Phát triển bền vững - Mối liên hệ hữu cơ giữa nền kinh tế và doanh nghiệp

Phạm Phú Ngọc Trai - 06:40, 08/08/2017

TheLEADERĐã có nhiều ví dụ cho thấy, những công ty đã bị giảm độ tăng trưởng, hoặc rơi vào khủng hoảng bởi sự phát triển thiếu bền vững của họ...trong đó có các vấn đề về luật pháp, xã hội, môi trường....

Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm có trên 5.440 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, hơn 37.900 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, như vậy, tổng cộng đã có 43.350 doanh nghiệp buộc phải đóng cửa trong 6 tháng qua, bình quân mỗi tháng gần 7.300 doanh nghiệp. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 61.300 doanh nghiệp, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động từ đầu năm đến nay gần 15.380 đơn vị.

Riêng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng start-up thành công ở nước ta là rất nhỏ so với số lượng start-up đang triển khai, chỉ có khoảng 10% start-up tồn tại trong giai đoạn đầu, 30% thất bại phải sớm đóng cửa, còn lại 60% là các start-up “sống dở chết dở” doanh thu chỉ vừa đủ bù vào chi phí hoạt động.

Việc nhiều doanh nghiệp không thể trụ nổi trên thị trường cho thấy, kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng, kinh doanh thành công và bền vững lại là một thách thức cực kỳ to lớn.

Với hiện trạng này, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp cho đến năm 2020 của Chính phủ nhằm đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, liệu rằng có khả thi?

Mối liên hệ mang tính chất hữu cơ giữa chất lượng doanh nghiệp và môi trường kinh doanh hiện nay vẫn là những thách thức to lớn cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế và của doanh nghiệp.

Nỗ lực để tạo một môi trường kinh doanh minh bạch và thông thoáng từ một chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động là một sự cam kết, chứ không chỉ còn là lời hứa... Đó là sự mong đợi của toàn xã hội và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy, doanh nghiệp cần phải thay đổi cách làm ăn như thế nào để tự mình có thể tồn tại và phát triển bền vững cả về lượng và về chất... Làm thế nào để con số doanh nghiệp buộc phải đóng cửa giải thể kinh doanh ngày càng thu hẹp lại cùng với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đóng góp hơn 50% vào GDP của cả nền kinh tế trong thời gian tới đây...

Số doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ tồn tại, phát triển, đồng thời tăng dần số lượng doanh nghiệp tư nhân đạt “chất lượng quốc tế’ đủ tiềm lực để hội nhập và dẫn dắt nền kinh tế của đất nước ...

Không có nguồn lực nào trong khởi nghiệp mạnh hơn nguồn lực của cả Quốc gia và cộng động và gắn liền với tinh thần quốc gia...

Sự thách thức về năng lực canh tranh của doanh nghiệp tư nhân đối với nền kinh tế cho thấy sự liên kết các doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị để phát triển bền vững vẫn còn lúng túng, chưa có lời giải đáp thoả đáng. Sự hội nhập sâu rộng hiện nay đã tạo ra cơ hội và cũng là rủi ro to lớn trong quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Một ví dụ trong ngành chăn nuôi của Việt Nam:

Do chính sách hạn điền, hệ quả của chính sách dân tuý trong hội nhập, mô hình nhỏ lẻ, phân mảnh của sản xuất đạm động vật đã khiến hiệu quả chăn nuôi nước ta thấp, người chăn nuôi ở Việt Nam cần bình quân 3,5-4,0 kg thức ăn để sản xuất được 1 kg thịt lợn, so với mức 2,5 kg tại Mỹ. 

Kết quả là người tiêu dùng Việt Nam phải trả mức giá gấp rưỡi hoặc gấp đôi cho các sản phẩm thịt so với Mỹ trong khi mức thu nhập trung bình chỉ bằng 10% của người Mỹ. Năng lực cải cách, đổi mới sáng tạo, nâng cấp công nghệ gặp nhiều hạn chế. 

Cơ chế hành chính cấp vốn nghiên cứu manh mún, mối liên hệ hợp tác giữa các viện nghiên cứu, các thể chế và doanh nghiệp tư nhân vẫn còn yếu. Hơn nữa, người nông dân vẫn còn mang nặng tư tưởng chỉ biết “trên luống cày của mình”, gây ra sự hạn chế rất lớn trong phát triển nông nghiệp.

Dẫu biết rằng thay đổi thì cần có thời gian, nhưng đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp hướng đến sự phát triển lớn mạnh bền vững vượt ra khỏi những tư tưởng còn bảo thủ, mạnh dạn và quyết tâm áp dụng những mô hình chăn nuôi tiên tiến, nhằm cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm nuôi trồng và đặc biệt là nâng cao thu nhập của lao động trong ngành nông nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ cao, cơ cấu lại cách thức tổ chức chuỗi sản xuất để phát huy hiệu quả kinh tế về quy mô, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tiến đến mô hình khép kín để mang lại lợi ích cao nhất cho người tiêu dùng. 

Người Việt Nam không những được hưởng lợi từ mức giá thấp hơn, mà các sản phẩm đạm động vật còn được bảo đảm chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc.

Một ví dụ khác...

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5, mức vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) đạt hơn 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 23,5% so với cuối năm 2016, tương đương 53% GDP.

TTCK Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng lên mới nổi, đây sẽ là một bước thay đổi rất quan trọng về “chất” và vị thế thị trường Việt Nam. Mục tiêu đặt ra đối với TTCK Việt Nam đến năm 2020 là quy mô thị trường cổ phiếu sẽ tăng gấp đôi hiện nay, đạt khoảng 60% GDP. TTCK Việt Nam sẽ khẳng định vững chắc hơn vai trò huy động, phân bổ vốn trong nền kinh tế bên cạnh kênh ngân hàng; mặt khác sẽ là một công cụ để đầu tư, tích lũy tài sản của người dân.

Tuy nhiên, cũng nên nhìn nhận thẳng thắn: chiến lược phát triển bền vững vẫn luôn là thách thức với tất cả các công ty này, khi mà phần lớn đều có xuất phát điểm từ các doanh nghiệp quốc doanh hoặc các công ty gia đình, với trình độ quản trị còn khoảng cách khá xa so với khu vực và thế giới

Trong bối cảnh hiện nay, uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp luôn được đặt trong sự rủi ro cao của tình hình báo chí trực tuyến và mạng xã hội với tốc độ lan truyền chóng mặt và độ xác đáng về thông tin, các doanh nghiệp dù là non trẻ hay thế hệ "đàn anh” dẫn đầu, cũng đều rất vất vả để đổi phó. 

Đã có nhiều ví dụ cho thấy, những công ty đã bị giảm độ tăng trưởng, hoặc rơi vào khủng hoảng bởi sự phát triển thiếu bền vững của họ... trong đó có các vấn đề về luật pháp, xã hội, môi trường....

Phát triển bền vững – Tạo giá trị chung trong kinh doanh để đi tìm lợi nhuận

Ở một khía cạnh khác, không chỉ riêng ở Việt Nam, thế giới luôn phải đối mặt với những thách thức về xã hội, về môi trường, và về kinh tế trong sự vận động phát triển của mình. Chúng ta luôn luôn phải cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn. 

Theo định nghĩa, "Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thoả mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thoả mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai". Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học.

Là một tế bào của xã hội và môi trường sống, các doanh nghiệp cũng cần phải thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình, khi mà chính phủ và các tổ chức phi chính phủ ở các nước không đủ khả năng và nguồn lực để gánh vác hết các nhiệm vụ giải quyết các khó khăn thách thức do sự phát triển mang lại.

Theo giáo sư Michael E. Porter (trường Kinh doanh Harvard), bên cạnh vai trò tạo ra lợi nhuận kinh doanh, đã có sự chuyển biến lớn trong cách tiếp cận về vai trò của doanh nghiệp trong xã hội. Đó là từ hoạt động từ thiện (tặng tiền cho các mục đích xã hội có ý nghĩa, hoạt động tình nguyện), tới CSR (Corporate Social Responsibility – trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - tuân thủ các chuẩn mực của cộng đồng, là một công dân doanh nghiệp tốt, “bền vững”), đến cách tiếp cận mới nhất là CSV (Creating Shared Value – tạo ra giá trị chung), tức là tích hợp các vấn đề và thách thức xã hội vào quá trình tạo ra giá trị kinh tế của doanh nghiệp.

Theo giáo sư Porter và Kramer của đại học Harvard, có ba cấp độ về CSV, bao gồm:

· Đáp ứng nhu cầu xã hội thông qua các sản phẩm, tiếp cận những khách hàng chưa được phục vụ hoặc chưa được phục vụ tốt;

· Tái định nghĩa “hiệu suất” trong chuỗi giá trị bằng cách sử dụng các nguồn lực, nhà cung cấp, logistics và nhân viên một cách hiệu quả hơn;

· Cải thiện môi trường kinh doanh địa phương bằng cách cải thiện kỹ năng, nền tảng cung ứng, môi trường pháp lý và hỗ trợ các tổ chức trong cộng đồng mà doanh nghiệp hoạt động.

CSV mở ra cách tiếp cận mới về tạo giá trị trong kinh doanh bền vững

Tất nhiên, để làm được điều này, cần có sự ủng hộ và tạo điều kiện rất lớn của nhà nước trong môi trường kinh doanh cuả các doanh nghiệp. Các nguồn lực phải phân bổ một cách công bằng dựa vào những giá trị thực tạo ra từ các thành phần kinh tế.

Hiện nay, chúng ta đang khuyến khích tinh thần quốc gia khởi nghiệp, trong đó mục đích hướng đến không chỉ về số lượng mà phải cả về “chất lượng” của các doanh nghiệp. Chúng ta đang khuyến khích thật nhiều tinh thần khởi nghiệp để tạo ra những giá trị to lớn từ sự đột phá, thì cũng nên khuyến khích một môi trường kinh doanh hướng đến sự bền vững của các doanh nghiệp đã tồn tại và đang phát triển. Chính những tế bào kinh tế này là môi trường kết nối "thị trường" thu hút sự khởi nghiệp.

Không có nguồn lực nào trong khởi nghiệp mạnh hơn nguồn lực của cả Quốc gia và cộng động và gắn liền với tinh thần quốc gia! Luôn có tư duy “muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phát biểu tại một sự kiện về khởi nghiệp gần đây.

Thật không dễ để các bạn trẻ khởi nghiệp có được hoài bão to lớn. Giống như một quốc gia, chấp nhận phụ thuộc vào nước khác để phát triển bằng việc gia công sẽ dễ dàng hơn hơn là một quốc gia độc lập về kinh tế. Các bạn trẻ cũng vậy, đa số chúng ta thường chọn cái gì thuận lợi hơn để khởi nghiệp.

“Nhưng nếu bạn không phải là người dẫn dắt (Leader) mà là người đi theo (Follower), sẽ có những lúc ăn cơm vẫn ngon, vẫn có phương tiện nhưng bản thân mình cảm thấy có điều gì đó nó không phải của mình..." và hơn thế nữa... lúc nào cũng “cảm thấy mình nhỏ bé”!

Chính vì thế, cần có sự liên kết chặt chẽ của những bên có liên quan để tạo ra những người khởi nghiệp có hoài bão, trong đó cần có sự giúp đỡ của cả các bài học của doanh nhân đi trước.

Đây cũng là một cách tiếp cận để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh dựa trên nền tảng của khái niệm CSV – tạo ra giá trị chung.

Chúng ta luôn luôn có sự lựa chọn để tạo ra những giá trị chung từ lợi ích kinh tế, lợi ích của xã hội và lợi ích về môi trường để hành xử trong kinh doanh hướng tới sự thành công bền vững. Do vậy, đã đến lúc chúng ta phải hướng đến sự vĩ đại từ những sự tốt đẹp đang có ngày hôm nay! 

Hướng đến sự “vĩ đại”, có nghĩa là sẽ không chỉ dừng lại ở những mục tiêu kinh doanh vượt bậc về doanh số, thị phần, lợi nhuận,… mà còn là danh tiếng và uy tín của công ty (corporate reputation) qua những giá trị đem lại cho cộng đồng và cho xã hội

Thực tế, chính hành trình xây dựng sự bền vững sẽ tạo động lực cho sự sáng tạo và những đột phá đem đến những giá trị vượt bậc!

Mỗi công ty nên nhìn nhận về cơ hội và các quyết định của mình dựa trên cơ sở của khái niệm chia sẻ giá trị chung. Điều này sẽ dẫn tới những cách tiếp cận mới mẻ nhằm phát kiến ra những sự đổi mới vĩ đại hơn và tăng trưởng cho các công ty, dĩ nhiên là cũng bao gồm những lợi ích tốt đẹp hơn cho xã hội.

Doanh nghiệp sẽ không dừng lại trong việc liên tục xây dựng những thương hiệu sản phẩm ngày càng được ưa chuộng, mà còn là một thương hiệu được mọi người ngưỡng mộ trong nước và đại diện quốc gia tiến ra khu vực và thế giới!

Phạm Phú Ngọc Trai, Nhà sáng lập và Chủ tịch Công ty GIBC