Mở rộng không gian du lịch mới

Kiều Mai - 09:00, 15/02/2024

TheLEADERMỗi dòng sông, mỗi bản sắc, mỗi cộng đồng nếu được coi là sản phẩm mới sẽ giúp trải rộng ngành du lịch ra khắp các không gian, mang lại sự khác biệt và giá trị lớn.

Cơ hội mới từ du lịch cộng đồng

Những ngày cuối năm, khu homestay giữa cộng đồng người Mông của Tráng A Chu ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La tấp nập du khách. Tiếng nói, tiếng cười hòa cùng tiếng gió lan tỏa khắp bản làng.

Cách đây hơn một thập kỷ, khu đất này vốn chỉ là mảnh vườn tạp ở giữa vùng đất nghèo. Vùng đất tù ấy không điện, không đường nhưng lại nhiều thuốc phiện, ma túy.

Cái nghèo, cái khổ đã kéo không ít trai bản thời đó vào con đường buôn bán thứ bột chết người kia và vòng lặp của nước mắt, tang thương cứ tiếp diễn.

Bức tranh ấy giờ đây đã phủ lên gam màu tươi sáng hơn khi bản làng rộn rã lời ca tiếng chào, tiếp đón những vị khách trong Nam ngoài Bắc, thậm chí cả những người từ bên kia bán cầu.

A Chu tâm sự: “Làm nông nghiệp chỉ được vài tháng trong năm thôi, còn lại là ở không. Càng nhàn hạ thì càng không có tiền. Làm du lịch tận dụng được thời gian, lại đỡ vất vả, thu nhập cũng cao hơn bởi không chỉ đến tham quan, khách du lịch còn mua nông sản của những người dân trong bản”.

Sau A Chu, bản Hua Tạt và nhiều bản làng tại các địa phương khác đã có thêm những mô hình tương tự khi người dân thấy được hiệu quả của cách làm mới này.

Làm du lịch tận dụng được thời gian, lại đỡ vất vả, thu nhập cũng cao hơn
Tráng A Chu

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, trong hội nghị về phát triển du lịch xanh, bền vững từng nhấn mạnh: “Chúng ta có nhiều di sản, có những di sản đã được UNESCO vinh danh và có những di sản ở trong lòng người dân”.

“Một dòng sông, một ngọn núi, một bản sắc, một thổ cẩm, một điệu khèn… tất cả đều là di sản. Nếu chúng ta coi di sản là sản phẩm du lịch mới, không chỉ là Sơn Đoòng hay cố đô thì sẽ kéo dài bản đồ du lịch, sẽ có khác biệt, mang lại giá trị rất lớn”, ông Hoan đánh giá.

Theo TS. Đoàn Mạnh Cương, thuộc Hội đồng khoa học tại Viện Phát triển du lịch châu Á, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Sự tham gia của cộng đồng và trao quyền cho cộng đồng là điều cốt lõi của loại hình du lịch này.

Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch cộng đồng khi sở hữu hệ sinh thái thiên nhiên phong phú và đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nền văn hoá đậm đà bản sắc, con người thân thiện…

Mở rộng không gian du lịch mới 1
Du khách đắm chìm trong không gian văn hóa của người H'Mông

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), du lịch cộng đồng hiện nay chính là hướng sử dụng chính nội lực của cộng đồng nhằm giúp họ chủ động phát triển sinh kế từ du lịch, làm chủ sản phẩm cộng đồng và hưởng lợi từ đó.

Điều này bao gồm việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, môi trường và kinh tế của địa phương, đồng thời, tạo thêm cơ hội cho người dân địa phương tham gia vào phát triển du lịch và hưởng lợi.

Tìm cách mở đường đến không gian mới

Ông Quỳnh cho biết, tại Việt Nam, du lịch cộng đồng đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây khi nhiều điểm du lịch cộng đồng đã được phát triển và thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Việc tập trung vào bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, môi trường và kinh tế của địa phương đã giúp tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo và nhân văn. Điều này cũng giúp cải thiện thu nhập và điều kiện sống của người dân tại cộng đồng.

Tuy vậy, ông Quỳnh cũng đánh giá, việc phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, trước hết đến từ thực tế là người dân địa phương chưa có đủ kiến thức và kỹ năng để quản lý và vận hành các hoạt động dịch vụ hiệu quả.

Cùng với đó, doanh nghiệp và người dân gặp khó trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư để xây dựng và phát triển các dự án.

Mở rộng không gian du lịch mới 2
Du khách trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng

Bên cạnh đó, một số cộng đồng chỉ tập trung vào những sản phẩm văn hóa truyền thống mà không có sự sáng tạo, khiến sản phẩm du lịch ít tính cạnh tranh trên thị trường.

Không chỉ vậy, các chính sách và quy định quản lý du lịch cộng đồng chưa được định rõ, dẫn đến tình trạng không minh bạch và không công bằng trong quản lý và phân phối lợi ích cho cộng đồng.

Với A Chu, du lịch cộng đồng là một lối ra cho bản làng xa xôi vốn nghèo tài nguyên nhưng cũng là cánh cửa dẫn anh tới rất nhiều khó khăn chẳng thể biết trước.

Thiếu thốn về tiền bạc, kinh nghiệm nên giai đoạn đầu với vợ chồng A Chu là những ngày cực nhọc, căng thẳng và đầy mâu thuẫn. Nhưng điều đó vẫn còn dễ dàng hơn việc thuyết phục bà con xung quanh tiếp nhận cái mới và đồng ý cùng anh làm du lịch.

Anh tâm sự: “Rất nhiều người ngăn cản, hàng xóm thì ghét vì họ không muốn tiếp khách, e ngại ảnh hưởng sinh hoạt và vệ sinh”. Những ánh mắt phán xét, những cánh tay từ chối và những cánh cửa yên ắng như đóng sập hy vọng của A Chu.

Sau một thời gian thuyết phục và nỗ lực đầy tâm huyết với mong muốn gìn giữ và phát huy các giá trị của bản làng, những thành công bước đầu của A Chu đã thu hút người dân xung quanh.

Thế nhưng, các vướng mắc về pháp lý tiếp tục làm chậm bước chân của những con người nơi đây.

A Chu cho biết, hiện nay, người dân phải chờ chủ trương, quy hoạch, “nhiều bà con do lo sợ đã cho thuê hoặc bán luôn”. “Việc khó hơn đi vác đá từ Hà Nội lên”, anh tâm sự.

Mở rộng không gian du lịch mới 3
Thiếu thốn về tiền bạc, kinh nghiệm nên giai đoạn đầu với vợ chồng A Chu là những ngày cực nhọc

Theo ông Quỳnh, việc mở rộng hoặc phát triển mô hình du lịch cộng đồng cần một chính quyền từ cấp huyện đến xã, thôn có sự quan tâm đặc biệt cũng như trực tiếp song hành, hỗ trợ cộng đồng trong quá trình triển khai mô hình.

Cùng với đó là một cộng đồng thật sự đoàn kết, muốn học hỏi và cầu tiến phát triển kinh tế.

Ông Quỳnh cũng lưu ý rằng, trên thực tế, không ít địa phương đang làm du lịch cộng đồng theo phong trào, không có chuyên môn và thậm chí phá vỡ văn hóa bản địa, lai tạp văn hóa khác.

Phát triển du lịch theo cách như vậy sẽ không có chiều sâu, không mang lại lợi ích trong cộng đồng cũng không biết cách giải quyết mâu thuẫn phát sinh.

Ông Quỳnh cho rằng, một số dự án du lịch cộng đồng vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng của địa phương và không đảm bảo sự tham gia chân thực của người dân. Do đó, cần có sự quan tâm và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch để phát triển bền vững hơn du lịch cộng đồng tại Việt Nam.

“Tôi đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì hội nghị để cụ thể hóa quyết định của Thủ tướng về phát triển du lịch nông nghiệp. Mời các doanh nghiệp du lịch đến để chúng ta vẽ thêm vào bản đồ du lịch Việt Nam. Đó là xu thế khi ngành du lịch trải rộng ra khắp các không gian”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.