Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về số khu công nghiệp mới trong quý I

Nhật Hạ - 08:05, 02/04/2021

TheLEADER13 tỉnh, thành phố có dự án khu công nghiệp mới được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư trong quý I/2021, thì Bắc Ninh dẫn đầu với 5 khu công nghiệp mới.

Bắc Ninh hiện được nhiều người biết đến như là thủ phủ của khu công nghiệp, FDI phía Bắc và giữ danh hiệu này nhiều năm liên tiếp. Trước làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng được dự báo là có quy mô lớn, Bắc Ninh đang hội tủ đầy đủ những yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư từ nước ngoài. 

Đáng chú ý, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Ninh cũng đang ngày càng khẳng định vị thế của mình để sẵn sàng trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2022.

Hiện tại, ngoài các ông lớn FDI đang hiện hữu tại Bắc Ninh như Samsung, Canon, Nokia, Pepsico… thì Amazon và Home Depot cũng đang tích cực tìm nguồn cung ứng tại Việt Nam. Gã khổng lồ Google cũng đã chính thức chọn Bắc Ninh là địa phương để đầu tư và phát triển sản xuất Google Pixel.

Không chỉ doanh nghiệp FDI, các tên tuổi lớn của Việt Nam như Vinamilk, Vinasoy, Kinh Đô… cũng góp mặt tại đây.

Kể từ đầu năm đến nay, trong 13 tỉnh, thành phố có dự án khu công nghiệp mới được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, Bắc Ninh dẫn đầu với 5 dự án mới.

Hai khu công nghiệp mới nhất thuộc Bắc Ninh được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 3/2021 là khu công nghiệp Gia Bình II và khu công nghiệp Quế Võ III – phân khu 2.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Quế Võ III – phân khu 2 tại xã Việt Hùng, xã Phù Lương và xã Quế Tân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có quy mô sử dụng đất 208,54 ha. Tổng vốn đầu tư dự án là 2.779,486 tỷ đồng. Trong đó vốn góp của nhà đầu tư - Công ty TNHH Mạnh Đức là 430 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gia Bình II, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh có quy mô 250 ha do CTCP Tập đoàn HANAKA làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư là 3.956,8 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 1.201,2 tỷ đồng.

Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về số khu công nghiệp mới trong quý I
KCN Yên Phong I tại Bắc Ninh.

Bên cạnh hai khu công nghiệp trên của Bắc Ninh, trong tháng 3, Thủ tướng cũng đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng cho thêm 13 khu công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố gồm Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Vĩnh Long, Quảng Nam, Thừa thiên Huế, Nam Định, Nghệ An.

Trong đó, Quảng Trị sắp có tới 3 khu công nghiệp mới gồm khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú, khu công nghiệp Quảng Trị.

Theo quyết định, CTCP Trung Khởi là nhà đầu tư của dự án đa ngành Triệu Phú. Đây là khu công nghiệp lớn nhất về quy mô và vốn đầu tư được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư trong tháng 3, với việc sử dụng 528,97ha đất tại xã Triệu Trạch, xã Triệu Sơn và xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong. Tổng vốn đầu tư là 4.533,61 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 680,1 tỷ đồng.

Khu công nghiệp Quảng Trị tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Trường và xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng có quy mô 481,2ha với tổng số vốn đầu tư 2.074,33 tỷ đồng. Dự án do ba nhà đầu tư gồm Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam – Singapore; CTCP đô thị Amata Biên Hòa; Sumitomo Corporation với tổng số vốn góp là 311,1 tỷ đồng.

Dự án thứ ba của Quảng Trị là khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá tại xã Vĩnh Long và Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh do CTCP Quang Anh Quảng Trị làm chủ đầu tư với quy mô 214,77ha. Tổng vốn đầu tư là 925 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 200 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vĩnh Phúc cũng có thêm 3 khu công nghiệp mới gồm khu công nghiệp Sông Lô I, khu công nghiệp Tam Dương I – khu vực 2, khu công nghiệp Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa.

Như quyết định, CTCP Quốc tế Sơn Hà là nhà đầu tư dự án khu công nghiệp Tam Dương I – khu vực 2 tại huyện Tam Dương, với số vốn góp 198,734 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư toàn dự án là 1.316,12 tỷ đồng, với quy mô 162,33 ha.

Khu công nghiệp Sông Lô I ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc có quy mô sử dụng đất 177,36ha, với tổng vốn đầu tư 1.253,716 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư – Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng Sông Lô là 188,0574 tỷ đồng.

Còn khu công nghiệp Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa tại thị trấn Hoa Sơn, xã Liên Hòa, xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch có quy mô 145,27ha với nguồn vốn 774,827, trong đó vốn góp nhà đầu tư CTCP đầu tư Amane là 120 tỷ đồng.

Tỉnh Hải Dương cũng sắp có 2 khu công nghiệp mới gồm Kim Thành và Gia Lộc. Trong đó, dự án Kim Thành tại xã Thượng Vũ, xã Tuấn Hưng và xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành có quy mô 164,98ha do CTCP COMA 18 làm chủ đầu tư. Tổng vốn là 1.160,72 tỷ đồng, trong đó vốn góp nhà đầu tư là 174,11 tỷ đồng.

Khu công nghiệp Gia Lộc do CTCP Đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang có quy mô sử dụng đất 197,94ha tại xã Hồng Hưng, xã Toàn Thắng, xã Hoàng Diệu và thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc. Tổng vốn dự án là 2.062,5 tỷ đồng, trong đó vốn góp nhà đầu tư 309,38 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khu công nghiệp Đông Bình được thực hiện tại ấp Đông Hậu và ấp Đông Lợi, xã Đông Bình; ấp Đông Hưng 1 và ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long với quy mô sử dụng đất là 350 ha. Tổng vốn đầu tư là 3.026,719 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư – CTCP TNI Vĩnh Long là 454,008 tỷ đồng.

Khu công nghiệp Tam Anh – An An Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai) được thực hiện bởi CTCP công nghiệp và đô thị An An Hòa với quy mô sử dụng đất 435,8 ha. Tổng vốn đầu tư 1.540 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 462 tỷ đồng.

Khu công nghiệp Gilimex tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế có quy mô 460,85ha do CTCP KCN Gilimex làm nhà đầu tư với vốn góp 392,17 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án là 2.814 tỷ đồng.

Nam Định sắp có 1 khu công nghiệp Mỹ Thuận do CTCP xây dựng hạ tầng Đại Phong đầu tư có quy mô 158,48 ha ở huyện Mỹ Lộc và huyện Vụ Bản. Tổng vốn đầu tư là 1.621,236 tỷ đồng, trong đó vốn góp nhà đầu tư là 486,271 tỷ đồng.

Khu công nghiệp mới của Nghệ An có tên Hoàng Mai I ở thị xã Hoàng Mai thuộc khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. Dự án do CTCP Hoàng Thịnh Đạt đầu tư với quy mô sử dụng đất 264,77 ha. Tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 225 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện của 15 dự án khu công nghiệp trên đều là 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án khu công nghiệp được coi là các công trình trọng điểm, có dấu ấn quan trọng trong việc lan tỏa nhằm thu hút đầu tư phát triển kinh tế các tỉnh thành.

Tại một số địa phương, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng trên 60% tổng thu ngân sách nhà nước của địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng...

Bên cạnh việc quyết định chủ trương đầu tư, trong tháng 3, Thủ tướng cũng đã đồng ý điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp (KCN) tại các tỉnh Long An, Vĩnh Phúc, Bắc Giang.

Theo quyết định điều chỉnh, diện tích của khu công nghiệp Phú An Thạnh do Công ty TNHH MTV Phú An Thạnh - Long An làm chủ đầu tư tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 352ha.

Khu công nghiệp Đồng Sóc tại tỉnh Vĩnh Phúc được Chính phủ phê quyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp. Đây là dự án có quy mô 208,5ha tại xã Vân Xuân, xã Vũ Di và thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường.

Còn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, các khu công nghiệp được bổ sung vào quy hoạch gồm khu công nghiệp Yên Lư, khu công nghiệp Yên Sơn – Bắc Lũng, khu công nghiệp Tân Hưng.

Đồng thời, Chính phủ phê duyệt mở rộng diện tích của khu công nghiệp Quang Châu tăng thêm 90ha; khu công nghiệp Hòa Phú thêm 85ha; khu công nghiệp Việt Hàn thêm 148ha.

Hết tháng 2/2021, cả nước hiện có 370 khu công nghiệp được thành lập với diện tích đất tự nhiên đạt 115,2 nghìn ha, theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và đầu tư. Trong đó có 328 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 24 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu.

Tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đạt khoảng 5,3 tỷ USD và 324,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án hạ tầng 2,34 tỷ USD và 152,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 46,2% tổng vốn đầu tư đã đăng ký.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã tạo việc làm cho khoảng 3,65 triệu lao động trực tiếp.

Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp đạt 43,4 nghìn ha với tỷ lệ lấp đầy 57,8%, riêng các khu công nghiệp đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy khoảng 71,7%.