Phí ô tô vào trung tâm: Nhùng nhằng gần 10 năm

Cát Anh - 09:07, 19/10/2017

TheLEADERCâu chuyện thu phí xe ô tô vào khu trung tâm TP.HCM vừa khuấy động dư luận tuần qua. Thực chất, câu chuyện này đã được đề cập nhiều lần, “xa xưa” nhất là năm 2009.

Phí ô tô vào trung tâm: Nhùng nhằng gần 10 năm
Bài toán giảm, chống ùn tắc tại TP. HCM chưa bao giờ hết nan giải. Ảnh: Zing.vn

Tháng 12/2009, UBND TP.HCM có văn bản chấp thuận cho Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong nghiên cứu dự án thu phí xe ô tô vào khu vực trung tâm. Tiên Phong trình dự án, Sở Giao thông Vận tải lấy ý kiến góp ý của các sở ngành. Sau đó, công ty này đã phúc đáp các vấn đề mà các sở ngành thắc mắc, góp ý. Tuy nhiên, dự án nhiều lần được khơi đi khơi lại, đến nay vẫn chưa gút là thực hiện hay không.

Gắn chip, chạy qua cổng tự động trừ tiền

Đã lường trước dư luận

Trong tờ trình mà Sở Giao thông vân tải TP.HCM từng trình UBND Thành phố đã đánh giá “dự án thu phí xe ô tô vào khu trung tâm Thành phố sẽ gây tác động rất lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là người dân sống trong khu vực trung tâm, sẽ gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau”.

Về công nghệ (theo dự án năm 2011), công ty này không xây 35-36 trạm thu phí để bố trí barrie hay nhân viên ngồi thu tiền mặt. Cũng không có chuyện xe ô tô phải dừng lại để trả tiền mặt và qua trạm.

Theo phương án của Công ty Tiên Phong, các cổng thu phí sẽ dùng công nghệ điện tử hiện đại. Thiết bị thu phí (OBU) điện tử gắn trên xe ô tô (kính chắn gió), có liên kết tài khoản ngân hàng để thanh toán phí lưu thông. Khi xe đi ngang qua “cổng” sẽ được thiết bị tại cổng nhận biết và trừ phí trong tài khoản ngân hàng. Cổng thu phí xây dựng bằng kết cấu thép, băng ngang qua đường, kích thước nhỏ gọn, chân cột nằm hai bên vỉa hè.

Thiết bị thu phí này, theo dự án, có giá khoảng 50 USD/OBU. Theo thông tin mà chúng tôi được biết, nhà đầu tư có thể sẽ gắn miễn phí cho xe ô tô. Chủ xe không phải trả tiền trang bị OBU này.

Xe vãng lai, xe quá cảnh không có OBU để trả phí thì sao? Vấn đề này từng được Sở Xây dựng đặt ra. Dự án này có bố trí trạm cung cấp OBU để xe vãng lai, xe quá cảnh, xe các tỉnh… thuê hoặc mua OBU sử dụng ngay khi qua cổng vào khu trung tâm.

Bãi giữ xe ngay cầu Khánh Hội, "cửa ngõ" trước khi vào quận 1 quá nhỏ, chỉ đủ đậu một ít xe máy. Như vậy làm sao có thể cải tạo để đậu xe ô tô. Ảnh: Như Hoa

Giảm xe mà sao thu năm sau cao hơn năm trước?

Góp ý cho dự án thu phí xe ô tô vào khu vực trung tâm, Sở Tài chính TP.HCM đặt vấn đề khá “hóc búa”. Theo dự án, năm thứ nhất thu phí xe ô tô được gần 600 tỷ đồng. Năm thứ hai thu được gần 750 tỷ đồng. Qua các năm đều tăng số thu, cho đến năm thứ 10 thu khoảng 1.320 tỷ đồng! Như vậy cho thấy lượng xe ô tô vào trung tâm Thành phố năm sau cao hơn năm trước, chứ có giảm xe, chống ùn tắc đâu! “Dự án không đạt mục đích chống ùn tắc giao thông cho khu trung tâm. Mục đích thấy rõ nhất là gia tăng thu phí để hoàn vốn và có lãi trong thời gian nhanh nhất”!

Phúc đáp vấn đề này, Công ty Tiên Phong cho rằng, nếu không hạn chế thì trong vòng 5 năm, số xe ô tô trong thành phố sẽ tăng gấp đôi. Nếu thu phí xe ô tô, tốc độ tăng xe ô tô sẽ giảm. Doanh thu tăng trong 5 năm đầu là do ý thức tự giác đóng phí của người đi xe. Mức tăng cao còn do tăng mức phí lên cao nữa.

Chủ xe ở quận 1, 3 đi về nhà cũng tốn phí?

Công an Thành phố có góp ý về việc xe ô tô của người thường trú trong trung tâm, đi ra đi vào nhiều lần trong ngày thì giải quyết thế nào? 

Công ty Tiên Phong cho rằng “tư vấn quốc tế đã nhiều lần khuyến cáo giảm thiểu đối tượng ưu tiên vì sinh ra so đo giữa các đối tượng, giải pháp càng phức tạp, dễ gây tranh cãi, triển khai xử phạt khó khăn tốn kém…”.

Công ty này cũng cho rằng, xe trong trung tâm khi đi ra thì không bị tính phí, chỉ khi đi về mới bị tính. Cũng bù trừ với xe ngoài trung tâm khi đi vào thì bị tính phí, nhưng đi ra để về nhà thì không bị tính phí.

Tuy nhiên, giải thích này của Công ty Tiên Phong (năm 2011) chưa đề cập đến phân biệt nhu cầu vào khu trung tâm. Người ngoài đi vào khu trung tâm không thường xuyên, đi vào là có mục đích mua sắm, dịch vụ, tham quan… Trong khi người quận 1, quận 3 ngày nào cũng đi - về nhà, thậm chí nhiều lần/ngày, ngày nào cũng phải trả “phí vào nhà”.

Khi khơi lại dự án trên, cần có tính toán mức phí khác, cho xe ô tô đăng ký quận 1, quận 3 và dùng giải pháp công nghệ để phân loại xe, thiết bị thu phí (OBU) trên xe gì, để trừ mức phí tương ứng.

Công ty Tiên Phong khởi thủy là Trung tâm CATIC, thành lập năm 1994 bởi một nhóm nhà khoa học trẻ. Công ty này trở thành tập đoàn với 10 công ty thành viên, hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực giải pháp kỹ thuật cao, chuyển giao công nghệ mới.

Với dự án thu phí xe ô tô vào khu trung tâm TP. HCM, Công ty Tiên Phong hợp tác cùng WSP, là một công ty toàn cầu của Anh, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, quản lý môi trường, hạ tầng, vận tải.