ACB xin cấp thêm hạn mức tín dụng

Trần Anh - 18:53, 18/05/2022

TheLEADERTheo ban lãnh đạo ACB, đà tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì tốt trong 4 tháng đạt mức 8% so với đầu năm. Hiện tại, ngân hàng đã nộp đơn xin NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng và kỳ vọng có thể có được room mới từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.

Trong quý I/2022, hoạt động kinh doanh cốt lõi của ACB ghi nhận tăng trưởng tốt với thu nhập lãi thuần tăng 17%, đạt gần 5.441 tỷ đồng. 

Các mảng kinh doanh chính khác cũng ghi nhận tăng trưởng. Lãi từ dịch vụ tăng 18% so cùng kỳ; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng gần 55% mang về cho ACB lần lượt hơn 739 và 303 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác gấp 7,5 lần so cùng kỳ, ghi nhận khoản lãi hơn 369 tỷ đồng tại các hoạt động kinh doanh khác.

Tổng thu nhập ngoài lãi quý I đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng 37%. Trong đó, hoạt động bancassurance đóng góp 390 tỷ đồng doanh thu.

Tổng thu nhập hoạt động của ACB hết quý I/2022 đạt gần 6.850 tỷ đồng, tăng 20,7% so cùng kỳ. Trong khi chi phí hoạt động tăng 39,3%, lên gần 2.739 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí nhân viên tăng 25%.

Tổng dư nợ cho vay cuối quý I/2022 của ACB đạt 380 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm ngoái và 17,2% so với cùng kỳ, với động lực chính đến từ cho vay ngắn hạn đối với những phân khúc khách hàng chiến lược (cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Theo ban lãnh đạo ACB, đà tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì tốt trong 4 tháng đạt mức 8% so với đầu năm. Hiện tại, ngân hàng đã nộp đơn xin NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng và kỳ vọng có thể có được room mới từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.

ACB xin cấp thêm hạn mức tín dụng
Chiến lược ngân hàng bán lẻ hàng đầu của ACB

Đáng chú ý, trong kỳ ngân hàng hoàn nhập 338 tỷ đồng dự phòng do hoạt động thu hồi nợ cải thiện, phần lớn trong tổng thu nhập từ nợ xấu đã xóa đến từ nhóm 6. Đây là lần đầu tiên ACB được hoàn nhập dự phòng rủi ro kể từ quý I/2019. Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2022, ban lãnh đạo ACB cho biết, ngân hàng đã trích lập dự phòng khoảng 2.300 tỷ đồng do ảnh hưởng của Covid -19.

Nhưng đầu năm 2022, tình hình khách hàng cơ cấu đã cải thiện tốt, dư nợ tái cơ cấu từ 27.000 tỷ đồng cơ cấu trong năm 2021, đến quý I/2022 chỉ còn 15.000 tỷ đồng. Nếu tình hình khả quan thì ACB sẽ hoàn nhập dự phòng và có một khoản thu nhập bất thường trong năm nay.

Hoạt động trích lập và thu hồi nợ hiệu quả giúp ACB duy trì vị thế nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất hệ thống. Tổng số dư nợ xấu tại ACB tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ nhóm 2 đã giảm 15% so với đầu năm, tốt hơn đáng kể so với mặt bằng chung của ngành ngân hàng.

Tổng nợ quá hạn của ngân hàng tương đối ổn định khi không tăng so với thời điểm đầu năm. Tổng dư nợ chịu ảnh hưởng Covid giảm còn 15 nghìn tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm, và ngân hàng đã thu hồi được 1,2 nghìn tỷ đồng.

Do dư nợ đã thu hồi được một phần, nên khoản trích lập dự phòng 338 tỷ đồng trước đó đã được hoàn nhập giúp chi phí dự phòng thuần trong kỳ ở mức 3 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý I/2022, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 lần lượt là 0,42% và 0,82%.

Hoàn nhập dự phòng cũng là yếu tố chính tác động tích cực tới lợi nhuận của ACB. Ngân hàng báo lãi trước thuế quý I/2022 hơn 4.114 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.