90% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa sẵn sàng cung ứng cho công ty quốc tế

Mai Anh - 17:51, 22/04/2019

TheLEADERThiếu kinh nghiệm và hiệu quả là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam khó tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Frank Weiand, Giám đốc hợp phần Liên kết Doanh nghiệp nước ngoài, Dự án kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của USAID nhận định DNVVN có nhiều cơ hội và lợi thế trong bối cảnh hiện nay.

Sở hữu vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có lợi thế lớn khi có đường thủy, đường bộ, tiếp cận đến những khu vực chuyển tiếp mà các quốc gia khác không có.

90% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa sẵn sàng cung ứng cho công ty quốc tế
Ông Frank Weiand, Giám đốc hợp phần Liên kết Doanh nghiệp nước ngoài, Dự án kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) của USAID

Việt Nam cũng sở hữu lực lượng lao động khá trẻ và “người trẻ đồng nghĩa với động lực lớn”.

“Việt Nam có sự bùng nổ tại thời điểm hiện tại khiến mọi người có động lực lớn đưa đất nước tiến lên. Tôi cho rằng đây là giá trị lớn nhất của Việt Nam hiện nay”, ông Frank Weiand nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là cơ hội cho DNVVN chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Sẽ có làn sóng các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, bao gồm các nhà cung cấp Trung Quốc thiết lập cơ sở mới nhằm tránh thuế, hoặc các công ty quốc tế có cung ứng tại Trung Quốc dịch chuyển khỏi nước này và tìm đến Việt Nam”, ông Frank Weiand phân tích.

Phát biểu tại hội thảo xúc tiến đầu tư “Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Lê Hoàng Tài, Cục phó Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận định với nhóm nước đang phát triển như Việt Nam, chuỗi giá trị toàn cầu giúp từng bước đảm nhận các công đoạn trong mạng lưới sản xuất và tận dụng được lợi thế thương mại, từ đó đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa.

Đối với các doanh nghiệp, việc đưa sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là một hướng đi tất yếu để xây dựng, phát triển thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Việc nhiều doanh nghiệp lớn đang đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam như Samsung, LG tạo ra cơ hội lớn tham gia chuỗi giá trị bởi chính các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối rất muốn xây dựng chuỗi cung ứng tại địa phương nơi sản xuất sản phẩm đầu cuối.

Bên cạnh đó, khoảng trống thị trường tại Việt Nam dành cho doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phụ trợ hiện rất lớn. “Chỉ tính riêng Samsung đã công bố cần khoảng 500 doanh nghiệp cung ứng từ nay đến năm 2020”, ông Tài cho biết.

Vị Cục trưởng khẳng định tiềm năng đầu tư sản xuất sản phẩm tại Việt Nam và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển bền vững là rất lớn.

Tuy vậy, trước xu hướng ấy, chuỗi cung ứng tại Việt Nam được đánh giá khá yếu.

“Rất nhiều công ty cùng nhau dịch chuyển hiện nay nhưng chỉ có vài nhà cung cấp là DNVVN có thể được. Tôi cho rằng khoảng 90% hiện nay chưa sẵn sàng cung cấp cho các doanh nghiệp quốc tế”, ông Frank Weiand nhận định.

Nếu so sánh, chi phí nhân công tại Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc lại sở hữu chuỗi cung ứng hoàn hảo trong khi Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều, thậm chí phải đặt hàng nguyên liệu, khiến sản xuất không còn hiệu quả.

Ông Frank Weiand cho rằng rất nhiều DNVVN Việt Nam không có kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp quốc tế, thị trường quốc tế, không hiểu được kỳ vọng của họ.

DNVVN Việt cần học cách thỏa thuận với công ty quốc tế, cách kiểm soát chất lượng, quản lý quy trình và gia tăng hiệu quả.

Theo vị giám đốc hợp phần Liên kết doanh nghiệp nước ngoài dự án LinkSME của USAID, điều các DNVVN cần chính là đào tạo.

“Các DNVVN muốn kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu cần đầu tư nhiều hơn vào đào tạo, đầu tư vào việc xử lý vấn đề sản xuất mà đôi khi là thiết bị mới. Những thiết bị thậm chí đã 20 năm tuổi và do đó, không thể sản xuất chất lượng mà các công ty nước ngoài đòi hỏi”, ông nhấn mạnh.