6 cây cầu kích hoạt làn sóng đầu tư mới vào bất động sản Đông Hà Nội
Phương Giang
Thứ hai, 11/09/2017 - 07:30
Việc xây dựng những cây cầu mới không chỉ kết nối giao thông giữa trung tâm thành phố với phía Đông và phía Bắc mà còn mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội.
UBND TP. Hà Nội đã chính thức báo cáo Chính phủ kế hoạch đầu tư 6 cây cầu mới qua sông Hồng và sông Đuống.
Những cây cầu này nằm trong quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu xây dựng 18 cầu qua sông Hồng và 8 cầu vượt sông Đuống. Đến nay, đã có 6 cầu vượt sông Hồng và một cây cầu mới vượt sông Đuống là cầu Đông Trù.
Trong số 6 cầu mới, có 2 cây cầu được nhiều nhà đầu tư bất động sản mong đợi nhất là cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại nút giao giữa đường Trần Hưng Đạo với đường Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm và kết thúc tại nút giao cắt với đường Long Biên - Thạch Bàn, quận Long Biên. Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn II, nằm sát bên phải cầu Vĩnh Tuy hiện nay hướng trung tâm thành phố đi Long Biên.
Hai cây cầu này sẽ góp phần giải toả ách tắc giao thông thường xuyên trên cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy và Thanh Trì đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Những cây cầu này sẽ kết nối phía Đông với trung tâm thành phố trong vòng 5-15 phút.
Một cây cầu quan trọng khác là cầu Tứ Liên sẽ được xây dựng giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, kết nối từ Tây Hồ. Phía trên cầu Thăng Long hiện tại sẽ có cầu Thượng Cát khớp nối với dự án đường Vành đai 3,5 và điểm cuối tại vị trí nút giao với đường khu công nghiệp Bắc Thăng Long tại xã Đại Mạch huyện Đông Anh.
Có 2 câu cầu mới bắc qua sông Đuống là Cầu Giang Biên nối cầu Vĩnh Tuy với Bắc Ninh và cầu Đuống 2, nằm gần cầu Đuống hiện nay, nối đường Ngô Gia Tự với đường Hà Huy Tập.
Việc đầu tư những cây cầu mới được kỳ vọng sẽ tạo nên làn sóng đầu tư thứ hai vào thị trường bất động sản phía Đông và phía Bắc Thủ đô.
Làn sóng đầu tư thứ nhất hình thành từ nhiều năm trước sau khi cầu Thanh Trì và Vĩnh Tuy hoàn thành. Ông Matthew Powell, Giám đốc Công ty tư vấn bất động sản Savills Hà Nội cho rằng, việc xây dựng những cây cầu này đã dần xoá bỏ định kiến về mua nhà ở bờ Đông sông Hồng, từ đó góp phần hình thành những khu đô thị ở phía Đông như Việt Hưng, Sài Đồng, Đặng Xá.
Việc đầu tư tới 57.000 tỷ đồng xây dựng 6 cầu mới cùng hệ thống giao thông kết nối sẽ tiếp tục làm thay đổi diện mạo đô thị ở phía Đông.
Trước hết, kế hoạch đầu tư 6 cây cầu sẽ có tác động trực tiếp đến việc hình thành thêm những khu đô thị mới quy mô lớn, bởi có những cây cầu được xây dựng theo mô hình hợp tác công tư, trong đó, Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện theo cơ chế đặc thù là đổi đất lấy hạ tầng.
Để đối ứng cho các nguồn vốn xã hội hoá, Hà Nội đã dự trù các quỹ đất thanh toán đối ứng với tổng diện tích lên đến 660ha. Trong đó, có 34ha tại xã Dương Xá và 78,4ha tại xã Đông Dư, 96ha thuộc phân khu đô thị N9 tại huyện Gia Lâm.
Nhưng quỹ đất lớn nhất vẫn là quỹ đất lên tới 320ha thuộc phường Long Biên và Cự Khối thuộc quận Long Biên và quỹ đất bổ sung ngoài bãi sông Hồng có khả năng khai thác khoảng 135ha.
Quỹ đất đối ứng đều có vị trí đắc địa, phù hợp phát triển những khu đô thị hiện đại, quy mô lớn, tạo nên diện mạo mới cho đô thị phía Đông Thủ đô.
Bên cạnh đó, sự cải thiện về hệ thống hạ tầng giao thông sẽ kích thích các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục rót tiền đầu tư.
Thế chân vạc
Trong khi những dự án bất động sản nói trên vẫn ở dạng tiềm năng thì trên thực tế, thị trường bất động sản phía Đông đã hình thành thế chân vạc, với ba trụ là Vingroup, Vihajico và Him Lam.
Là nhà phát triển bất động sản lớn nhất nước, Vingroup đang tập trung đầu tư ở khu vực phía Tây Hà Nội, nhưng lại không thể bỏ qua phía Đông. Đối với Vingroup, phía Đông dường như có vị trí chiến lược quan trọng không kém gì phía Tây.
Cụ thể, sau khi hoàn thành giai đoạn I khu đô thị Vinhomes Riverside với hơn 1.000 căn biệt thự, Vingroup tiếp tục đầu tư giai đoạn II với quy mô lớn hơn, lên tới 1.500 biệt thự, nhà liền kề và nhà phố thương mại.
Trong chiến lược phát triển nhà ở đại chúng thương hiệu Vincity công bố năm ngoái thì phía Đông Hà Nội có tới hai dự án lớn nhất, trong đó có dự án 300ha tại huyện Gia Lâm và dự án 500ha tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Nhà đầu tư lớn thứ hai trong khu vực là Vihajico với khu đô thị Ecopark rộng gần 500ha tại huyện Văn Giang. Dự án đã hoàn thành giai đoạn I với 1.500 căn hộ chung cư và hàng trăm biệt thự, nhà phố. Chủ đầu tư đang triển khai giai đoạn II với khoảng 5.000 căn hộ cùng khu nhà biệt thự, nhà phố thương mại. Bên cạnh đó, dự án cũng có kế hoạch mở rộng về phía Hà Nội.
Không nổi đình đám như Vingroup hay Vihajico nhưng Him Lam cũng là nhà đầu tư có quỹ đất lớn ở khu vực phía Đông. Him Lam là chủ sân golf Long Biên và đang sở hữu dự án khu đô thị phần mềm rộng 38ha ngay đầu cầu Vĩnh Tuy, trong đó đã dành một phần xây trung tâm mua sắm AEON Mall. Ngoài ra, Him Lam còn có dự án chung cư ở Thạch Bàn và quỹ đất lớn ở Long Biên.
Bên cạnh ba ‘ông lớn’ này thì khu vực phía Đông còn xuất hiện thêm một số nhà phát triển dự án khác như TNR, MIK Group, Eurowwindow.
Dịch về phía Đông Bắc là một loạt những dự án hạ tầng và khu đô thị lớn đang được quy hoạch và triển khai như Trung tâm triển lãm quốc gia do Vingroup đầu tư, Công viên Kim Quy theo mô hình Disneyland do Sungroup đầu tư và chuỗi đô thị do Tập đoàn BRG kết hợp với nhà đầu tư Nhật Bản quy hoạch.
Điểm đến của giới nhà giàu
Những cây cầu mới hình thành cùng với sự xuất hiện của những doanh nghiệp bất động sản lớn hứa hẹn sẽ xoay chiều thị trường bất động sản phía Đông Hà Nội.
Cho đến nay, những dự án bất động sản ở khu vực phía Đông như khu đô thị Việt Hưng, Sài Đồng, Đặng Xá hầu như đều hướng đến đối tượng khách hàng có mức thu nhập trung bình. Vì thế, giá căn hộ khu vực này chỉ từ 10-20 triệu đồng/m2 và hiếm có dự án nào được định giá trên 30 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, khu đô thị Vinhomes Riverside đã “nổ phát súng” đầu tiên vào thị trường bất động sản hạng sang ở phía Đông khi chào bán biệt thự từ 12-20 tỷ đồng. Hiện nay, dự án này tiếp tục mở rộng giai đoạn 2, nâng tổng số biệt thự và nhà liền kề lên tới 2.500 căn, và trở thành dự án khu đô thị lớn nhất chỉ có nhà thấp tầng ở phía Đông Hà Nội.
Theo quan sát của ông Nguyễn Dũng Minh, Phó tổng giám đốc Vihajico, nếu như khu vực phía Tây đang nở rộ nhà cao tầng, thì với quỹ đất rộng, thông thoáng, hầu như những dự án mới ở phía Đông đều tập trung phát triển nhà thấp tầng theo xu hướng cao cấp và sinh thái, tức là nhắm đến đối tượng khách hàng là giới trung và thượng lưu.
Sự xuất hiện của những dự án bất động sản cao cấp đã thiết lập mặt bằng giá mới cho khu vực phía Đông. Hiện tại, giá biệt thự tại một số dự án lớn đã đạt mức 60-70 triệu đồng/m2. Thậm chí, đã có chủ đầu tư đang lên kế hoạch phát triển dự án biệt thự đảo với giá bán lên đến hàng triệu đô la.
Ông Minh cho biết, nhiều chủ đầu tư đang lo ngại với viễn cảnh bội cung chung cư từ giữa năm tới, và nếu điều đó xảy ra, dòng vốn đầu tư sẽ chuyển hướng sang đất nền và nhà thấp tầng. Sự chuyển dịch này cộng hưởng với sự xuất hiện của những cây cầu mới được kỳ vọng sẽ tạo nên sự sôi động của thị trường bất động sản phía Đông Hà Nội trong những năm tới.
Các nhà phát triển bất động sản đang xây dựng một cách chọn lọc và thông minh hơn, phục vụ nhu cầu của khách hàng với các sản phẩm chất lượng cao, hơn là làm gia tăng bong bóng nhà đất trong cuộc đua gọi vốn như trước đây.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.