Đâu là 'đặc sản' khiến các nhà đầu tư lớn 'phải lòng' Quảng Ninh?

Đặng Hoa - 16:53, 19/01/2019

TheLEADERCó vị trí địa lý hết sức chiến lược cho thu hút đầu tư nhưng đến những năm gần đây, người ta mới thấy Quảng Ninh bứt phá với sự xuất hiện của những doanh nghiệp tầm cỡ trong nước và thế giới nhờ sở hữu một bộ máy chính quyền cầu thị, luôn lắng nghe và không ngừng đổi mới.

Đâu là 'đặc sản' khiến các nhà đầu tư lớn 'phải lòng' Quảng Ninh?
Sự năng động, quyết liệt và cầu thị của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chính là chìa khóa thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới

Trong lần tiếp xúc với một doanh nhân Việt Kiều hoạt động lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao quyết định đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh sau một thời gian dài cân nhắc, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt ra câu hỏi cho vị doanh nhân kia tại sao lại chọn Quảng Ninh bởi hạ tầng để thu hút đầu tư tại đây lúc đó vẫn còn thua kém một vài tỉnh thành khác.

Trả lời câu hỏi của ông Tuấn, vị doanh nhân cho biết, nếu vì hạ tầng, chắc chắn họ sẽ không chọn Quảng Ninh bởi để đầu tư vào đây, doanh nghiệp của ông sẽ phải bỏ ra khoảng 84 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng. Sức hút của Quảng Ninh chính là thái độ của lãnh đạo tỉnh, sự rõ ràng, minh bạch trong chính sách cũng như tốc độ xử lý công việc của các cấp chính quyền, nhờ vậy có được niềm tin của các nhà đầu tư.

“Chính thái độ và sự quan tâm đối với các nhà đầu tư là điều giúp khắc phục những điểm yếu khác của Quảng Ninh. Quảng ninh là địa phương có khát vọng lớn, tầm nhìn xa và đã đạt được những thành công lớn, có thương hiệu địa phương”, ông Tuấn nhìn nhận.

Thật vậy, chỉ mới tháng 12/2018 vừa qua, Amata Việt Nam - đại gia phát triển bất động sản khu công nghiệp đến từ Thái Lan đã chính thức khởi công khu công nghiệp Sông Khoai, kỳ vọng tiến tới phát triển thành phố thông minh hơn 5.700ha.

Trao đổi với TheLEADER, bà Somhatai, Tổng giám đốc Amata Việt Nam cho biết rất ấn tượng với chính quyền tỉnh Quảng Ninh khi luôn hỗ trợ các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ nên dự án ở Quảng Ninh của bà được triển khai nhanh hơn nhiều so với các dự án trước đây.

Từ vị trí thứ 58 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 11 năm trước, Quảng Ninh đã có sự bứt phá ngoạn mục khi liên tục giữ vị trí top 5 trong 5 năm trở lại đây và vươn lên dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI 2017 với 70,69 điểm.

Trả lời câu hỏi “Quảng Ninh đã đi lên bằng cách nào?”, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhìn nhận, tỉnh này không hề dựa vào vốn đầu tư, ngân sách của Nhà nước để phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư mà bứt phá bằng việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp, của người dân. Giữa chính quyền và người dân có sự tin tưởng lẫn nhau để phát triển, đặc biệt, nhiều dự án được thực hiện thông qua quan hệ đối tác công tư.

“Quảng Ninh đi đầu cả nước thực hiện thành công hình thức đối tác công tư, thu hút đầu tư các dự án trọng điểm có tính động lực phát triển kinh tế - xã hội; tiên phong xây dựng mô hình Trung tâm hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, nhất thể hóa các cơ quan chính trị”, ông Lộc nhìn nhận.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, đây không chỉ là sự thay đổi trong tư duy của lãnh đạo tỉnh, của nghị quyết mà đã trở thành hành động của cả bộ máy.

'Không đổi mới sẽ bị thụt lùi'

Dù đã đạt được vị trí dẫn đầu về chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trở thành cái nôi về cải cách ở Việt Nam song tỉnh Quảng Ninh vẫn tiếp tục nỗ lực để cải cách, đưa ra nhiều sáng kiến mới nhằm hỗ trợ tích cực nhất cho các doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là thông qua bộ đánh giá chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh sở, ngành (DDCI) mới công bố cho thấy được sự hiệu quả trong cải cách và nâng cao năng lực của hệ thống.

Năm 2017, Quảng Ninh đưa sáng kiến ứng dụng mạng xã hội trong đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm mở thêm kênh thông tin kết nối, tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Còn trong năm 2018, DDCI Quảng Ninh tiếp tục bổ sung ý tưởng thu thập thông tin dữ liệu về doanh nghiệp để đánh giá năng lực điều hành (CMI) và trách nhiệm xã hội (CSR) của cộng đồng doanh nghiệp.

Với việc xuất hiện lần đầu tiên của hai chỉ số CMI và CSR, Quảng Ninh không chỉ ghi nhận tiếng nói của doanh nghiệp đánh giá chính quyền mà còn là tiếng nói của doanh nghiệp đánh giá chính mình.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh lý giải, dù năm ngoái đạt hạng cao nhất về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhưng nếu tỉnh không tiếp tục nỗ lực thì sẽ bị thụt lùi ngay vì nhiều địa phương khác cũng đang rất tích cực trong đổi mới.

Đâu là đặc sản của Quảng Ninh để thu hút những nhà đầu tư hàng đầu thế giới
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

“Có một số địa phương không được vui sau khi có công bố DDCI, cái đấy là bình thường. Quan trọng là phải nhìn nhận tại sao địa phương của mình chưa được đánh giá cao, cần nghiên cứu một cách nghiêm túc để có giải pháp cải thiện. 

Chẳng hạn, mặc dù có chỉn chu và thận trọng hơn trong xử lý công việc nhưng các sở-ban-ngành lại đang gặp vấn đề về thời gian xử lý”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, mặc dù không phải là địa phương đi đầu áp dụng bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương nhưng Quảng Ninh là địa phương triển khai DDCI chuyên nghiệp nhất, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ nhất, luôn có sự đổi mới, tạo ra phương thức, công cụ quan trọng để truyền lửa cải cách, đưa áp lực cải cách về cơ sở.

Như ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định, công tác khảo sát trong năm và bảng xếp hạng đầu năm tiếp tục duy trì không khí cạnh tranh sôi nổi đã giúp lãnh đạo từng đơn vị truyền lửa cạnh tranh và chủ động giám sát, thúc đẩy những nhân tố cải cách trong hệ thống đến từng cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ thường xuyên tương tác với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, đây là một đặc sản quan trọng của Quảng Ninh mà các địa phương khác có thể học tập bởi khi chính quyền tận tâm, các doanh nghiệp sẽ tận lực. DCCI là công cụ để thúc đẩy một mô hình như vậy.

Nhìn nhận về những thành tựu đã đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh có được nhờ sự đóng góp rất lớn từ chính người dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng như những nỗ lực cải cách của bộ máy chính quyền. Nhiều người đến Quảng Ninh và quay lại trong một thời gian ngắn đã phải trầm trồ về những thay đổi của tỉnh.

Kết quả thực hiện không chỉ được thể hiện qua từng con số mà còn nhìn thấy rõ trên thực tế. Những nhà đầu tư tìm đến Quảng Ninh giờ đây không chỉ có cộng đồng doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài đang tìm đến Việt Nam và còn có các doanh nghiệp tầm cỡ ở các khu vực khác đang tiến tới thị trường miền Bắc xem Quảng Ninh là lựa chọn số 1.

Đồng ý với quan điểm của Chủ tịch Quảng Ninh, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, Quảng Ninh đang là cái nôi của cái cách chính quyền cơ sở của Việt Nam, sắp tới, tỉnh cần nỗ lực đạt mục tiêu một mặt đáp ứng niềm tin kỳ vọng của người dân, một mặt hướng tới chuẩn của thế giới.

Trong các giải pháp sắp tới, cần nhìn vào các thành phố dẫn đầu khu vực và thế giới để so sánh và học hỏi mô hình, đặt mục tiêu trở thành một trong những quán quân về cải cách của khu vực, vươn lên trở thành khu vực năng động nhất, nơi đáng sống, đáng kinh doanh, nơi hạ cánh của các nhà đầu tư trong nước và thế giới.