Amway Việt Nam lãi lớn dù chi hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống bán hàng đa cấp

Trần Anh - 12:04, 06/07/2018

TheLEADERHoạt động kinh doanh đa cấp tại mang lại ‘siêu lợi nhuận’ cho những công ty như Amway Việt Nam. Sau 8 năm hoạt động ở Việt Nam, đến cuối năm 2016, Công ty này có lãi lũy kế gần 480 tỷ đồng.

Ra mắt Việt Nam vào năm 2008 với vốn đầu tư gần 25 triệu USD, Amway là một trong những doanh nghiệp đa cấp quy mô nhất tại Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương năm 2015, Amway nắm giữ 30% thị phần ‘bán hàng trực tiếp’.

Là đơn vị kinh doanh đa cấp, quy mô của Amway tăng tỉ lệ thuận với tốc độ phát triển của hệ thống. Công ty lý luận mình không đặt nặng chi phí vào việc marketing mà hướng tới mục tiêu tăng số người tham gia vào hệ thống, hay còn gọi là các nhà phân phối. Hiện tại, công ty thu hút khoảng 300.000 nhà phân phối trong nước.

Mặt hàng chủ yếu được Amway Việt Nam kinh doanh bao gồm các loại thực phẩm chức năng như vitamin, khoáng chất Nutrilite, sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc da và các sản phẩm đồ da dụng có thương hiệu Homecare. Công ty đặt các nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp AMATA, tỉnh Đồng Nai và VSIP II A, tỉnh Bình Dương

Amway Việt Nam lãi lớn dù chi hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống bán hàng đa cấp
Một buổi đào tạo của Amway Việt Nam

Tại Việt Nam, bán hàng đa cấp là một mô hình kinh doanh không gây được thiện cảm với xã hội. Năm ngoái, hàng loạt đơn vị bán hàng đa cấp bị phát hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên tới hàng ngàn tỷ đồng của những người tham gia hệ thống thông qua mô hình “kim tự tháp”. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ thu phí các thành viên thay vì đến từ việc bán hàng. Trước tình hình đó, Chính phủ cũng có những biện pháp thắt chặt hoạt động của các doanh nghiệp đa cấp.

Riêng với Amway, hoạt động kinh doanh của đơn vị này vẫn rất ấn tượng với doanh thu đạt 1.921 tỷ đồng trong năm 2015. Đặc thù của bán hàng đa cấp thể hiện qua báo cáo tài chính là cơ cấu giá vốn hàng bán (phản ánh các chi phí sản xuất ra sản phẩm) rất thấp, chỉ chiếm khoảng 30% trên doanh thu.

Giá vốn thấp giúp công ty có tỷ lệ lãi gộp rất cao, khoảng 70% và đạt 1.317 tỷ đồng trong năm 2015.

Đổi lại, Amway phải chi nhiều nhất cho chi phí hoa hồng, chiết khấu cho mọi người tham gia hệ thống. Năm 2015, chi phí bán hàng của doanh nghiệp này lên tới 820 tỷ đồng, cao hơn cả giá vốn. Sau khi trừ đi chi phí quản lý doanh nghiệp (216 tỷ đồng) và nộp thuế, Amway đạt lợi nhuận sau thuế 243 tỷ đồng.

Sang năm 2016, Amway cho thấy hoạt động kinh doanh có phần sa sút. Công ty chỉ ghi nhận 1.401 tỷ đồng doanh thu thuần. Trong khi đó, chi phí bán hàng vẫn ở mức cao (667 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp không đổi. 

Kết quả, Amway báo lỗ 52,7 tỷ đồng trong năm 2016. Dòng tiền của công ty cũng bị âm 19 tỷ đồng so với mức dương 131 tỷ đồng trong năm trước, chủ yếu là do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh.

Amway thua lỗ trùng thời điểm công ty bị Bộ Công thương điều tra hoạt động từ tháng 3/2016. Sau khi điều tra, Bộ Công thương chỉ ra doanh nghiệp này có 3 sai phạm lớn, bao gồm việc thiếu đăng ký kinh doanh đa cấp cho các đại lý tại tỉnh, thành; thiếu giám sát quá trình đào tạo nhân viên bán hàng đa cấp và tự ý bán hàng online mà chưa được cơ quan chức năng phê duyệt.

Mặc dù vậy, năm 2016 có lẽ chỉ là một “đoạn vấp nhỏ” trong hành trình của Amway tại Việt Nam. Báo cáo năm 2016, công ty vẫn ghi nhận khoản lãi lũy kế lên tới gần 480 tỷ đồng chỉ sau 7 năm có mặt trên thị trường, cho thấy hoạt động kinh doanh đa cấp mang về ‘siêu lợi nhuận’.