TP.HCM có thể thí điểm thị trường tín chỉ carbon?

Phạm Sơn - 12:53, 06/09/2023

TheLEADERTham vọng trở thành trung tâm tài chính cho khu vực và quốc tế, theo chuyên gia, TP.HCM có thể tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 98 để trở thành trung tâm tài chính xanh, thí điểm thị trường trao đổi tín chỉ carbon.

TP.HCM có thể thí điểm thị trường tín chỉ carbon?
Các dự án xanh tại TP.HCM sẽ phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi cơ chế huy động vốn xanh cũng phải được phát triển ở mức độ tương xứng. Ảnh: Hoàng Anh

Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, mỗi năm TP.HCM thải ra khoảng 38,5 triệu tấn khí thải carbon, trong đó riêng sản xuất công nghiệp thải ra khoảng 20 triệu tấn và giao thông vận tải thải ra khoảng 13 triệu tấn.

Hiện tại, TP.HCM đặt mục tiêu giảm 10 – 30% lượng phát thải vào năm 2030. Thực hiện mục tiêu này, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền và các sở, ngành, không thể không kể đến nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai các dự án xanh, áp dụng công nghệ, đổi mới quy trình hướng đến giảm phát thải, tăng cường tuần hoàn vật liệu.

Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol (nước Anh), các dự án xanh ở TP.HCM đang và sẽ được mở rộng và phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi các cơ chế tài chính và huy động vốn, bao gồm vốn vay xanh, thị trường tín chỉ carbon… cũng phải được phát triển ở mức độ tương xứng.

Thực tế cho thấy, các cơ chế huy động tài chính xanh là xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Cơ chế tài chính xanh nếu được vận hành tốt sẽ điều hướng trực tiếp dòng vốn tới các dự án phát triển bền vững, do đó đóng góp rất tích cực cho mục tiêu giảm phát thải.

Ông Tuấn nhìn nhận, TP.HCM là địa phương có tiềm năng kinh tế lớn, có vai trò kết nối và là trung tâm tài chính của Việt Nam.

“TP.HCM có tham vọng xây dựng trở thành trung tâm tài chính quốc tế, vậy tại sao không phải là trung tâm về tài chính xanh”, chuyên gia đến từ Đại học Bristol đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM chính thức có hiệu lực kể từ tháng 8, đã mở ra một số cơ hội cho TP.HCM phát triển tài chính xanh, bao gồm quy chế quản lý ngân sách nhà nước và thí điểm thị trường carbon.

Tận dụng lợi thế này, bà Hà đề xuất, TP.HCM có thể thúc đẩy việc kết nối thị trường trái phiếu xanh, thị trường giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện trong nước với khu vực. TP.HCM nên coi đây là nhiệm vụ không thể thiếu cho một trung tâm tài chính quốc tế trong bối cảnh mới, không chỉ số hóa mà còn phải xanh hóa.

Phát biểu tại hội thảo Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon được tổ chức trước thềm Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2023, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, gợi ý, TP.HCM có thể nghiên cứu phát triển chính sách đặc thù riêng, áp dụng thử nghiệm để tìm ra giải pháp phù hợp.

Bên cạnh việc không ngừng thử nghiệm, học hỏi kinh nghiệm quốc tế cũng rất quan trọng. Theo bà Ngọc, TP.HCM có thể tham khảo kinh nghiệm của Singapore khi chi 5 triệu USD để xây dựng trung tâm dữ liệu hoàn thiện cho thị trường tín chỉ carbon và tài chính xanh.

Lãnh đạo Deloitte Việt Nam cho biết, số tiền đầu tư để xây dựng trung tâm dữ liệu không quá lớn và nhiều nguồn tài trợ sẵn sàng rót vào nếu thành phố có chủ trương thực hiện.

TS. Trần Văn, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đưa ra ý kiến, bên cạnh thị trường carbon, TP.HCM có thể sử dụng công cụ trái phiếu xanh, bao gồm trái phiếu xanh của doanh nghiệp và của chính quyền địa phương.

Để làm được điều này, ông Văn khuyến nghị, TP.HCM cần công bố thông tin danh mục các dự án xanh, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào thị trường trái phiếu xanh trên cơ sở vận dụng và cụ thể hóa Nghị quyết 98.