Áp lực bủa vây nền kinh tế

An Chi - 11:37, 12/05/2023

TheLEADERMục tiêu tăng trưởng kinh tế 2023 đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ cả tình hình thế giới và nội tại trong nước do lạm phát tăng cao, hoạt động sản xuất suy giảm.

Áp lực bủa vây nền kinh tế
Giữ được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% là thách thức rất lớn

Suy thoái kinh tế toàn cầu đang hiện hữu

Dù một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang phục hồi kinh tế sau đại dịch, tuy nhiên, năm 2023 tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ chậm hơn do những biến động chính trị, rủi ro thương mại, tài chính, cùng với sự không ổn định của nền kinh tế. 

Các rủi ro mà kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt bao gồm suy thoái kinh tế, thắt chặt chính sách tiền tệ, lạm phát, tăng lãi suất, xung đột chính trị, biến đổi khí hậu và các bệnh dịch.

Trước đó, từ năm 2022, việc FED tăng lãi suất 7 lần đã đẩy lãi suất thế chấp tăng cao và kích hoạt cuộc chạy đua lãi suất của các ngân hàng và biến động tỷ giá trên toàn cầu. Nhiều ngân hàng trung ương và quốc gia trên thế giới đều phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và giữ giá đồng tiền của họ.

Tại Mỹ, triển vọng kinh tế trở nên tồi tệ hơn khi chỉ số giá tiêu dùng tăng đáng kể và không có xu hướng giảm. FED dự kiến tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, nhưng động thái này có thể làm tăng nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Báo cáo Tác động môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tễ vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) cho rằng, mặc dù lạm phát đã bắt đầu giảm xuống vào nửa cuối năm 2022 khi chuỗi cung ứng được bình thường hóa, song vẫn ở mức rất cao.

Năm 2022, lạm phát trên toàn cầu đã tăng cao do giá dầu tăng và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Lạm phát tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng như dầu mỏ. Lạm phát tại Mỹ đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6 và đạt 7,1% vào tháng 11. Lạm phát tại châu Âu và châu Á cũng tăng lên mức hai con số. Lạm phát khiến các đồng tiền của các thị trường mới nổi ở châu Á mất giá từ 5-10% so với đồng USD. 

Mặt khác, các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và lo ngại về suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực tới đến dòng vốn đầu tư toàn cầu. Dòng vốn FDI toàn cầu tăng trở lại đạt 972 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, phần lớn mức tăng đến trong quý đầu tiên, trong khi dòng vốn FDI toàn cầu giảm 22% trong quý II năm 2022, so với quý trước. Sự sụt giảm này do lạm phát và lãi suất ngày càng tăng, năng lượng tăng giá và cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc chậm lại đã làm giảm tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu và giá cả hàng hoá quốc tế. Lãi suất tăng và chiến tranh ở Ukraine đã gây ra những tổn thất nặng nề nhất trên thị trường tài sản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 

Trong năm 2022, thị trường tài chính toàn cầu mất hơn 30 nghìn tỷ USD do tình trạng lãi suất tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ các tài sản như cổ phiếu và trái phiếu. 

Các cổ phiếu đã có đợt phục hồi lớn đầu tiên vào giữa tháng 6 nhưng giảm trở lại mức thấp mới vào giữa tháng 10. Thị trường trái phiếu cũng phải hứng chịu tình trạng bán tháo ồ ạt vìlãi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 1960, khiến lợi tức của các khoản nợ chính phủ an toàn giảm xuống dưới 0 và đẩy giá của ngay cả những tài sản rủi ro nhất.

Nguy hiểm hơn, trong tháng 3 năm 2023, Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ, gây ra lo ngại về sự lây lan của vụ đổ vỡ này. Nguyên nhân là do các ngân hàng mua nhiều trái phiếu dài hạn của chính phủ Mỹ bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Tình hình kinh tế khó khăn đã khiến cho nhiều khách hàng rút tiền gửi, khiến các ngân hàng không đủ tiền mặt dự trữ và hoàn toàn sụp đổ. Sự kiện này đã làm giảm giá trị cổ phiếu ngân hàng ở Mỹ, Châu Á và Châu Âu và tạo ra hiệu ứng domino khiến cho Credit Suisse sụp đổ chỉ trong vài ngày.

Tăng trưởng đã mất đà, lạm phát cao diễn ra dai dẳng, niềm tin suy yếu, tính bất ổn cao chính là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của một số nền kinh tế lớn trên thế giới. Theo VEPR, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn trong bối cảnh tăng lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng nhanh trên toàn thế giới. 

Áp lực đè nặng kinh tế trong nước

Không chỉ trên toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 cũng đang gặp những thách thức rất lớn từ tình hình nội tại. TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, lãi suất tăng cao, lạm phát, thị trường tài chính suy giảm mạnh và hoạt động sản xuất có dấu hiệu hụt hơi đang là những dấu hiệu không mấy khả quan của nền kinh tế trong nước.

Năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 8,02%, cao hơn mục tiêu tăng trưởng chính thức và đánh dấu quý thứ 5 liên tiếp tăng trưởng. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu suy giảm từ quý III/2022 do đơn hàng giảm sút, chi phí đầu vào cao, giá một số mặt hàng dịch vụ tăng và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục suy giảm trong quý I năm 2023, khiến cho giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%.

Mặt khác, sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong năm 2022 và 2023, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là dệt may giảm đáng kể do chính sách Zero Covid của Trung Quốc ảnh hưởng đến hơn 50% giá nguyên liệu dệt may nhập khẩu từ nước này. Các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU cũng giảm mạnh về số đơn hàng.

Những khó khăn của kinh tế toàn cầu cũng là nguyên nhân khiến nguồn vốn FDI vào Việt Nam chịu nhiều biến động. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2022 giảm 11% so với năm 2021, đạt gần 28 tỷ USD, do tình hình kinh tế suy thoái đã ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định đầu tư của các nước. Đầu tư FDI vào Việt Nam đã giảm 2,2% trong quý đầu tiên năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.

Một thách thức khác đến từ tình hình trong nước được ông Việt chỉ ra là lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao mặc dù đã hạ nhiệt, do áp lực từ lạm phát toàn cầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Quý I/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 5.01%. Những yếu tố đóng góp vào sự tăng giá là nhóm nhà ở, vật liệu, thực phẩm, học phí, văn hoá, giải trí, du lịch và giá điện sinh hoạt.

Ngoài ra, thị trường tài chính của Việt Nam đang có sự suy giảm mạnh. Thị trường cổ phiếu Việt Nam suy giảm mạnh từ đầu năm 2022 đến nay. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2022 tụt giảm do áp lực đáo hạn ngắn hạn và lãi suất tăng cao. Khối lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước tính khoảng 790.000 tỷ đồng, làm tăng rủi ro thanh khoản và giảm sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. 

Theo ông Việt, nhìn chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục giai đoạn trầm lắng và không còn sôi động trong năm 2023 trước bối cảnh thanh khoản ngày càng giảm dần. Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp được vận hành và đem lại tính thanh khoản cao hơn đối với các sản phẩm sẽ là điều cần thiết để khôi phục sức hấp dẫn của thị trường trong thời gian tới.

Với tình hình kinh tế thế giới và trong nước như hiện nay, các chuyên gia của VEPR cho rằng, việc giữ được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% là thách thức rất lớn đối với cả nền kinh tế. Việc duy trì đà tăng trưởng đòi hỏi giải pháp tổng thể, đồng bộ cũng như sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, sớm phục hồi nền kinh tế.