APEC: Tuần lễ quan trọng đối với kinh tế và chính trị châu Á

Nguyễn Lê - 16:34, 09/11/2017

TheLEADERHợp tác thương mại, Bắc Triều Tiên và khủng bố sẽ là những vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của các cuộc họp cấp cao tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam.

APEC: Tuần lễ quan trọng đối với kinh tế và chính trị châu Á
Ảnh: VTV

Các nhà lãnh đạo APEC và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tổ chức một chuỗi các cuộc họp thượng đỉnh trong suốt 7 ngày sắp tới để cùng nhau đưa ra những quyết sách về khuôn khổ chính sách trong tương lai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vấn đề lớn nhất trên bàn nghị sự không gì khác ngoài cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán thương mại cũng là vấn đề lớn trong chương trình nghị sự, với các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bước vào giai đoạn nước rút. 

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ thúc đẩy cách tiếp cận song phương mà ông ưa chuộng đối với các mối quan hệ quốc tế trong chuyến công du Châu Á lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức.

Các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào ngày 10/11 tại Đà Nẵng, Việt Nam, nơi hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức, trước khi chuyển tới Manila tại Philippines để tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á.

Vấn đề Bắc Triều Tiên

Thời lượng đáng kể của chương trình nghị sự sẽ hướng tới việc tìm ra tiếng nói chung và biện pháp đối với vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN - tất cả đều có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên - đã gặp nhau tại Manila vào cuối tháng 10, đưa ra tuyên bố chung nhằm "bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với vấn đề khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên" và " thúc giục CHDCND Triều Tiên thực hiện ngay các nghĩa vụ theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc".

Trong khi đó, các quốc gia vẫn đang tồn tại những quan điểm khác nhau đối với vấn đề nghiêm trọng này.

Một mặt, Hoa Kỳ và Nhật Bản muốn đẩy mạnh các biện pháp cứng rắn nhằm răn đe Bắc Triều. "Chiến lược kiên nhẫn [đối với Triều Tiên] đã chấm dứt", tổng thống Trump tuyên bố tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Hai (6/11) tại Tokyo.

Mặt khác, Trung Quốc và Nga, những nước tương đối gần gũi về vị trí địa lý và hệ tư tưởng với nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại có những lập luận trái chiều. Ông Trump đã đến thăm Bắc Kinh trước khi đến tham dự diễn đàn APEC tại Việt Nam, và dự kiến sẽ yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình có những phản ứng cứng rắn hơn trong cuộc đối đầu với Triều Tiên. Tổng thống Trump cũng dự kiến sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Việt Nam và yêu cầu sự hợp tác của người đồng cấp.

Việc liệu Trump có thể thuyết phục các đối tác Trung Quốc và Nga hay không sẽ là chìa khóa để hình thành lập trường chung về vấn đề Triều Tiên trong suốt các cuộc họp của APEC và ASEAN.

Thương mại đa phương hay song phương

Về vấn đề kinh tế, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy các thoả thuận thương mại song phương mà ông ưa chuộng trong các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo APEC và ASEAN, trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại trong các cuộc họp ở cả Việt Nam và Philippines đều tập trung hơn vào các thỏa thuận đa phương.

Tại hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Đà Nẵng, các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo từ 11 nước còn lại trong TPP sẽ nhóm họp tại vòng đàm phán cuối cùng. Các nước thành viên vẫn còn tổn tại nhiều quan điểm khác biệt đối với "TPP 11" - theo đó các điều khoản đã bị đình chỉ kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, tuy nhiên, 11 nước còn lại vẫn nuôi hy vọng về một thỏa thuận TPP mới.

Tại Manila, 16 quốc gia sẽ tham gia vào vòng đàm phán thứ 21 của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Mặc dù thoả thuận này không rộng và tham vọng như TPP, nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ trong những tháng gần đây. Tuy nhiên đây là một thỏa thuận đa phương, và một lần nữa, không bao gồm Hoa Kỳ

Trump ủng hộ các giao dịch thương mại song phương bởi ông coi đây là cách dễ dàng nhất để đạt được thứ mà gọi là thương mại "tự do, công bằng và tương hỗ" và để giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ.

Tự do hàng hải

Với việc Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa trước mắt đối với khu vực, những tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông dường như đã bị tạm gác sang một bên. "Vấn đề Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự của APEC", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo gần đây.

Điều này cũng có thể ít được đề cập trong các cuộc đàm phán ASEAN. Trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa Bắc Kinh và các bên liên quan đã giảm xuống, trong khi các nước ASEAN và Trung Quốc gần đây đang tổ chức các cuộc tập trận cứu hộ hàng hải chung trong khu vực vùng biển tranh chấp.

Nhưng một cuộc đối đầu lớn hơn có thể sẽ xuất hiện liên quan đến sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Tổng thống Trump dự kiến sẽ đề cập đến chiến lược mới của chính quyền Hoa Kỳ đối với khu vực châu Á tại Việt Nam, bao gồm chiến lược "tự do và mở cửa ở Đông Dương Thái Bình Dương".

Chiến lược này, ban đầu được chính phủ Nhật đưa ra, chồng chéo về mặt địa lý với sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" của Trung Quốc và được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chương trình phát triển cơ sở hạ tầng xuyên Á-Âu của Bắc Kinh. Đây cũng là một nỗ lực của Nhật Bản, cùng với các đồng minh trong khu vực, để ngăn chặn nguy cơ Bắc Kinh đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực.

"Khu vực rộng lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm khu vực rộng lớn từ châu Á-Thái Bình Dương thông qua Ấn Độ Dương đến Trung Đông và Châu Phi là trung tâm phát triển của thế giới", thủ tướng Abe nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo. "Duy trì và tăng cường một trật tự hàng hải tự do và cởi mở là điều rất quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực. Chúng tôi nhất trí tăng cường hợp tác để hiện thực hóa một khu vực tự do và cởi mở".

Chống khủng bố

Châu Á hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ tấn công khủng bố từ "những con sói đơn độc" từ nhóm vũ trang của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cùng với đó là các căng thẳng tôn giáo được đẩy lên mức báo động, đặc biệt là vấn đề của nhóm người dân tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya, Myanmar.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, giải quyết khủng bố là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự trong cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng ASEAN vào cuối tháng 10.

Philippines, đất nước vừa mới trải qua cuộc chiến kéo dài 5 tháng với các phần tử Hồi giáo cực đoan, những kẻ đã chiếm đóng thành phố Marawi, miền nam nước này, cũng muốn thảo luận về vấn đề này tại các cuộc họp. Ngoại trưởng nước này cho biết vào đầu tháng 11 rằng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ thảo luận về vấn đề khủng bố với những người đồng cấp trong khu vực, bao gồm tổng thống Trump.