Quảng Ninh không tự mãn với 'ngôi vương' PCI

Quỳnh Chi - 10:06, 24/10/2020

TheLEADERDù ba năm liền đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xác định, vẫn còn nhiều dư địa để cải cách và vẫn có thể nâng “chất” nhiều chỉ số thành phần.

Quảng Ninh không tự mãn với 'ngôi vương' PCI
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (áo vest) và các doanh nhân

Tư duy cởi mở, luôn “lắng nghe” người dân và doanh nghiệp dưới nhiều hình thức là một trong những chìa khoá quan trọng để tỉnh Quảng Ninh chuyển mình mạnh mẽ trong suốt 5 năm qua.

Chỉ khiêm tốn xếp hạng thứ 58 vào thời điểm hơn 10 năm trước, Quảng Ninh đã thăng hạng để xếp thứ hai về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, vươn lên dẫn đầu chỉ một năm sau đó và duy trì được “ngôi vương” trong suốt ba năm liền.

Năm 2019, PCI của tỉnh Quảng Ninh đạt 73,4 điểm, tăng 3,04 điểm so với năm trước và là mức cao nhất trên toàn quốc từ trước tới nay. Tám chỉ số tăng điểm gồm: tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Dù đột phá nhiều năm liền nhưng lãnh đạo tỉnh chưa bao giờ “ngủ quên” trên chiến thắng mà luôn xác định còn nhiều dư địa để cải cách. Mặc dù đứng đầu với tổng điểm cao nhưng trong thang điểm 100, dư địa để phát triển vẫn còn nhiều, đòi hỏi tỉnh cần tiếp tục triển khai những giải pháp, cách làm mới và hiệu quả hơn nữa.

Theo đó, trong số 10 chỉ số thành phần của PCI năm 2019, chỉ số đạt điểm cao nhất là tính năng động với 7,96 điểm, khoảng cách còn khá xa so với mức điểm tối đa. Trong khi đó, vào thời điểm năm 2016, điểm số thành phần cao nhất mà Quảng Ninh đạt được lên tới 9,28 điểm ở chỉ số gia nhập thị trường.

Chỉ số gia nhập thị trường cũng là chỉ số bị giảm điểm liên tục trong vòng ba năm Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI. Bên cạnh đó, chỉ số về tiếp cận đất đai cũng là chỉ số bị giảm điểm trong năm vừa qua, từ 7,77 xuống còn 7 điểm.

Ngày 20/2/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 38/KH- UBND nhằm thực hiện nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Trong đó, phân công cụ thể 186 nhiệm vụ cho 35 sở, ngành và 13 địa phương thuộc tỉnh. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các cơ quan đầu mối phụ trách các chỉ số thành phần PCI tích cực triển khai các giải pháp cụ thể, nhất là các cơ quan có các chỉ số thành phần cần tập trung cải thiện nhanh như: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức.

Mặc dù chỉ số về chi phí không chính thức liên tục tăng điểm trong năm vừa qua nhưng vẫn còn ở mức thấp. Cụ thể, năm 2017, điểm thành phần về chi phí không chính thức giảm từ 6,38 (năm 2016) xuống còn 5,79, sau đó tăng dần lên 7,1 điểm trong năm vừa qua.

Ngoài ra, chỉ số về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp có vẻ còn nhiều dư địa cải thiện nhất khi chỉ đạt 6,68 điểm, thấp nhất trong mười chỉ số thành phần của PCI Quảng Ninh 2019.

Quảng Ninh không ngừng nỗ lực nâng cấp chỉ số PCI
Xếp hạng trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh qua các năm

Được các doanh nghiệp đánh giá cao về tính năng động và thời gian giải quyết công việc cũng là một minh chứng cho sự quyết liệt và chủ động của lãnh đạo chính quyền tỉnh, đặc biệt là trong công tác nâng cấp chỉ số PCI.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh từng khẳng định sẽ tiếp tục xây dựng một hệ thống chính trị thực sự đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng và hiệu quả.

Ngay sau khi ghi nhận kết quả PCI hàng năm, Quảng Ninh đã sớm tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu về chỉ số PCI, nhằm tìm ra những điểm mạnh để phát huy và cùng nhìn nhận những điểm còn yếu để tìm cách cải thiện, hướng tới mục tiêu tăng dần tổng điểm qua từng năm. Đó cũng chính là cách gia tăng sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp đối với chính quyền.

Trong hội nghị phân tích chuyên sâu về chỉ số PCI 2019 diễn ra vào cuối tháng 5/2020, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vị trí nhóm dẫn đầu cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh PCI, hướng tới mục tiêu tăng điểm tổng PCI từ 73,40 lên 75,00 điểm trong năm nay. Đối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có tám chỉ số trong nhóm năm tỉnh, thành dẫn đầu; hai chỉ số nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu.

Đáng chú ý, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỷ 2020 – 2025 diễn ra từ ngày 25 - 27/9/2020 với phương châm “đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - đổi mới - phát triển” cũng đã đặt ra mục tiêu hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, thậm chí hàng loạt doanh nghiệp đứng trước bờ phá sản. Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả của Việt Nam đặt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến Việt Nam trở thành một lựa chọn điểm đến khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn mở rộng sản xuất ngoài Trung Quốc.

Nhận thấy tình hình đó, trước hết, tỉnh Quảng Ninh từ đầu năm nay đã liên tục tìm cách lắng nghe doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, vào cuối tháng 8, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc “Quảng Ninh 2020 - Điểm đến đầu tư” với sự tham gia của gần 50 CEO tập đoàn lớn Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam như SK Vietnam, Hyundai Motor, LG International, Lotte.

Quảng Ninh cũng là một trong ba địa phương trên toàn quốc được lựa chọn tham gia Hội thảo trực tuyến “Kết nối Đầu tư Việt Nam - Nhật Bản” với gần 300 doanh nghiệp đến từ xứ sở hoa anh đào tham dự.

Đặc biệt, sau khi kết thúc thành công Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau.

Gần nhất là ngày 22/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà) và khu công nghiệp Hải Yên (thành phố Móng Cái) về tình hình thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tỉnh cũng thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh; phối hợp với bộ phận hỗ trợ Zalo thiết lập và thí điểm vận hành Cổng thông tin Hỗ trợ đầu tư tỉnh trên phần mềm Zalo nhằm đẩy mạnh hơn nữa tính hiệu quả và thực chất của hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp...

Thời gian qua, cùng với triển khai dịch vụ công mức độ 3, Quảng Ninh đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đến nay, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã cung cấp tại tất cả các trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.