Đảm bảo tiến độ cho 13 dự án điện LNG

Nguyễn Cảnh - 19:16, 25/06/2023

TheLEADERĐây là yêu cầu của Bộ Công thương đối với các chủ đầu tư, địa phương (nơi đặt 13 dự án điện LNG thuộc danh mục ưu tiên đầu tư theo Quy hoạch điện VIII) nhằm góp phần đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế, chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

Cuộc họp gần nhất giữa Bộ Công thương với các tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) trong Quy hoạch điện VIII đã cho thấy tầm quan trọng và vai trò thiết yếu của điện khí đối với an ninh năng lượng quốc gia, cũng như quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành thời gian từ nay tới 2030.

Theo quy hoạch điện VIII, tổng công suất đặt đến năm 2030 khoảng 150GW (gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay). Để bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 là một thách thức rất lớn, bởi vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa các-bon và phát triển cân đối các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh: Thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế.

“Vì thế, phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, bởi nguồn điện LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2”, Tư lệnh ngành Công thương khẳng định.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để triển khai một dự án LNG (từ lúc có quy hoạch đến khi có thể vận hành) nhanh nhất ước tính 8 năm, thậm chí có dự án trên 10 năm. “Cho nên, việc chậm tiến độ các nguồn điện, đặc biệt chậm phát triển nguồn điện nền sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng tới an ninh năng lượng điện quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. Do đó, đòi hỏi thống nhất các giải pháp chủ yếu để sớm đưa các dự án điện khí và các dự án điện nguồn/nền vào sử dụng.

Quy hoạch điện VIII có nhắc tới quy hoạch công suất nhiệt điện LNG phục vụ cho nhu cầu trong nước là 22.400MW (chiếm 14,9% tổng công suất của toàn hệ thống điện). Đây là nguồn điện chuyển tiếp trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, do phát thải CO2 và các chất gây ô nhiễm khác thấp hơn nhiều so với điện than, có khả năng chuyển sang sử dụng hydro khi giá thành sản xuất điện từ hydro hợp lý.

Hiện nay, có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg.

Đảm bảo tiến độ cho 13 dự án điện LNG

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, nhất là các dự án quan trọng, ưu tiên càng cần khẩn trương, hiệu quả, chắc chắn bởi chỉ còn 7 năm (đến năm 2030) để thực hiện cho lộ trình 10 năm, quy mô nguồn điện phải tăng gấp 2 lần so với hiện nay và cơ cấu nguồn điện thay đổi căn bản theo hướng sạch hơn, cân bằng, ổn định hơn.

Để bảo đảm các dự án điện khí được triển khai, thực hiện đúng tiến độ quy hoạch, Bộ trưởng đề nghị một số nội dung đối với các địa phương (Bạc Liêu, Long An, Quảng Ninh, Quảng Trị, Ninh Thuận, Quảng Bình, Bình Thuận, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An) và đơn vị có liên quan như sau.

Với các dự án đã có chủ đầu tư, các địa phương đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai dự án; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc (nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính…) để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Yêu cầu các nhà đầu tư khẩn trương thực hiện dự án theo đúng tiến độ, yêu cầu trong chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được phê duyệt. Căn cứ quy định pháp luật và để bảo đảm an ninh năng lượng điện, cần kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư vi phạm các quy định/trì hoãn không triển khai dự án theo tiến độ đã được duyệt.

Thứ hai, đối với các dự án chưa có chủ đầu tư: Cần khẩn trương rà soát, bổ sung dự án vào Quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án theo quy định của Nhà nước. Khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, triển khai các thủ tục cấp chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án điện sử dụng LNG và các hạ tầng liên quan, phấn đấu hoàn thành trong quý III/2023. Đẩy nhanh tiến độ lập và trình báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2023.

Tiến độ xây dựng, vận hành các nhà máy điện LNG có ý nghĩa quyết định tới an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030. Nếu dự án nào có nguy cơ chậm tiến độ, Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng đẩy lùi tiến độ của dự án đó và đẩy sớm các dự án dự phòng/hoặc tính toán các phương án khác thay thế để bảo đảm an toàn hệ thống và cung ứng điện cho đất nước.

Đối với một số đề xuất, kiến nghị của các địa phương về những vướng mắc liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; môi trường; hạ tầng truyền tải; thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện…, Bộ Công thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và lãnh đạo địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết.

Như TheLEADER đã thông tin, trong quá trình dự thảo quy hoạch điện VIII, tỷ trọng nguồn điện LNG nhập khẩu từng được Bộ Công thương cân nhắc nhiều lần.

Điển hình, tháng 7/2022, liên quan tới nhóm các dự án nhiệt điện khí LNG, tổng công suất dự kiến phát triển đến năm 2030 sẽ là khoảng 23.900MW, tức đạt tỷ trọng 16,4% tổng công suất các nhà máy điện đến năm 2030 (gồm các dự án đã có trong quy hoạch điện VII điều chỉnh và 4 dự án dự kiến đưa vào Quy hoạch điện VIII).

Thời gian đó, 4 dự án (tổng công suất 6.000MW) dự kiến đưa vào quy hoạch điện VIII tại khu vực miền Bắc, gồm: Thái Bình (1.500MW), Nghi Sơn (1.500MW), Quỳnh Lập (1.500MW), Quảng Trạch 2 (1.500MW). Trong số này, có 2 dự án mới là Thái Bình và Nghi Sơn, còn lại 2 dự án khác (đã có trong quy hoạch điện VII điều chỉnh) sẽ chuyển đổi nhiên liệu từ than sang sử dụng khí LNG là Quỳnh Lập và Quảng Trạch 2. Theo kế hoạch, tiến độ nhanh nhất của các dự án này sẽ vào khoảng 2028-2030.

Nhóm 11 dự án đã được duyệt, bổ sung trong quy hoạch điện VII điều chỉnh có tổng công suất gần 18.000MW. Cụ thể gồm: Nhơn Trạch 3,4 (1.500MW), Hiệp Phước giai đoạn 1 (1.200MW), Bạc Liêu (3.200MW), Sơn Mỹ 1 (2.250MW), Sơn Mỹ 2 (2.250MW), Long An 1 (1.500MW), Cà Ná (1.500MW), Quảng Ninh 1 (1.500MW), Long Sơn (1.500MW), Hải Lăng giai đoạn 1 (1.500MW). 

Trong số này, theo Bộ Công thương, tồn tại khó khăn lớn nhất đối với các trường hợp thực hiện theo hình thức IPP (như tại dự án Nhơn Trạch 3, 4 do PV Power làm chủ đầu tư, Hiệp Phước của Công ty TNHH Hiệp Phước…), là thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.