Cơ hội thông qua TPP tại APEC Việt Nam là 50/50

Linh Lan - 16:26, 07/11/2017

TheLEADERQuá trình 'cứu' Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ kết thúc trong tuần này, trong khi đó, các quốc gia vẫn đang tồn tại những bất đồng về việc liệu có nên giữ lại, rời bỏ hay đàm phán Hiệp định lại từ đầu sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận.

Cơ hội thông qua TPP tại APEC Việt Nam là 50/50
Ảnh: globalchamber.org

Các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thuộc diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng sẽ tập hợp đầy đủ 11 thành viên còn lại của Hiệp định TPP bao gồm cả Nhật Bản và Việt Nam để nâng cao khả năng ký kết thỏa thuận. 

Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - vẫn tiếp tục ủng hộ TPP bất chấp những cảnh báo về sự không chắc chắn và thậm chí những tổn thương cho tăng trưởng mà hiệp định này có thể sẽ mang lại.

"Chúng tôi vẫn muốn duy trì tiêu chuẩn cao và tìm ra cách để đạt được thỏa thuận giữa 11 quốc gia", Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết.

Hiệp định này bao phủ 40% nền kinh tế toàn cầu, bao gồm những quy định vượt xa các hiệp định truyền thống khác như vấn đề sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp nhà nước và quyền của người lao động. 

Sau nhiều năm thương thảo hàng ngàn điều khoản, gần đến giai đoạn phê chuẩn, TPP đã bị rơi vào tình trạng hỗn loạn trong năm nay khi tổng thống Trump rút Mỹ khỏi hiệp định như một trong những động thái đầu tiên của ông trong vai trò mới, với lập luận rằng động thái này là cần thiết để bảo vệ công ăn việc làm cho người dân Mỹ.

Thỏa thuận này được coi là điểm nhấn của kế hoạch xoay trục sang châu Á của chính quyền tổng thống Obama và là một bước đi để chống lại tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ rút khỏi, các quốc gia còn lại đã phải vật lộn để tiếp tục đàm phán thỏa thuận.

Hai quan chức Nhật Bản giấu tên cho biết vào tuần trước rằng họ dự kiến thỏa thuận TPP-11 sẽ đạt được ở Việt Nam, và nói thêm rằng khoảng 20 vấn đề vẫn cần được giải quyết.

"Lý do để đạt được thỏa thuận vẫn rất hấp dẫn", Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết hôm thứ Bảy. TPP, tuy nhiên, vẫn là sáng kiến của Hoa Kỳ. Và với việc nền kinh tế lớn nhất thế giới đã rút lui, những nước khác đã lên tiếng lo ngại.

Một trở ngại quan trọng đối với TPP đã được gỡ bỏ hồi tuần trước khi tân Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, tuyên bố sẽ điều chỉnh luật cấm người nước ngoài mua nhà.

Một trong số các quan chức Nhật Bản cho biết nguy cơ New Zealand quay lưng với TPP là khá thấp, bởi họ là một nước xuất khẩu nông nghiệp mà theo đó tham gia hiệp định là một cơ hội tốt.

Mặc dù nuôi hy vọng đạt được thỏa thuận nhanh chóng tại Việt Nam, Canada đang đẩy mạnh một số điều khoản để bổ sung vào hiệp định, Bộ trưởng Bộ Thương mại Canada Francois-Philippe Champagne nói. Nước này đang tìm cách duy trì các điều khoản tiếp cận thị trường đồng thời tăng cường các điều khoản như môi trường và lao động.

Mexico, nền kinh tế lớn thứ tư của TPP, cũng đã làm việc với Nhật Bản và các nước khác để đạt được thỏa thuận một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, Mexico và Canada cũng đang lâm vào tình trạng tương tự nhằm níu kéo Hoa Kỳ ở lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Các cuộc đàm phán của NAFTA đã bị đình trệ bởi năm đề xuất gây tranh cãi của Hoa Kỳ.

Trong một diễn biến khác, tổng thống Trump, trong chuyến thăm Nhật Bản gần đây, đã than phiền về vấn đề thâm hụt của Hoa Kỳ trong thương mại với Nhật Bản, đặc biệt trong ngành ô tô. Ông nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng TPP "không phải là ý tưởng đúng đắn" và ông đề cập đến việc nới lỏng các biện pháp hạn chế thương mại theo một cách khác, bên ngoài khuôn khổ TPP, tuy nhiên không đi sâu vào chi tiết.