Tại sao các doanh nghiệp xuất khẩu phải quan tâm đến sở hữu trí tuệ?

Hường Hoàng - 07:03, 09/05/2022

TheLEADERỞ nước ta, sở hữu trí tuệ đang trở thành một chủ đề được rất nhiều thành phần trong xã hội quan tâm. Và trong quá trình hội nhập và phát triển, doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm đến sở hữu trí tuệ khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu và rộng vào các hiệp định kinh tế thế giới.

Tại sao các doanh nghiệp xuất khẩu phải quan tâm đến sở hữu trí tuệ?
Doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm đến sở hữu trí tuệ khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu và rộng vào các hiệp định kinh tế thế giới. (Ảnh: Tạp chí Tài chính)

Khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu và trước khi xuất khẩu sản phẩm, hầu hết các doanh nghiệp đều phải trải qua tất cả hoặc một số bước chủ yếu sau đây:

- Xác định thị trường xuất khẩu phù hợp;

- Tính toán nhu cầu và đòi hỏi của thị trường ;

- Tìm kiếm đối tác địa phương và các kênh phân phối

- Điều chỉnh sản phẩm, kiểu dáng, thương hiệu và bao bì thích ứng với thị trường mới;

- Thương lượng và ký kết các hợp đồng với đại diện bán hàng xuất khẩu, nhà phân phối, đối tác ở nước sở tại, nhà sản xuất và doanh nghiệp nhận li - xăng địa phương , vv ..;

- Xác định giá cho các thị trường xuất khẩu khác nhau;

- Lập ngân sách vận hành xuất khẩu và huy động vốn;

- Chuẩn bị các hợp đồng vận chuyển hàng xuất khẩu;

- Quảng cáo/tiếp thị sản phẩm tại thị trường xuất khẩu;

- Tham gia các hội trợ thương mại hoặc các sự kiện khác ở nước ngoài.

Doanh nghiệp phải xem xét các vấn đề sở hữu trí tuệ khi xây dựng chiến lược xuất khẩu bởi sở hữu trí tuệ đặc biệt quan trọng và thường đóng vai trò chủ chốt trong hầu hết các bước nêu trên. Một số ví dụ dưới đây sẽ minh họa rõ hơn vấn đề này:

- Ở mỗi thị trường, giá của sản phẩm xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào mức độ công nhận (hay mức độ đánh giá thương hiệu hoặc nhãn hiệu) của người tiêu dùng, cũng như mức độ cạnh tranh của sản phẩm đó với các sản phẩm trùng hoặc tương tự (sự cạnh tranh có thể giới hạn thông qua việc bảo hộ sở hữu trí tuệ) ở thị trường đó.

- Trong quá trình huy động vốn, việc nắm giữ bằng độc quyền sáng chế về khía cạnh kỹ thuật sáng tạo của sản phẩm thường rất có ích trong việc thuyết phục các nhà đầu tư, những nhà đầu tư mạo hiểm hoặc ngân hàng tin vào những cơ hội kinh doanh liên quan đến sản phẩm của bạn.

- Việc điều chỉnh sản phẩm, kiểu dáng, nhãn mác hoặc bao bì sản phẩm sao cho phù hợp với thị trường xuất khẩu đòi hỏi doanh nghiệp phải có những nỗ lực sáng tạo và/hoặc đổi mới. Những sáng tạo, đổi mới này có thể được bảo hộ thông qua hệ thống sở hữu trí tuệ, theo đó đảm bảo sự độc quyền của doanh nghiệp đối với những điều chỉnh này.

- Doanh nghiệp cũng cần phải tính đến những vấn đề liên quan đến việc sở hữu quyền sở hữu trí tuệ khi thương lượng hợp đồng với các đối tác, đặc biệt khi sản phẩm của doanh nghiệp được sản xuất ở nước ngoài, hoặc sẽ được thay đổi, đóng gói hoặc phân phối bởi các đối tác nước ngoài.

- Doanh nghiệp chủ yếu dùng hình ảnh thương hiệu công ty (thể hiện trước hết ở nhãn hiệu) để tiếp thị sản phẩm. Nếu doanh nghiệp không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, khi đối thủ cạnh tranh sao chép hay bắt chước nhãn hiệu của doanh nghiệp, việc xử lý sẽ rất khó khăn hoặc không thể thực hiện được.

Thời điểm nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế hay kiểu dáng cũng sẽ ảnh hưởng đến thời điểm các doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại hoặc triển lãm. Việc bộc lộ một sản phẩm sáng tạo từ sớm có thể sẽ làm mất đi tính mới của sản phẩm và cản trở hoạt động nộp đơn đăng ký bảo hộ của doanh nghiệp sau này (trừ khi sản phẩm được “ân hạn” trong một số tình huống cụ thể ở các nước liên quan).

- Ngoài ra, hầu hết những vấn đề được liệt kê ở trên đều có thể có thông tin kinh doanh bí mật. Doanh nghiệp chỉ có thể hưởng lợi từ việc bảo hộ bí mật thương mại hoặc bảo vệ chống lại cạnh tranh không lành mạnh sau khi ký kết một thỏa thuận bảo mật hoặc thỏa thuận không tiết lộ. Từ đó, những thông tin này chỉ được tiết lộ trên nền tảng những thông tin 'cần biết' cơ bản.

Bản thân kế hoạch và chiến lược xuất khẩu cũng là một 'bí mật thương mại', và các công ty nói chung sẽ quan tâm đến việc đảm bảo rằng nó vẫn được giữ bí mật và không bị tiết lộ cho các đối thủ cạnh tranh.

Nhìn chung, các công ty sẽ có lợi khi đảm bảo rằng những thông tin này được bảo mật và không bị lộ ra với đối thủ cạnh tranh.

Một lý do quan trọng nữa khiến doanh nghiệp phải quan tâm đến sở hữu trí tuệ đó là điều này giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế ở thị trường xuất khẩu và ngăn các công ty khác không bắt chước hoặc sao chép sản phẩm đã được bảo hộ bởi quyền tác giả, bởi các đặc điểm kỹ thuật có tính chức năng, bởi nhãn hiệu hoặc kiểu dáng. Nếu sản phẩm thành công ở nước ngoài, các công ty cạnh tranh sớm muộn cũng sẽ sản xuất sản phẩm trùng hoặc tương tự để cạnh tranh với sản phẩm xuất khẩu. Nếu không bảo hộ sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp xuất khẩu có thể sẽ khó hoặc không thể ngăn chặn được các công ty sản xuất hàng nhái và hậu quả, dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận đáng kể.

Thứ ba, bảo hộ sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường mới thông qua li - xăng, nhượng quyền thương mại, thành lập liên doanh, ký kết hợp đồng hợp tác với các công ty khác. Quyền sở hữu trí tuệ giúp các công ty thương lượng với những công ty khác về các hợp đồng sản xuất, tiếp thị, phân phối hoặc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ ở các thị trường nước ngoài. Khi thực hiện chuyển giao công nghệ cho một công ty quan tâm đến công nghệ, những tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, kiểu dáng, nhãn hiệu... mà công ty bạn đang sở hữu, sở hữu trí tuệ cũng mang đến cho công ty bạn sức mạnh thương lượng lớn hơn.

Cuối cùng, nếu không quan tâm đến sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp của bạn có thể chịu những thiệt hại nặng nề khi sản phẩm của bạn bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác ở thị trường xuất khẩu có liên quan. Thậm chí, khi một sáng chế, kiểu dáng hay nhãn hiệu không được bảo hộ ở nước bạn không có nghĩa là thị trường xuất khẩu không bảo hộ chúng. Chẳng hạn, sản phẩm của bạn có thể có những đặc điểm kỹ thuật hoặc thẩm mỹ không được bảo hộ ở nước bạn, nhưng lại được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường xuất khẩu. Trường hợp này có thể đúng đối với nhãn hiệu.

Ngoài ra, cần phải lưu ý rằng nếu một công ty đã ký hợp đồng li - xăng với công ty khác, những công ty này có quyền bán sản phẩm nhất định ở thị trường trong nước của họ thì công ty có thể không có quyền bán sản phẩm đó tại các ở trường xuất khẩu. Cần phải lưu ý và quy định một cách cụ thể về tính độc quyền lãnh thổ và phạm vi li – xăng trong hợp đồng li - xăng.