Thương mại điện tử cũng cần 'xanh'

Việt Hưng - 08:43, 02/12/2023

TheLEADER"Phát triển TMĐT xanh, tối ưu hóa quá trình kinh doanh, quá trình giao nhận, thương mại điện tử có thể giảm được lượng phát thải rất lớn ra môi trường, cũng tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ hao phí", bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nói.

Theo báo cáo được Google, Temasek và Bain & Company công bố, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Ðông Nam Á trong hai năm liên tiếp (2022, 2023) và dự báo sẽ tiếp tục giữ được vị trí này trong năm 2025.

Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt 45 tỷ USD năm 2025. Ðáng chú ý, tăng trưởng GMV trong 2 năm tới của kinh tế số Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải cho biết, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ.

Từ những ngày khái niệm TMĐT còn khá xa lạ với người tiêu dùng, thì giờ đây Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16-30%/năm và dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023 này.

Cùng với đó, thị trường TMĐT tại Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống dịch vụ thứ cấp bao gồm: hỗ trợ giao dịch, các dịch vụ marketing, chuyển phát... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, TMĐT cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics TMĐT còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường...

Đồng tình quan điểm TMĐT Việt Nam đang phát triển rất mạnh, không chỉ trong khu vực mà còn triển vọng top đầu thế giới, song bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho rằng, tăng trưởng nhanh về lượng và phát triển chiều sâu, bền vững là hai vấn đề khác nhau và cần quan tâm.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - bà Lê Hoàng Oanh cho biết, phát triển bền vững đối với bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải bao gồm đầy đủ các yếu tố tăng trưởng ổn định tích cực, đảm bảo sự cân bằng, đáp ứng xu thế xanh, bảo vệ môi trường và đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng.

Thương mại điện tử cũng cần 'xanh'
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

"Phát triển TMĐT xanh, tối ưu hóa quá trình kinh doanh, quá trình giao nhận, thương mại điện tử có thể giảm được lượng phát thải rất lớn ra môi trường, cũng tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ hao phí", bà Lê Hoàng Oanh nói.

Hiện tại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA) đã vạch ra 5 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy thương mại điện tử "xanh" tại Việt Nam.

Nhóm thứ nhất là tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử. Nhóm thứ 2 xúc tiến hợp tác quốc tế trong quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Nhóm thứ ba là xây dựng công cụ quản lý ứng dụng công nghệ tăng cường hiệu lực quản lý. Nhóm thứ tư là thanh tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Cuối cùng là nhóm đẩy mạnh triển khai các dịch vụ hỗ trợ trong thương mại điện tử như giảm chi phí logistics, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường liên kết vùng hay tổ chức các chương trình lễ hội mua sắm.

Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Trần Văn Trọng nhận định, thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển nhanh, có nhiều lợi thế nhưng không thể "nóng" mãi. VECOM đang phối hợp cùng IDEA xây dựng chiến lược giai đoạn mới của TMĐT là phát triển bền vững, tập trung vào 3 trọng tâm.

Trọng tâm thứ nhất là sẵn sàng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử bởi khi nhu cầu ứng dụng thương mại điện tử và kinh tế số tăng thì nhu cầu nguồn nhân lực cho các hoạt động này chắc chắn tăng theo. Trọng tâm thứ hai là phát triển thương mại điện tử nhằm thu hẹp khoảng cách số.

Theo thống kê, quy mô của thị trường thương mại điện tử Việt Nam tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP. HCM (khoảng 70%); 30% phân bổ cho 61 tỉnh, thành phố còn lại.

Nhưng chính các địa phương còn lại này có đông dân số và nhu cầu thương mại rất lớn. Dư địa cho phát triển TMĐT chính là ở các địa phương còn "đi sau" và phải có cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp tại đây ứng dụng, tiếp cận thương mại điện tử.

Trọng tâm thứ ba là phát triển thương mại điện tử xanh. Thực tế, cuộc sống hiện hữu quanh đời sống con người, thương mại điện tử đã và đang tạo ra lượng lớn rác thải nhựa hoặc khí thải từ các phương tiện giao nhận hàng hóa.

Vì thế, chuyển đổi xanh phải đến từ hai phía, người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen sử dụng và mua sắm hàng hóa theo hướng xanh, tạo ra tác động lan tỏa đến doanh nghiệp trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.