại khí hỗn hợp tồn tại tự nhiên cùng với dầu mỏ. Hình ảnh quen thuộc về ngọn lửa cháy rực ngày đêm ở các mỏ khai thác dầu chính là xuất phát từ việc đốt bỏ khí đồng hành.

Loại khí này có rất nhiều tác dụng, có thể kể đến như được xử lý để sản xuất khí hóa lỏng (LPG), dung môi pha xăng hay làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân đạm. Do đó, kể từ năm 1997, Việt Nam đã bắt đầu thu hồi khí đồng hành làm đầu vào cho sản xuất.

Dự án thu hồi và sử dụng khí đồng hành tại mỏ Rạng Đông là dự án đầu tiên của Việt Nam được chứng nhận cơ chế phát triển sạch (CDM) theo Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Sản phẩm giảm phát thải của các dự án CDM, theo nghị định thư Kyoto, là chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính (CERs), hình thức đầu tiên của tín chỉ carbon.

Năm 2010, CERs của Rạng Đông được bán đấu giá thành công cho một doanh nghiệp đến từ Thụy Sĩ, với đơn giá 13,5 EUR. Thương vụ này đem về cho nhà đầu tư dự án là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) khoảng 5 triệu EUR.

Đến năm 2011, Việt Nam có đến gần 80 dự án bán CERs cho đối tác ở các quốc gia phát triển, bao gồm một số dự án năng lượng như Thủy điện Đồng Nai 2 hay Thủy điện Trung Nam, với đơn giá từ 8 - 16 USD/CER.

Tính đến năm 2020, Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về số lượng các dự án CDM. Bên cạnh đó, nhiều dự án trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện cũng được triển khai, có thể kể đến như Chương trình khí sinh học ngành chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020 được Gold Standard chứng nhận.

Ông Dũng và công ty Intraco, như đã giới thiệu ở trên, đã và đang vận hành nhiều dự án tạo tín chỉ carbon. Trong đó, nổi tiếng nhất là Chương trình bếp sạch Việt Nam và Chương trình cung cấp nước uống an toàn cho người dân, giảm khí thải thông qua tối ưu hóa đốt củi và giảm nhu cầu đun nước của bà con vùng sâu vùng xa, thu được hơn 1 triệu tín chỉ carbon và chuyển nhượng cho Citigroup.

Theo kế hoạch của Chính phủ, Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia kể từ năm 2025 và chính thức vận hành vào năm 2027.