Thủ tướng Hà Lan ngạc nhiên về các khu công nghệ cao của Việt Nam

Việt Hưng - 11:21, 03/11/2023

TheLEADERChuyến thăm của Thủ tướng Hà Lan được kì vọng mở đầu cho kỷ nguyên mới giữa 2 nước, không chỉ trong ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu, mà còn mở rộng ra các ngành nghề công nghệ cao như sản xuất vi mạch điện tử, thiết bị bán dẫn...

Nhân chuyến thăm Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Hà Lan - ông Mark Rutte đã có những chia sẻ về hướng đi trong lĩnh vực công nghệ cao, đồng thời có sự góp mặt của 23 công ty, tổ chức trong lĩnh vực công nghệ của nước này.

"Tôi vô cùng ngạc nhiên với sự phát triển của các khu công nghệ cao của Việt Nam. Lần trở lại này, trong phái đoàn của chúng tôi có nhiều công ty đến từ hệ sinh thái công nghệ cao của Hà Lan, mang đến cơ hội kinh doanh mới và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam", Thủ tướng Mark Rutte nói.

Người đứng đầu Chính phủ Hà Lan tin tưởng, đây sẽ là bước mở đầu cho kỷ nguyên mới giữa 2 nước, không chỉ trong ngành nông nghiệp, biến đổi khí hậu, mà còn mở rộng ra các ngành nghề công nghệ cao như sản xuất vi mạch điện tử, thiết bị bán dẫn...

Đáp lại lời Thủ tướng Mark Rutte, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cảm ơn các doanh nghiệp Hà Lan đã và đang đầu tư tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa các cơ hội hợp tác của các ngành công nghệ cao.

Lãnh đạo hai Chính phủ đều nhất trí đưa Việt Nam tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ cao thông qua việc phát triển và nuôi dưỡng nhân tài công nghệ cao.

Thủ tướng Hà Lan ngạc nhiên về các khu công nghệ cao của Việt Nam
Chuyến thăm của Thủ tướng Hà Lan - ông Mark Rutte có sự góp mặt của 23 công ty, tổ chức trong lĩnh vực công nghệ của nước này

Ở góc độ nhà quản trị doanh nghiệp, Chủ tịch FPT - ông Trương Gia Bình đồng tình với quan điểm cần đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ cao tại thị trường Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.

Ông Trương Gia Bình chia sẻ: "Để trở thành tập đoàn với gần 70.000 nhân sự hoạt động tại 30 quốc gia như hôm nay, đầu tiên, cái chúng tôi có là sự đam mê. Đam mê đó thể hiện trong tầm nhìn của chúng tôi, đó là góp phần đưa Việt Nam phát triển thịnh vượng. Các doanh nghiệp Việt hãy vươn ra toàn cầu và tìm kiếm những cơ hội mới".

Cuối năm nay, FPT dự kiến sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài, 5 năm nữa dự kiến doanh thu 5 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, rất khó nếu FPT chỉ dừng lại ở thị trường trong nước.

Trong đó, yếu tố nguồn nhân lực tài năng là điều kiện quan trọng nhất. Theo ông Bình, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam hiện sở hữu 104 triệu dân số ở độ tuổi vàng, có tiềm năng trở thành trung tâm nguồn lực công nghệ của thế giới.

"Người Việt Nam có truyền thống yêu toán, yêu công nghệ, số lượng kỹ sư công nghệ khoảng 1 triệu người và tăng đều đặn từng năm. Khả năng cung ứng nhân sự liên tục và ổn định này giúp các đối tác, khách hàng có thể thực hiện các dự án dài hạn một cách hiệu quả, không gặp đứt quãng", Chủ tịch FPT nói.

Thủ tướng Hà Lan ngạc nhiên về các khu công nghệ cao của Việt Nam 1
Chủ tịch FPT - ông Trương Gia Bình

Ông tin rằng, tiềm năng của Việt Nam có thể đứng top 5, top 10 thế giới về công nghệ thông tin, điểm đến mới về công nghệ cao toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, doanh nghiệp cần truyền cảm hứng cho các thế hệ kế cận.

Trong 10 năm gần đây, FPT đã liên tục tăng trưởng, tập trung và mở rộng phát triển dịch vụ, giải pháp công nghệ cao như chíp bán dẫn, AI, đám mây... trên toàn cầu. FPT cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất chip thương mại, và hiện đã nhận đặt hàng gần 70 triệu chip đến năm 2025.

Đồng thời, FPT đã hợp tác với các đối tác Mỹ, Đài Loan…và mong muốn được hợp tác cùng các doanh nghiệp bán dẫn lớn tại thị trường EU để phát triển kinh doanh và khai thác nguồn nhân lực ở lĩnh vực giàu tiềm năng này.

Với thị trường Hà Lan, FPT đã thành lập văn phòng đại diện từ năm 2022, có đội ngũ hơn 1.000 kỹ sư tại Châu Âu và 3 vạn kỹ sư trên toàn cầu, cũng như đã giúp nhiều doanh nghiệp ở Hà Lan chuyển đổi số.