Áp lực lạm phát đè nặng nền kinh tế

An Chi - 10:25, 16/10/2022

TheLEADERÁp lực lạm phát trong các tháng cuối năm 2022 với nền kinh tế Việt Nam vẫn rất lớn

Áp lực lạm phát đè nặng nền kinh tế
Áp lực lạm phát trong các tháng cuối năm 2022 là rất lớn

9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức 2,73%, được coi là một thành công trong việc kiểm soát  lạm phát , góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. 

Với mức lạm phát này, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước có tỷ lệ lạm phát thấp trong khi nhiều nước tại khu vực châu Âu, châu Mỹ và một số nước ở châu Á như Thái Lan, Indonesia… đang tăng cao.

Cụ thể, tại Mỹ, lạm phát 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,3%, điều này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 5 trong năm 2022 với mức tăng thêm 0,75 điểm phần trăm. Tại khu vực châu Âu, ghi nhận con số lạm phát kỷ lục vào tháng 8 là 9,1%. 

Ở khu vực châu Á, lạm phát hiện cũng đang tăng rất cao, có thể kể đến như Thái Lan đạt mức lạm phát 7,9% trong tháng 8, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,1%, Indonesia tăng 4,7%. 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ là rất lớn. Mức lạm phát thấp trong đầu năm 2022, một phần là do những biến động về kinh tế, chính trị thế giới có độ trễ nhất định khi tác động đến tình hình trong nước.

Theo TS. Lê Văn Chiến, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lạm phát của Việt Nam trong quý IV/2022 sẽ chịu sức ép lớn cả từ phía nền kinh tế thế giới và kinh tế trong nước.

Trong đó, cuộc khủng hoảng quân sự giữ Nga và Ukraina, các nước phương Tây đã đồng loạt đưa ra hơn 11 nghìn lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế, chính trị Nga. Hậu quả của các lệnh trừng phạt đó không chỉ ảnh hưởng đến Nga mà đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế các nước phát triển nhất là các nước đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. 

Lạm phát đã tăng ở hầu hết các quốc gia phát triển khiến lần lượt Mỹ, Canada, EU đã phải tăng lãi suất tiết kiệm nhằm chặn đà tăng của giá cả. Giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu chắc chắn có ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung của Việt Nam khiến nguy cơ “nhập khẩu lạm phát” là khó tránh khỏi. 

Trong nước, nhu cầu tăng chi tiêu sau đại dịch của người dân, nhu cầu vốn đầu tư phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp tạo sức ép rất lớn lên giá cả hàng hóa, dịch vụ. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa tăng trưởng tín dụng để phục hồi kinh tế và kiềm chế lạm phát. Ông Chiến cho rằng, trong khi vẫn còn 3 tháng của năm 2022, khả năng giữ mức lạm phát dưới 4% theo kế hoạch là khó có thể được thực hiện. 

Đáng chú ý, lạm phát do “chi phí đẩy” đã và sẽ có khả năng ảnh hưởng lớn đến chỉ số lạm phát trong những tháng tới và cả năm 2022 cũng như các năm tiếp theo. 

Từ đầu năm giá xăng, dầu tăng mạnh (tăng 61,2% trong tháng 6 năm 2022) làm giá vận tải trong tháng 6 tăng 21,4%. Tính trung bình 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá sản xuất ngành công nghiệp chế tạo, chế biến tăng bình quân 4,1%/tháng, chủ yếu do giá nguyên vật liêu đầu vào tăng là cơ sở cho nhận định trên, ông Chiến nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cũng cho rằng, việc lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lạm phát của Việt Nam và làm cho tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại.

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” ngày 7/6/2022, Ngân hàng Thế giới cảnh báo thế giới đang bước vào “thời kỳ tăng trưởng yếu kéo dài và lạm phát gia tăng” và hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 từ 4,1% xuống 2,9%.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát vẫn cao và lãi suất tăng cao sẽ làm nhu cầu đầu vào của sản xuất thu hẹp và khả năng chi tiêu của nền kinh tế thu hẹp, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới và mức độ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào chiếm tới 37% cho nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn. 

Năm 2022 tác động của các gói kích cầu kinh tế năm 2020, 2021 của Việt Nam sẽ bộc lộ rõ hơn do tác động bởi độ trễ của lượng tiền tệ được đưa vào thị trường. 

Đặc biệt, năm 2020 tín dụng trong nền kinh tế tăng trưởng 12,17% nhưng nền kinh tế chỉ tăng 2,9% GDP; năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng khoảng 14% nhưng nền kinh tế chỉ tăng 2,58%, vì vậy lượng tiền tệ trong nền kinh tế tương đối lớn có thể gây sức ép lạm phát. 

Việc triển khai chương trình hỗ trợ hồi phục và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội cũng sẽ gây sức ép lên giá cả nguyên nhiên vật liệu và tạo thêm sức ép tăng lạm phát.

Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát, ông Thịnh cho rằng, Chính phủ cần thực hiện tốt một số biện pháp. 

Trong đó, Việt Nam cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI). 

Các ngân hàng cần giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm. Cung tiền trong thời gian qua đang tăng, tín dụng 8 tháng đầu năm 2022 tăng 9,5%. Khả năng tăng tốc độ luân chuyển của đồng tiền khi dịch bệnh được kiểm soát cũng là một thực tế cần được tính toán khi xem xét khả năng tăng cao của lạm phát.

Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định và phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Thứ ba, Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Thời gian qua, giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng giá nhiều mặt hàng chưa giảm, thậm chí tăng cao. Cần sớm có các biện pháp ổn định để đưa giá các mặt hàng về đúng vị trí. 

Đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Tài chính về sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.