Doanh nghiệp
Bài học xương máu của Chủ tịch Thế Giới Di Động khi giảm mở rộng 500 cửa hàng Bách hóa Xanh
Việc Công ty Thế Giới Di Động giảm tốc độ mở cửa hàng Bách hóa Xanh để tập trung vào tối ưu hóa các cửa hàng hiện hữu được các công ty chứng khoán đánh giá là một bước đi hợp lý.
Số liệu từ Euromonitor (2017) cho thấy, Thế Giới Di Động (MWG) là nhà bán lẻ có doanh thu cao nhất tại Việt Nam, đạt hơn 1,4 tỷ USD. Điều này kéo theo những kì vọng của cổ đông công ty về một tương lai "tươi sáng" trên sàn chứng khoán.
Thế nhưng, trong khoảng 6 tháng trở lại đây, cổ phiếu MWG đã giảm gần 30% thị giá, từ đỉnh 135.500 đồng về 103.000 đồng. Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc thừa nhận, lo lắng của thị trường xuất phát từ tình hình Bách hóa Xanh và điều đó đã phản ánh vào giá cổ phiếu.
Trong buổi gặp gỡ các nhà phân tích Q1/2018 mới đây, ông Tài đánh giá, chiến lược đưa Bách hóa xanh vào các khu dân cư là "hơi vội vàng". Do đó, phía MWG đã quyết định giảm 1/2 kế hoạch mở rộng chuỗi Bách hóa Xanh từ 1.000 cửa hàng xuống 500 cửa hàng trong năm nay.
Nhiều ý kiến phân tích cho rằng, quyết định của MWG được xem là "một bước lùi" mang tính tiêu cực. Nhất là khi cổ phiếu công ty đã phản ứng nhanh chóng với thông tin này, mặc cho những phiên trước tích lũy và hồi phục nhẹ.
Tuy nhiên, khi nhìn vào bức tranh tổng thể, ban lãnh đạo MWG vẫn có cơ sở để tin tưởng hoạt động kinh doanh của chuỗi Bách hóa Xanh sẽ sớm khởi sắc.
Ông Tài xoay sở rất tài!
Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) trong báo cáo ngày 9/5 nhận định: hai trong số những vướng mắc mà chuỗi Bách hóa xanh đang gặp phải là: lựa chọn mặt bằng, và quản trị hàng hóa. Rất may, với cả 2 lĩnh vực này, MWG ít nhiều đã có những kinh nghiệm giải quyết - khi từng rất thành công với chuỗi bán lẻ là Thegioididong.com trước kia.
"Vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục thông qua quá trình thử nghiệm và khắc phục như lựa chọn vị trí cửa hàng và hàng hóa tồn kho trên cả hệ thống. Tuy nhiên, đây đơn giản là quy trình chung cho mảng bán lẻ và không thể cắt bỏ bất kỳ giai đoạn nào", báo cáo của HSC viết.
Về vấn đề mặt bằng, ban đầu MWG đặt kế hoạch mở thêm các cửa hàng mới tại các khu vực dân cư đông đúc, để khách hàng có thể đi bộ, và mua sắm hàng ngày.
Trên thực tế, doanh thu bán hàng tại các cửa hàng Bách hóa Xanh lại cho thấy, thói quen của các bà nội trợ là thường mua sắm hàng ngày trên đường - từ nơi làm việc trở về và hiếm khi đến các cửa hàng khi đã trở về nhà.
Như vậy, ban lãnh đạo MWG rút ra kinh nghiệm, vị trí tối ưu đặt cửa hàng bách hóa phải là dọc các tuyến đường lớn dẫn đến các khu dân cư, thay vì bên trong khu dân cư như chiến lược đã định. Do đó, số lượng các vị trí tối ưu để đặt các cửa hàng mới là ít hơn so với dự kiến ban đầu của MWG.
Về vấn đề quản trị hàng hóa, MWG được cho là đang từng bước điều chỉnh hệ thống ERP áp dụng vào chuỗi Bách hóa xanh, từ đó cải thiện doanh thu trên từng cửa hàng.
Cụ thể, trong Q1/2018, doanh thu chuỗi Bách hóa Xanh đạt 606 tỷ đồng (tăng 329,8% so với cùng kỳ) với số lượng cửa hàng đến cuối tháng 3 là 355 (tăng 430% so với cùng kỳ). Ước tính, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Bách hóa Xanh là gần 700 triệu đồng/tháng, với biên gộp 14%, còn cách khá xa chỉ 1 tỷ đồng doanh thu và 18% biên gộp.
Vì vậy, bài toán mà MWG đang giải quyết, đó là từng bước phải hoạch định lại cơ cấu nguồn hàng ở Bách hóa Xanh, nhằm đạt được doanh thu mục tiêu.
Theo đó, lời giải mà ông Nguyễn Đức Tài đưa ra là hàng hóa của mỗi cửa hàng theo thời gian nên được thay đổi dựa trên loại hình dân cư xung quanh.
Chẳng hạn, hàng hóa ở các cửa hàng nằm trong khu vực dân cư có thu nhập cao có thể bao gồm các loại hoa quả tươi nhập khẩu. Trong khi ở cửa hàng thuộc khu vực dân cư thu nhập thấp hơn chỉ nên gồm các mặt hàng và hoa quả phổ biến trong nước.
Hiện nay, 355 cửa hàng Bách hóa Xanh được phân loại thành 4 nhóm:
Nhóm 1 gồm các cửa hàng có doanh thu hàng tháng lớn hơn 1 tỷ đồng đang tạo lợi nhuận.
Nhóm 2 gồm các cửa hàng có doanh thu hàng tháng từ 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng đang hòa vốn.
Nhóm 3 gồm các cửa hàng có doanh thu hàng tháng từ 500 triệu đồng - 800 triệu đồng, hiện đang lỗ nhưng hứa hẹn sẽ sớm hòa vốn.
Nhóm 4 gồm các cửa hàng có doanh thu hàng tháng dưới 500 triệu đồng, đang lỗ và trong một thời gian có thể chuyển lên nhóm 3 hoặc sẽ phải đóng cửa.
Công ty cho biết, hiện tại, quản lý cửa hàng có thể đề xuất thay đổi về danh mục hàng hóa trong cửa hàng (nếu cần thiết). Tuy nhiên, trong tương lai, MWG sẽ điều chỉnh hệ thống ERP, hướng đến danh mục hàng hóa cho mỗi cửa hàng sẽ do hệ thống ERP quyết định thay vì do nhân sự của cửa hàng.
Đánh giá về động thái của MWG, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, giai đoạn "thử và sai" của chuỗi Bách hóa Xanh vẫn đang tiếp tục, nhà đầu tư cần theo sát diễn biến và đo lường hiệu quả của chuỗi Bách hóa Xanh để xác định thời điểm chuỗi này bắt đầu chuyển mình.
"Việc nhận thức được sai lầm và có động thái sửa chữa kịp thời luôn là ưu điểm của Thế Giới Di Động mà chúng tôi đánh giá rất cao", VDSC nêu quan điểm.
Trên thực tế, thị trường bán lẻ thực phẩm mà MWG tham gia có quy mô tới trên 60 tỷ USD, nhưng mô hình chợ truyền thống và tạp hóa nhỏ với ưu thế giá và độ bao phủ vẫn đang chiếm ưu thế lớn với 94% thị phần.
Xét riêng mô hình bán lẻ hiện đại như chuỗi Bách hóa Xanh, thì mức độ cạnh tranh cũng đăng gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán vẫn tin tưởng, việc công ty giảm tốc độ mở cửa hàng để tập trung vào tối ưu hóa các cửa hàng hiện hữu là một bước đi hợp lý.
Bỏ ý đồ thâu tóm chuỗi bán lẻ thuốc, Thế Giới Di Động sẽ tăng trưởng từ đâu?
Bỏ ý đồ thâu tóm chuỗi bán lẻ thuốc, Thế Giới Di Động sẽ tăng trưởng từ đâu?
Doanh thu của chuỗi bán lẻ thuốc An Khang sẽ không hợp nhất với kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động do công ty chỉ sở hữu 40% cổ phần thay vì 51% như kế hoạch ban đầu.
Chủ tịch Thế Giới Di Động bật mí cách đưa công ty từ bờ vực phá sản đến thương hiệu tỷ đô
Chính sách ra biển lớn được Thế Giới Di Động đưa ra vào năm 2009, biến ông chủ cùng tất cả mọi thành viên trong tập đoàn đều ngồi lên một con tàu, cùng ra biển lớn, cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận như những người đồng hành.
Một chữ quyết định thành công của Thế Giới Di Động
Một trong những yếu tố thành công của Thế Giới Di Động là tạo được một nền tảng văn hoá công ty vững chắc, trong đó lấy Integrity làm cốt lõi.
Tự động hóa quản trị doanh nghiệp nhìn từ câu chuyện của Thế Giới Di Động
Ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác quản trị hiện có hai cách thức phổ biến: Thông qua phần mềm và tự động hóa.
PVFCCo lần thứ 6 được công nhận là “Thương hiệu Quốc gia”
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) được công nhận là “Thương hiệu Quốc gia” năm 2024, với hai sản phẩm Đạm Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Cần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư, với yêu cầu đánh giá đúng hiệu quả tài chính, kiểm soát rủi ro.
SeABank ba lần liên tiếp được vinh danh Thương hiệu quốc gia
SeABank ba lần liên tiếp được Bộ Công thương bình chọn là Thương hiệu quốc gia Việt Nam, đồng thời 16 năm liền được vinh danh là thương hiệu mạnh Việt Nam.
Đón khách cuối năm, hàng không tăng tốc, giá vé tăng cao
Các hãng hàng không Việt tăng cường tần suất khai thác trên nhiều tuyến bay trong cao điểm vận tải hành khách cuối năm.
Đề xuất giảm gần 300 ngày thời gian làm thủ tục đầu tư
Thủ tục đầu tư có thể cắt giảm thời gian đến gần 300 ngày, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, theo đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư trong dự án một luật sửa bốn luật.
Phá bỏ định kiến, sẵn sàng đón gen Z
Đã đến lúc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thấu hiểu và xóa bỏ những định kiến về gen Z để khai thác tối đa tiềm năng của một lực lượng lao động quan trọng hiện nay.
Foxconn định rót 80 triệu USD vào khu đất của Tập đoàn Kinh Bắc
Công ty TNHH Công nghệ Shunsin Việt Nam, thành viên của Foxconn, kỳ vọng vận hành chính thức dự án từ tháng 12/2026.