Thúc tiến độ 13 dự án điện LNG

Nguyễn Cảnh - 08:20, 15/04/2024

TheLEADER13 dự án nhiệt điện LNG thuộc danh mục ưu tiên quan trọng của ngành điện cũng như quy hoạch điện VIII đang tìm cách đẩy nhanh triển khai để kịp tiến độ trước 2030.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, chậm nhất đến 15/7 phải lựa chọn được nhà đầu tư cho các dự án điện sử dụng khí LNG tại Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Thuận.

Đồng thời, ngay sau khi lựa chọn được nhà đầu tư phải yêu cầu nhà đầu tư cam kết tiến độ triển khai. 

Ba dự án điện LNG thuộc ba tỉnh nêu trên gồm Long Sơn, Cà Ná và Nghi Sơn cùng có công suất 1.500MW.

Đối với những dự án đã có chủ đầu tư, bộ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát vướng mắc, chủ động xử lý theo thẩm quyền, nhất là các vấn đề quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư… để triển khai các dự án.

Quảng Trị sở hữu hai dự án gồm Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 công suất 1.500MW và nhà máy tuabin khí hỗn hợp Quảng Trị 340MW, sử dụng khí mỏ Báo Vàng.

Theo cập nhật của UBND tỉnh, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng đã cơ bản hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và đang trình Bộ Công thương thẩm định trước khi phê duyệt đầu tư. Dự án này đã khởi công hợp phần kỹ thuật từ hai năm trước.

Nhằm đảm bảo tiến độ dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1, ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Công thương có ý kiến với Thủ tướng xem xét, thống nhất để địa phương thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương cho UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng khu kinh tế Đông Nam (tại khu phức hợp năng lượng) và sẽ cập nhật nội dung điều chỉnh này vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam đang được thực hiện.

Đồng thời, ủy quyền cho UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam (tại khu phức hợp năng lượng) đã được phê duyệt tại Quyết định 1936/QĐ-TTg năm 2016, trình tự, thủ tục phê duyệt như các tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng phân cấp tại Quyết định 15/2022.

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng đề nghị Bộ Công thương xem xét, tham mưu Thủ tướng việc nâng công suất của dự án nhà máy tuabin khí hỗn hợp 340MW theo như đề xuất của nhà đầu tư để đáp ứng hiệu quả kinh tế dự án.

Một trường hợp đáng chú ý khác là nhiệt điện LNG Thái Bình 1.500MW. Đặt tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, quy mô diện tích đất và mặt nước dự kiến gần 270ha, tổng vốn đầu tư gần 47.120 tỷ đồng và do liên danh Công ty CP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam - Tập đoàn Tokyo Gas – Tập đoàn Kyuden của Nhật Bản thực hiện.

Theo ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội để tỉnh có bước phát triển mới. Chính vì thế, ngay sau khi quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Thái Bình đã nỗ lực bắt tay ngay vào triển khai thực hiện dự án.

Ngày 26/1 vừa qua, Công ty CP Điện khí LNG Thái Bình do liên danh nhà đầu tư đã ra mắt. Ước tính tổng giá trị thuế nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn xây dựng là khoảng 3.600 tỷ đồng và khi đi vào vận hành trung bình nộp thuế khoảng trên 4.000 tỷ đồng/năm. 

Dự kiến dự án khởi công trong quý III/2025 và vận hành thương mại trước năm 2030.

Đầu tháng 4 vừa qua, Công ty CP Điện khí LNG Thái Bình đã bắt đầu phối hợp làm việc với UBND huyện Thái Thụy để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành trong năm nay.

Được biết, từ tháng 6 năm trước, động thái đốc thúc tiến độ các công việc liên quan đã được Bộ Công thương đưa ra đối với các dự án điện khí chưa có chủ đầu tư.

Khi đó, bộ yêu cầu cần khẩn trương rà soát, bổ sung dự án vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án theo quy định của Nhà nước.

Khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, triển khai các thủ tục cấp chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án điện sử dụng LNG và các hạ tầng liên quan, phấn đấu hoàn thành trong quý III/2023. 

Đẩy nhanh tiến độ lập và trình báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2023.